Hủy

Những điểm yếu của tín dụng 6 tháng đầu năm

Thứ Năm | 03/07/2014 11:00

Đến cuối tháng 6/2014, tín dụng toàn hệ thống mới tăng 2,3%, bằng một nửa so với năm ngoái và còn rất xa so với mục tiêu đề ra của năm (12-14%).
 

Theo ông Phạm Xuân Hòe - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), tính tới ngày 25/6, tổng phương tiện thanh toán (M2) và huy động vốn tăng 6%. Tuy nhiên, tín dụng chỉ mới tăng 2,3%.

Như vậy, so với các tháng đầu năm, tín dụng trong tháng 6 đã nhích lên đáng kể (5 tháng đầu năm, tín dụng tăng 5,31%) song vẫn còn rất xa mục tiêu 12-14% trong năm nay.

Trong khi đó, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến 20/6, hầu hết các chỉ số tiền tệ đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái, trừ tín dụng ngoại tệ. Cụ thể, tổng phương tiện thanh tăng 6,37% so với tháng 12/2013 (cùng kỳ năm 2013 tăng 7,4%). Huy động tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 5,26% (cùng kỳ năm 2013 tăng 8,7%).

Đặc biệt, tín dụng đối với nền kinh tế đến 20/6 tăng 2,02% (cùng kỳ 2013 tăng 4,5%). Trong đó, tín dụng bằng VND ước tăng 0,68%, bằng ngoại tệ ước tăng 10,51% (cùng kỳ giảm 9,4%).

Một thông tin không mấy khả quan nữa là theo ông Phạm Xuân Hòe, tín dụng 6 tháng qua chủ yếu vẫn tập trung vào trái phiếu Chính phủ và tín phiếu Kho bạc Nhà nước mà chưa chảy mạnh được vào sản xuất.

Nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm, theo ông Phạm Xuân Hòe là do năng lực hấp thụ vốn suy giảm. Tăng trưởng kinh tế chủ yếu xuất phát từ khu vực xuất khẩu và FDI trong khi khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn khó khăn, năng suất thấp.

Cho đến nay, rất nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, khả năng năm nay sẽ không đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14%.

Nguồn Báo Đầu Tư


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới