Hủy

Nóng chuyện cổ tức mùa đại hội ngân hàng

Thứ Tư | 06/05/2015 10:29

Chưa có mùa đại hội nào mà cổ đông ở các ngân hàng lại “nhiệt tình” bày tỏ quan điểm về vấn đề cổ tức nhiều như mùa đại hội lần này.
 

Dù có một năm kinh doanh thuận lợi với gần 242 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế và vượt 15% kế hoạch đặt ra, Ban điều hành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á (Nam A Bank) lại đưa ra mức chia cổ tức chỉ 4%, thấp hơn mức 7% của năm trước đó. Ngay trong kỳ đại hội cổ đông thường niên vừa qua, các cổ đông của Nam A Bank đã so sánh và đặt câu hỏi về mức cổ tức này. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục II Cơ quan Giám sát Ngân hàng Nhà nước, “mức 4% cổ tức đó là đã rất thành công”.

Các cổ đông của Nam A Bank dù sao vẫn còn được chia cổ tức bằng tiền mặt, trong khi cổ đông của HDBank thì không. Tại Đại hội cổ đông thường niên của HDBank diễn ra hồi tháng 4, nhiều cổ đông dù đồng tình với tỉ lệ 5% nhưng lại kiến nghị nên chia cổ tức bằng tiền mặt thay vì cổ phiếu.

Nhiều cổ đông của HDBank đã kiến nghị nên chia cổ tức bằng tiền mặt thay vì cổ phiếu
Nhiều cổ đông của HDBank đã kiến nghị nên chia cổ tức bằng tiền mặt thay vì cổ phiếu

Tại Sacombank, nhiều cổ đông cũng bày tỏ quan điểm về chính sách chia cổ tức của ngân hàng này. “Nên chia cổ tức bằng tiền mặt vì mấy năm nay Ngân hàng không chia một đồng tiền thực nào. Hơn nữa, nhận cổ phiếu cũng rất khó bán”, một cổ đông nói. Nhưng cũng có cổ đông ủng hộ chính sách cổ tức của Sacombank vì tỉ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu lên tới 12%, cao hơn so với nhiều ngân hàng khác. Tuy nhiên, cổ đông này lại đề nghị Sacombank nên đẩy nhanh tiến độ chia cổ tức, vốn đã chậm trễ trong vài năm trở lại đây.

Đáng chú ý nhất là trường hợp của Techcombank. Năm ngoái, ngân hàng này không chia cổ tức vì mức lợi nhuận thấp. Sau đó, dù lợi nhuận năm 2014 tăng cao (đạt 1.417 tỉ đồng, tăng 61% so với năm trước đó và vượt 20% kế hoạch), nhưng Techcombank vẫn quyết định tiếp tục không chia cổ tức như những năm trước. Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Techcombank, Ngân hàng đang tích lũy nguồn lực để tạo nền tảng phát triển và dự kiến chương trình này kéo dài đến 3-5 năm.

Sau khi mùa đại hội cổ đông ngành ngân hàng đã đi gần hết chặng đường, bức tranh cổ tức đã hiện ra khá đầy đủ với những nét phân hóa rõ rệt. Có thể thấy các ngân hàng tư nhân khá chật vật khi hầu hết đều chia cổ tức bằng cổ phiếu, hoặc bằng tiền mặt với tỉ lệ thấp. Trong khi đó, các ngân hàng lớn vẫn duy trì phong độ ổn định với tỉ lệ từ 10% trở lên và bằng tiền mặt như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), VietinBank và Ngân hàng Quân Đội (MB).

Thảo luận về vấn đề cổ tức luôn là chủ đề nóng ở các đại hội cổ đông ngân hàng, nhất là trong vài năm trở lại đây khi tình hình kinh tế đi xuống, ngành ngân hàng gặp khó và buộc phải tái cấu trúc. Tuy nhiên, chưa có mùa đại hội nào mà cổ đông ở các ngân hàng lại “nhiệt tình” bày tỏ quan điểm về vấn đề cổ tức nhiều như mùa đại hội lần này. Đặc biệt, những cuộc thảo luận năm nay có một điểm nhấn mới: chính sách kiểm soát cổ tức của Ngân hàng Nhà nước.

Nói cách khác, cổ tức không còn nằm trong quyền quyết định của cổ đông ngân hàng, thay vào đó sẽ là cơ quan quản lý. Hội đồng Quản trị của Ngân hàng HDBank, chẳng hạn, cho biết sẽ ghi nhận đề xuất chia cổ tức tiền mặt và trình lên Ngân hàng Nhà nước xem xét. Còn ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank, thì cho biết tiến độ thực hiện chia cổ tức còn phụ thuộc vào việc có được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận hay không.

Từ hồi đầu tháng 4, thị trường đã dấy lên thông tin Ngân hàng Nhà nước kiểm soát cổ tức với các trường hợp như LienVietPostBank, Ngân hàng Quốc tế (VIB) hay Ngân hàng Á Châu (ACB). Nhưng nay, tại các kỳ họp đại hội ngân hàng sau này, cơ quan quản lý đã có câu trả lời chính thức. Đó là bắt buộc các ngân hàng phải dành nguồn lực cho hoạt động tái đầu tư và tái cơ cấu với mục tiêu cao nhất là đảm bảo tính an toàn của hệ thống.

Ngân hàng Nhà nước lo ngại cũng có lý do. Theo tổng hợp của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nguồn lợi nhuận mà ngân hàng tạo ra đang tiếp tục xu hướng giảm. “Năm 2014, lợi nhuận bình quân hệ thống tổ chức tín dụng giảm 25,8% so với cùng kỳ”, báo cáo viết. Còn số liệu thống kê 9 ngân hàng niêm yết cho thấy tổng mức lợi nhuận năm 2014 chỉ tăng 3,5%, trong đó có tới 5 ngân hàng có tốc tăng trưởng lợi nhuận sau thuế là âm. Trước tình hình như vậy, Ngân hàng Nhà nước cần can thiệp để đảm bảo các ngân hàng vẫn còn “tiền” để xử lý những trục trặc khi cần thiết.

Chính sách này thực ra không phải là mới trên thế giới, nhất là trong giai đoạn ngành ngân hàng gặp khó khăn. Nhưng điều này cũng tiềm ẩn rủi ro. “Có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ đạt được một số mục tiêu ngắn hạn thông qua các biện pháp phi thị trường như vậy. Nhưng về lâu dài hệ thống ngân hàng sẽ kém hiệu quả và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chưa kể đây sẽ là nguồn gốc của tham nhũng và lợi ích nhóm”, Tiến sĩ Lê Hồng Giang nhận định.

Nguồn NCDT


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới