Hủy

NHNN có nới lỏng hơn giao dịch liên ngân hàng?

Thứ Sáu | 07/12/2012 05:18

Phó Thống đốc cho biết, trong thời gian tới sẽ có chuyển biến căn bản nội dung của Thông tư 21 để phù hợp với hoạt động thực tiễn của ngân hàng.
 

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 11, công ty chứng khoán ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, theo thông tin không chính thức, Thông tư 21 quy định về hoạt động cho vay, đi vay; mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ sớm có điều chỉnh theo hướng nới lỏng hơn hoạt động giao dịch liên ngân hàng và có thể khiến giao dịch trên thị trường này tăng trở lại.

Trước đó, tại một hội nghị diễn ra tại Hà Nội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét sửa đổi Thông tư 21 trong thời gian tới.

Theo ông, sau khi Thông tư 21 có hiệu lực từ 1/9/2012, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi về những bất cập liên quan đến Thông tư này.

"Trong thời gian tới đây sẽ có chuyển biến căn bản nội dung của Thông tư để phù hợp với hoạt động thực tiễn của ngân hàng", Phó Thống đốc nói.

Thông tư 21 quy định, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được vay trên thị trường liên ngân hàng nếu không có các khoản nợ quá hạn từ 10 ngày trở lên tại thị trường này và sẽ phải thực hiện phân loại, trích lập dự phòng rủi ro để xử lý đối với các khoản cho vay trên liên ngân hàng.

Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định lãi suất cho vay để các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện.

Ngoài ra, theo Thông tư, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được gửi tiền, nhận tiền gửi (trừ tiền gửi thanh toán) tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác.

Với những quy định này, thị trường liên ngân hàng không còn được các TCTD ưa chuộng để vay mượn vốn do không đáp ứng đủ điều kiện (nợ quá hạn, trích lập dự phòng) và bị chi phối về lãi suất. Một số TCTD cũng gửi văn bản kiến nghị lên NHNN cho biết việc phải chuyển tiền gửi thành tiền vay sẽ làm ngân hàng phát sinh một khoản chi phí lớn do phải trích lập dự phòng cho các khoản tiền gửi này.

Qua đó, giao dịch trên thị trường liên ngân hàng từ 1/9 đến nay đã suy giảm mạnh, thể hiện qua doanh số giao dịch trên biểu đồ.

Nguồn: SBV/GAFIN
Nguồn: SBV/GAFIN

Việc giao dịch trên thị trường liên ngân hàng bị siết thời gian qua khiến một số ngân hàng dư thừa thanh khoản chuyển sang hoạt động trên thị trường trái phiếu, thị trường mở, khiến giao dịch trên 2 thị trường này tăng mạnh.

Theo báo cáo của VCBS, trên thị trường sơ cấp, tổng lượng trái phiếu Kho bạc Nhà nước và Chính phủ bảo lãnh phát hành trong tháng 11 đạt 14.700 tỷ đồng, tăng 80% so với tháng trước, trong đó lượng trái phiếu Kho bạc Nhà nước phát hành trên HNX đã vượt 10% kế hoạch năm 2012. Tại thị trường thứ cấp, tổng giá trị giao dịch cũng đạt tới 26.202 tỷ đồng, tăng 83% so với tháng trước.

Trên thị trường mở, NHNN tiếp tục rút ròng 26.226 tỷ đồng trong tháng 11, gấp hơn 4 lần tháng trước, chủ yếu thông qua việc bán một lượng lớn tín phiếu để hút tiền về.

Tóm lại, với tình trạng thanh khoản của các ngân hàng đang dồi dào (tổng số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đến 20/11 tăng 15,98%, trong khi dư nợ tín dụng với nền kinh tế mới tăng 4,15%), cộng với lãi suất liên ngân hàng hiện ổn định ở mức thấp (2 tuần cuối tháng 11, lãi suất cho vay tiền đồng giữa các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng giảm 0,5 - 1% so với tuần đầu tháng 11; lãi suất qua đêm đến 1 tuần ở mức khoảng 1,5%/năm, thấp nhất trong 5 tháng), đây là điều kiện để NHNN xem xét sửa đổi Thông tư 21 theo chiều hướng nới lỏng hơn.

VCBS nhận định, nếu Thông tư 21 được điều chỉnh khiến giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tăng trở lại, thì giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp có thể bị ảnh hưởng.

Nguồn Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới