Hủy

Nhìn lại "ma trận" sở hữu chéo và đầu tư chéo các ngân hàng

Thứ Bảy | 03/08/2013 11:48

Sở hữu chéo và đầu tư chéo dẫn đến tình trạng nợ xấu gia tăng trong hệ thống tổ chức tín dụng và các dấu hiệu lũng đoạn hệ thống ngân hàng.
 

Trong những năm qua, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam phát triển vượt bậc cả về số lượng và tổng mức đầu tư tín dụng. Năm 1997, số ngân hàng thương mại cổ phần đã tăng vọt lên con số 84 và đến nay được sắp xếp lại còn 35 ngân hàng thương mại cổ phần. Tuy nhiên sự phát triển và tăng trưởng nóng của hệ thống ngân hàng đã làm gia tăng tình trạng sở hữu chéo và đầu tư chéo giữa các tổ chức tín dụng, ngân hàng và doanh nghiệp.

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) dẫn thống kê của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, vấn đề sở hữu chéo và đầu tư chéo tại các tổ chức tín dụng ở Việt Nam ngày càng nghiêm trọng và được chia thành 6 nhóm.

Trong đó bao gồm: (1)Sở hữu của các ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng thương mại nước ngoài tại các ngân hàng liên doanh; (2) Cổ đông chiến lược nước ngoài tại các ngân hàng thương mại; (3) Cổ đông tại các ngân hàng thương mại là các công ty quản lý cũ; (4) Sở hữu của ngân hàng thương mại Nhà nước tại các ngân hàng thương mại cổ phần; (5) Sở hữu chéo lẫn nhau giữa các ngân hàng thương mại cổ phần; (6) Sở hữu các ngân hàng thương mại cổ phần bởi các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và tư nhân.

Tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng thương mại Nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần thể hiện phổ biến và rõ nét nhất. Bốn ngân hàng thương mại Nhà nước là Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV đều sở hữu tỷ lệ cổ phần số lượng lớn và trở thành cổ đông chiến lược của các NHTMCP.

Điển hình nhất là Vietcombank đang sở hữu 11% tại MB, 8,2% tại Eximbank, 4,7% tại OCB, 5,3% tại Saigonbank. Trường hợp khác, Agribank hiện đang sở hữu 15% tại Maritime Bank (cổ phần gián tiếp thông qua Agriseco), 11% tại Saigonbank. Còn VietinBank cũng sở hữu 11% cổ phần tại Saigonbank.

a
Nguồn: Fulbright.

Bên cạnh đó là tình trạng sở hữu các ngân hàng thương mại cổ phần bởi các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và tư nhân. Theo NFSC, hiện nay, có rất nhiều các Tập đoàn kinh tế Nhà nước và các Tập đoàn cổ phần, dù không chuyên sâu về lĩnh vực tài chính nhưng hiện đang đầu tư dài hạn với vai trò nhà sáng lập, nhà đầu tư chiến lược trong các ngân hàng thương mại.

Điều nguy hiểm là mặc dù các Tập đoàn, Tổng công ty nắm giữ số lượng cổ phần tương đối lớn tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhưng lại trực tiếp không tham gia quản trị điều hành trong khi vai trò quản trị điều hành và thâu tóm lại thuộc về nhóm lợi ích hoặc một vài cá nhân.

Theo thống kê, hiện nay có khoảng 40 doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân có sở hữu trên 5% vốn tạo các ngân hàng thương mại cổ phần và các doanh nghiệp này lại sở hữu các công ty đầu tư tài chính.

Điển hình như: Tập đoàn Bảo Việt sở hữu 52% cổ phần của NHTMCP Bảo Việt; Viettel sở hữu 10%, Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam sở hữu 7,2% , Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn sở hữu 5,7% cổ phần của MB; EVN sở hữu 25,4% cổ phần của ABBank; Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn cao su Việt Nam đều sở hữu 9,3% cổ phần của SHB; Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam sở hữu 20% cổ phần của Oceanbank; Agribank sở hữu 15%, VNPT sở hữu 12,5%, Vinalines sở hữu 5,3% cổ phần của Maritimebank.

Ngoài ra, VNPT còn sở hữu 6,1% cổ phần của NHTMCP Đông Nam Á, sở hữu 6% cổ phần của NHTMCP Bưu điện Liên Việt.

Nguồn: Chương trình giảng dạy Fulbright.
Nguồn: Fulbright.

Việc sở hữu chéo giữa các NHTM cổ phần với nhau cũng khá phổ biến ở Việt Nam. Điển hình nhất là ACB đang sở hữu 20% cổ phần tại Eximbank, trong khi đó Eximbank lại sở hữu 10,3% cổ phần tại Sacombank và 8,5% cổ phần tại NHTMCP Việt Á.

Chưa dừng lại ở đó, ACB còn sở hữu thêm cổ phần ở nhiều NHTMCP khác như: 10,8% ở NHTMCP Đại Á, 10% ở NHTMCP Việt Nam Thương Tín; 6,1% ở NHTMCP Kiên Long (thông qua Công ty Chứng khoán ACBS).

Một ví dụ khác, Agribank hiện nay đang nắm giữ trong tay 15% cổ phần của Maritimebank lại đang sở hữu 10,2% của NHTMCP Phát triển MêKông, 8,9% của NHTMCP Quân đội…

Nguồn: Fulbright.
Nguồn: Fulbright.

Theo NFSC, việc hiện hữu nhiều mảng tối trong sở hữu chéo và đầu tư chéo sẽ che khuất rủi ro tiềm ẩn. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ xấu gia tăng trong hệ thống tổ chức tín dụng và các dấu hiệu lũng đoạn hệ thống ngân hàng để trực lợi (như gây ra các sóng tỷ giá, lãi suất liên ngân hàng) làm phân tán vốn tại các tại các Tập đoàn Nhà nước. Và nguy hiểm hơn nữa, nó còn gây ra sự đổ vỡ hàng loạt cho hệ thống tài chính.

Nguồn Dân Việt/NFSC


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới