Hủy

Ông Bùi Kiến Thành: “Ngân hàng phải tự giải quyết nợ xấu của mình”

Thứ Năm | 01/11/2012 11:39

Chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng ban lãnh đạo ngân hàng phải chịu trách nhiệm vô giới hạn trên tài sản cá nhân do họ làm việc sai quy định.
 

Nợ xấu tiếp tục trở thành gánh nặng của nền kinh tế, nếu không có biện pháp xử lý hữu hiệu sẽ rất nguy hiểm không chỉ cho riêng hệ thống ngân hàng, mà cho cả nền kinh tế. Bởi nợ xấu đang là rào cản lớn nhất khiến vốn tín dụng ngân hàng không đến được với doanh nghiệp.

Theo quy định của Basel II & III, thì nợ xấu của ngân hàng không được vượt quá 2% trên tổng dư nợ. Nhưng theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố thì nợ xấu đang ở mức 8,6%, cao hơn khá nhiều so với các quy định của Basel.

Tuy nhiên, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng con số về nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước vừa công bố cũng chưa thực sự chính xác. Theo các tổ chức quốc tế thì nợ xấu tại Việt Nam đang ở mức 14 - 15%. Nếu chiếu theo các con số này thì nợ xấu đang cao hơn nhiều so với tổng vốn điều lệ của các ngân hàng trên thị trường (khoảng 220.000 tỷ đồng).

Theo ông Thành, khi cho vay, ít ngân hàng thực hiện các yêu cầu giám định các khoản vay một cách nghiêm túc, mà chỉ thường quan tâm đến tài sản thế chấp. Khi cho vay dựa trên tài sản thế chấp mà không xem thị trường, không xem năng lực của người điều hành thì nguy cơ xảy ra nợ xấu, nợ khó đòi là rất nhiều. Ngân hàng không thể cứ chấp nhận cho vay nếu khách hàng mang tài sản thế chấp đến mà ngân hàng phải là những người tư vấn, tạo điều kiện cho khách hàng của mình vươn lên.

Ông Thành kiến nghị không thể có chuyện nhà nước và người dân phải đứng ra hứng chịu nợ xấu cho các ngân hàng thương mại. Năm nào các ngân hàng cũng báo cáo lãi hàng nghìn tỷ đồng, báo cáo không có nợ xấu. Thậm chí đến bây giờ nhiều ngân hàng cũng nói không có nợ xấu và nợ xấu của các ngân hàng này chỉ nằm trong khoảng 2-3%.

Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp cho nên phải tự chịu trách nhiệm với kết quả hoạt động kinh doanh của mình. Nếu không giải quyết xong thì hội đồng quản trị, ban giám đốc phải chịu trách nhiệm, không phải chỉ chịu trong số vốn điều lệ của ngân hàng mà phải chịu trách nhiệm vô giới hạn trên tài sản cá nhân của mình do làm sai quy định. Nếu không có đủ khả năng thanh toán thì phải để các ngân hàng đó phá sản.

Phát biểu thêm, ông Thành không đồng tình với việc thành lập công ty mua bán nợ xấu mà Quốc hội đang đề cập đến. Nhà nước chỉ nên đóng vai trò "đỡ đầu" cho một công ty mua bán nợ do tư nhân đầu tư.

Ông Thành lý giải, nợ xấu phải do thị trường định giá. Nếu công ty của nhà nước đứng ra sẽ dễ phát sinh tiêu cực. Hơn nữa, Công ty mua bán nợ xấu của nhà nước được lập ra thì nhân sự đâu để đi thu hồi nợ xấu và thực kiện cấu trúc lại hàng nghìn hàng vạn doanh nghiệp sẽ là những câu hỏi được đặt ra.

Nguồn VnEconomy


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới