Hủy

NHNN chỉ mở "room" nước ngoài khi quyền lợi trong nước đảm bảo

Thứ Sáu | 20/07/2012 16:31

Theo Thống đốc, nếu thực hiện không khéo việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần ngân hàng trong nước thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi quốc gia.
 

Phát biểu tại hội nghị đối thoại ngân hàng với doanh nghiệp sáng nay (20/7), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, việc cho phép các tổ chức nước ngoài mua cổ phần tổ chức tín dụng trong nước đã được đề cập trong đề án tái cấu trúc ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, theo Thống đốc, nếu làm không khéo việc bán cổ phần cho đối tác ngoại thì quyền lợi quốc gia không được đảm bảo, bởi hiện nay kinh tế khó khăn, giá cổ phiếu thấp, nếu mở "room" ngay thì nhiều tổ chức tín dụng sẽ bị nước ngoài nắm hết và khi kinh tế hồi phục thì nhà đầu tư trong nước khó có thể mua lại cổ phần.

Do vậy, phương châm của Ngân hàng Nhà nước là không loại trừ việc mở "room" cho nhà đầu tư ngoại vào lĩnh vực ngân hàng, song cần phải có bước đi vững chắc và đảm bảo được lợi ích của các doanh nghiệp trong nước.

"Cần phải đợi đến khi toàn hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn, các tổ chức tín dụng của Việt Nam có thể mua được cổ phần các ngân hàng khác với giá chấp nhận được thì mới xem xét bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại. Như vậy sẽ đảm bảo được quyền lợi của nhà đầu tư trong nước và buộc nước ngoài mua cổ phiếu với giá hợp lý", Thống đốc nói.

Liên quan đến việc thành lập công ty mua bán nợ xấu, Thống đốc khẳng định hiện chưa có một bản đề án cụ thể nào về công ty này. Song, vấn đề xử lý nợ lại là rất cần thiết nhằm giải quyết nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ngân hàng, nền kinh tế.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đã họp với Hội đồng tư vấn quốc gia và sẽ có bản báo cáo cụ thể lên Chính phủ, ông Bình cho biết.

Theo quyết định 254 về đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 được Thủ tướng phê duyệt, sẽ xem xét, cho phép tổ chức tín dụng nước ngoài mua lại, sáp nhập tổ chức tín dụng yếu kém của Việt Nam và tăng giới hạn sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng nước ngoài tại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém được cơ cấu lại.Quy định hiện nay chỉ cho phép các tổ chức nước ngoài sở hữu không quá 20% vốn tại các tổ chức tín dụng trong nước.

Nguồn Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới