Hủy

Nhiều ngân hàng khó đạt kế hoạch lợi nhuận cả năm

Thứ Năm | 15/11/2012 09:21

Diễn biến kinh tế phức tạp khiến tình hình cho vay khó khăn, nợ xấu tăng cao... là nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng khó đạt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
 

Năm 2012, tình hình cho vay tương đối khó, kể cả mùa kinh doanh cuối năm của doanh nghiệp đang diễn ra. Bởi trước bối cảnh hàng tồn kho gia tăng, tâm lý của doanh nghiệp chưa muốn mở rộng đầu tư, sản xuất mới. Còn với người tiêu dùng vẫn trong tình trạng cắt giảm chi tiêu. Vì thế, nhu cầu vốn dịp cuối năm nay của khách hàng so với mọi năm là không tăng cao, cho dù lãi suất đã giảm dần.

Không tăng trưởng tín dụng cộng thêm chuyện nợ xấu tăng cao, một số ngân hàng còn phải mua vàng giá cao để cân bằng trạng thái cũng có nghĩa là các ngân hàng khó đạt kỳ vọng lợi nhuận như mong muốn.

Cụ thể, đến nay ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) mới chỉ hoàn thành 69,4% kế hoạch năm 2012. Dù không công bố con số cụ thể nhưng lãnh đạo ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng cho biết kết thúc tháng 9/2012, ngân hàng đã hoàn thành 66% kế hoạch lợi nhuận cả năm…

Song đó là những ngân hàng cổ phần lớn. Còn với hầu hết các ngân hàng nhỏ, lợi nhuận rất khiêm tốn, giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước, thậm chí một số ít ngân hàng còn công bố lợi nhuận âm.

Kết quả kinh doanh quý III/2012 của KienLong Bank là một ví dụ. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 151,29 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 413,9 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm 30/9 của ngân hàng là 2,78%, tăng so với 2,77% cuối năm ngoái.

Với Navibank, sau khi trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 6,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế quý III của ngân hàng này chỉ đạt 6,57 tỷ đồng, giảm 87% so với cùng kỳ, lũy kế 9 tháng đạt 98 tỷ đồng, giảm 33,5% so với cùng kỳ 2011…

Một số ngân hàng khác hiện đã có số liệu nhưng không công bố ra ngoài hay trên website. Chẳng hạn như ngân hàng An Bình (ABBank), quý III đạt 550 tỷ đồng, đạt 73,3% so với kế hoạch cả năm (750 tỷ đồng), chưa trích lập dự phòng rủi ro nên ngân hàng này không công bố, chỉ có khi nào cổ đông gọi hỏi thì mới trả lời riêng cho từng người…

Các chuyên gia cũng đưa ra khá nhiều lý do để giải thích việc sụt giảm lợi nhuận của các ngân hàng. Cụ thể, từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra đề án tái cấu trúc đối với những ngân hàng thương mại (NHTM) yếu, thường xuyên khó khăn về thanh khoản. Từ đó, các NHTM này chủ yếu tập trung giải quyết các khoản nợ xấu cao hơn sổ sách trước sự thanh tra của Ngân hàng Nhà nước nên không có nhiều cơ hội tăng trưởng tín dụng.

Đối với những NHTM thuộc nhóm tín dụng tốt hơn thì khối này lại không dám cho vay vì sợ tăng tỷ lệ nợ xấu. Do vậy, dư nợ nhiều NHTM trong nhóm này đến nay chỉ tăng 2-3% và lợi nhuận kỳ vọng đặt ra đầu năm khó đạt được.

Đứng về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TPHCM cũng thừa nhận, các ngân hàng khó có thể đạt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho năm nay. Ước tính, lợi nhuận của các ngân hàng trên địa bàn thành phố năm nay khả năng chỉ có thể đạt được khoảng 27 – 30% so với cả năm trước.

Nguyên nhân được ông Minh lý giải vì thời gian qua, diễn biến nền kinh tế trong nước khá phức tạp, tốc độ phát triển kinh tế chậm, có dấu hiệu suy thoái, gây khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi các ngân hàng phải đảm bảo hoạt động an toàn nên chuyện không đạt được kế hoạch đề ra là dễ hiểu.

Nguồn Thời báo ngân hàng


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới