Hủy

Ông Trương Văn Phước: Mục tiêu năm 2015 đưa nợ xấu về 3% của NHNN là khả thi

Thứ Bảy | 03/01/2015 10:59

Đến nay, thành công lớn nhất khi thực hiện Đề án tái cơ cấu các TCTD là kéo NHTM khỏi rủi ro hệ thống, cơ cấu cổ đông thuần khiết hơn.
 

Đó là chia sẻ của ông Trương Văn Phước  - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia khi đánh giá về việc thực hiện Đề án tái cơ cấu của ngành ngân hàng trong thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh năm 2015 sẽ là năm cuối cùng của việc thực hiện Đề án tái cơ cấu các TCTD.

Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện tái cơ cấu của ngành ngân hàng trong thời gian vừa quan?

Trước hết phải thừa nhận ngành ngân hàng trong thời gian qua tồn tại một số vấn đề như sở hữu chéo, cơ cấu cổ đông chưa thực sự lành mạnh, nhiều cổ đông sử dụng vốn cho vay các công ty sân sau, cộng thêm với một số văn bản pháp luật hiện còn nhiều bất cập nên đã dẫn đến những hệ quả như: vấn đề nợ xấu, việc sử dụng vốn, cho vay và đặc biệt nhất là có một thời gian nhiều ngân hàng đã gặp phải vấn đề nghiêm trọng về thanh khoản…

Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng những tồn tại này không phải xuất hiện khi thực hiện Đề án tái cơ cấu mà nó đã có trước đó. Cùng với những khó khăn của kinh tế thế giới và bất ổn vĩ mô trong nước khiến cho những khó khăn của ngành ngân hàng càng trở trên trầm trọng hơn bao giờ hết. Chính vì thế NHNN đã phải thực hiện quyết liệt việc tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng nhằm tạo ra một hệ thống ngân hàng an toàn và lành mạnh

Nhìn lại quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng thời gian qua, tôi cho rằng thành quả lớn nhất chính là việc NHNN đã điều hành kéo được các NHTM ra khỏi những rủi ro mang tính hệ thống, giúp nhiều ngân hàng thoát khỏi bờ vực phá sản.

Thứ hai, việc tái cơ cấu ngành ngân hàng là sắp xếp lại khoảng 50 ngân hàng hiện nay (bao gồm cả NHTM nhà nước, TMCP) hoạt động hiệu quả hơn; cơ cấu cổ đông của ngân ngày càng theo xu hướng thuần khiết hơn chứ không được phép nắm giữ, sở hữu vượt quy định như hiện nay.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức nước ngoài nhận định rằng: Việc tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam diễn ra khá chậm. Ông thấy sao về ý kiến này?

Tái cơ cấu các TCTD là sắp xếp lại các ngân hàng yếu kém đồng thời củng cố lại các ngân hàng đang hoạt động đây là một công việc không hề đơn giản; đặc biệt đối với lĩnh vực ngân hàng vốn được xem là lĩnh vực nhạy cảm thì điều này cần phải có thời gian.

Điều quan trọng ở đây là sau khi tiến hành tái cấu trúc chúng ta có một hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn, an toàn hơn. Chúng ta đã nhận biết được thực trạng của hệ thống NH với những khuyết tật cố hữu của nó, nhờ đó chúng ta đã bắt mạch kê toa để đảm bảo lâu dài sẽ chữa dứt điểm căn bệnh này.

Vẫn biết việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng không thể là công việc một sớm một chiều nhưng có cách nào để việc thực hiện này được nhanh hơn không, thưa ông?

Tiến trình, tiến độ, tốc độ thực hiện tái cơ cấu phụ thuộc vào nhiều giải pháp nhưng có thể nhìn ra là vài trò của nhà nước trong quá trình tái cơ cấu là quan trọng, đương nhiên việc tạo ra 1 khuôn khổ pháp lý có thể còn phải tiếp thu kinh nghiệm nghiên cứu việc tái cơ cấu mà một số nước đã áp dụng

Muốn việc tái cơ cấu ngành ngân hàng được thực hiện mạnh mẽ và quyết liệt hơn thì chúng ta cần rất nhiều giải pháp. Một trong những giải pháp có thể nêu ra ở đây là sự tham gia trực tiếp hơn của nhà nước vào quá trình này. Tức là bên cạnh quá trình sáp nhập thì nhà nước có thể tiến hành mua cổ phần ở những ngân hàng yếu kém với tỷ lệ phù hợp để trực tiếp quản trị điều hành giúp cho ngân hàng đó phục hồi và phát triển.

Sau khi ngân hàng đó phát triển đến một ngưỡng quy định hoặc kỳ vọng thì nhà nước có thể tiến hành bán cổ phần đó ra thị trường.

Một trong những vấn đề khiến nhiều người quan tâm hiện nay đó là vấn đề nợ xấu. Mặc dù đã có VAMC mua lại nhưng nhiều ý kiến lo ngại rằng với cơ chế hoạt động như hiện nay của VAMC thì vấn đề nợ xấu sẽ không được giải quyết dứt điểm và trong tương lai nó sẽ vẫn là vấn đề trầm trọng của ngành ngân hàng?

NHNN giải quyết vấn đề nợ xấu trong bối cảnh không có nguồn lực mà phải chọn cách xử lý riêng của Việt Nam. Thêm vào đó, tự thân các TCTD sẽ vô cùng gian nan khi giải quyết vấn đề nợ xấu chính vì thế mà công ty mua bán tài sản (VAMC) đã được ra đời là giải pháp tình thế nhưng phù hợp với tình hình của Việt Nam.

Mặc dù, cần thay đổi và tiếp tục hoàn thiện các điều kiện để VAMC có thể thực hiện tốt hơn vai trò của mình nhưng những gì VAMC thực hiện trong thời gian qua và thông qua VAMC nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận được trở lại vốn ngân hàng thì đó là thành tựu đáng được ghi nhận.

Tuy nhiên, cần phải tạo lập các quyền hạn nhất định để VAMC có thể hoạt động được 1 cách hiệu quả như là khả năng giải quyết tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu, cũng như xây dựng thị trường nợ.

Đồng thời các khoản nợ xấu cần phải có một khuôn khổ pháp luật để các NHTM khi gặp phải nợ xấu có được quyền được định giá thông qua các cơ quan nhà nước để phát mãi, thu hồi nợ chứ không phải trải qua quá trình tố tụng mất thời gian.

Liệu nợ xấu có “về đích” 3% trong năm 2015 như mục tiêu đề ra không, thưa ông?

Thủ tướng đã khẳng định trước Quốc hội, năm 2015 sẽ đưa tỷ lệ nợ xấu về mức 3% điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ.

Tôi cho rằng, mục tiêu này cũng có cơ sở khi mà nền kinh tế nước ta đã có những bước phục hồi mạnh mẽ: Tăng trưởng năm nay đạt trên 5,9%, lạm phát lại thấp, một số chỉ tiêu khác cũng rất tốt như xuất khẩu, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, lãi suất giảm…

Nếu đà phục hồi này được duy trì cùng với việc thực hiện tốt tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu đầu tư công và tiếp tục thay đổi môi trường đầu tư thì mục tiêu giảm nợ xấu xuống mức 3% là hoàn toàn khả thi.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Trí thức trẻ


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới