Hủy

Nợ thuế quá hạn tăng vọt

Thứ Sáu | 17/08/2012 10:36

Trong số gần 6.000 tỷ đồng nợ thuế thì có tới gần 50% là nợ khó đòi, với 2.534 tỷ đồng.
 

Theo đánh giá từ Tổng cục Hải quan, những tháng đầu năm 2012, số nợ thuế quá hạn do ngành hải quan quản lý đã tăng vọt so với thời điểm cuối năm 2011.

Số liệu từ Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho thấy, số nợ thuế chuyên thu quá hạn toàn ngành hải quan đang quản lý ước khoảng 5.823 tỷ đồng. Điều đáng chú ý, trong số gần 6.000 tỷ đồng nợ thuế này thì có tới gần nửa là nợ khó đòi, với 2.534,2 tỷ đồng. Số nợ thuế tạm thu (của nguyên liệu sản xuất xuất khẩu, tạm nhập tái xuất) quá hạn đến hết tháng 5 là khoảng 1.635 tỷ đồng. Trong đó, riêng nợ loại hình tạm nhập tái xuất là 449,3 tỷ đồng.

Phân tích về nguyên nhân của tình trạng gia tăng nợ thuế khó đòi, nợ quá hạn, Cục Thuế xuất nhập khẩu cho biết, suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, không thể tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng, đa phần phải thu hẹp sản xuất hoặc ngưng hoạt động nên không có khả năng nộp thuế.

Ngoài ra, do ý thức chấp hành pháp luật về thuế của doanh nghiệp còn thấp nên dẫn tới tình trạng bất hợp tác với hải quan.

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Cục phó Cục Thuế xuất nhập khẩu cho rằng, ngoài những nguyên nhân trên, nguyên nhân quan trọng của tình trạng gia tăng nợ thuế quá hạn là bởi những bất cập trong những quy định hiện hành.

Cụ thể, việc thực hiện nộp thuế theo thời hạn nộp thuế quy định tại Điều 42 Luật Quản lý thuế đã giúp doanh nghiệp có thời gian thu xếp nguồn tiền để nộp thuế nhưng quy định này cũng đã bộc lộ những hạn chế như: việc duy trì thời hạn nộp thuế cho một số loại hình nhập khẩu không phải nộp thuế ngay, không có bảo lãnh gây khó khăn trong công tác quản lý vì sau khi đã giải phóng hàng một số doanh nghiệp chây ỳ; không nộp thuế đúng hạn hoặc doanh nghiệp dù có khả năng thanh toán vẫn dựa vào chính sách của Nhà nước để chiếm dụng vốn; không nộp thuế đúng hạn, sau đó bỏ trốn hoặc tự giải thể dẫn đến tình trạng nợ đọng thuế luôn phát sinh, nợ kéo dài gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Quá trình thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Điều 93 Luật Quản lý thuế đã có tác động tích cực trong thu hồi nợ thuế, nhưng cũng bộc lộ những mặt hạn chế vì trong thực tế, việc cưỡng chế nợ thuế đạt hiệu quả không cao, làm cho hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế chưa đạt được kết quả như mục tiêu đề ra.

Việc thực hiện tuần tự các biện pháp cưỡng chế sẽ không thật sự hiệu quả do không được áp dụng những biện pháp cần áp dụng ngay một cách phù hợp nhất với tình thế. Bởi, khi phải thực hiện theo thứ tự các biện pháp, cơ quan hải quan phải thực hiện nhiều thủ tục nên mất nhiều thời gian. Một doanh nghiệp có thể mở tài khoản tại nhiều nơi nhiều ngân hàng không cung cấp thông tin hoặc cung cấp không kịp thời, do đó việc thực thi biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng gắp rất nhiều khó khăn.

Nguồn Vneconomy


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới