Hủy

P-NOTES anh là ai?

Thứ Hai | 14/09/2009 16:05

Mặc dù mới xuất hiện tại thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng P-Notes đã được kỳ vọng sẽ trở thành động lực thúc đẩy thị trường.
 

Vài tháng trở lại đây, hoạt động giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở nên sôi động. Theo Công ty Chứng khoán Phố Wall, chỉ tính từ ngày 22.6 đến nay, khối này đã mua ròng khoảng 52 triệu cổ phiếu, tương đương 2.500 tỉ đồng, trong khi tỉ lệ tiền mặt tại các quỹ đầu tư nước ngoài như VinaCapital, Dragon Capital không biến động nhiều. Báo cáo giá trị tài sản ròng (NAV) của VinaCapital cho thấy, lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền mặt chỉ giảm nhẹ, từ 14,4% (30.6) xuống 11,8% (31.7). Còn lượng tiền mặt của hai quỹ VEIL và VGF do Dragon Capital quản lý cũng chỉ giảm từ 10% (tháng 5) xuống 9% (tháng 7). Nếu không dùng vốn của quỹ thì lượng vốn đổ vào chứng khoán của khối này đã đến từ đâu?

Nhìn nhận về P-Notes

Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), có tới 60-70% giao dịch của khối ngoại đến từ hoạt động ủy thác đầu tư. Thông qua việc phát hành các chứng chỉ tham gia đầu tư (Participatory Notes, P-Notes), các tập đoàn tài chính như Citigroup, Deutsche Bank, HSBC đã đứng ở vị trí trung gian, giúp nhà đầu tư nước ngoài tham gia trên thị trường chứng khoán Việt Nam, mà không phải đăng ký với các cơ quan quản lý.

P-Notes thực ra là một dạng công cụ tài chính phái sinh do các tổ chức đầu tư tài chính lớn phát hành, nhằm mang đến cơ hội đầu tư tại các thị trường nước ngoài (thường là thị trường mới nổi). Bằng cách nắm giữ P-Notes, nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán các nước mà không phải chịu bất cứ sự ràng buộc nào về mặt thủ tục hành chính, cũng không phải công khai thông tin về mình.

Ông Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính Doanh nghiệp, Đại học Kinh tế TP.HCM, cho biết, nhờ những đặc điểm này nên P-Notes rất được ưa chuộng. Điểm thu hút của P-Notes còn ở chỗ P-Notes vừa giống một chứng chỉ quỹ lại vừa như thương phiếu. Theo đó, người sở hữu P-Notes được nhận cổ tức, lãi từ danh mục đầu tư chứng khoán. Trong trường hợp nhà đầu tư muốn rút vốn, tổ chức phát hành sẽ cam kết hoàn trả khoản đầu tư dựa trên giá giao dịch hiện hành của P-Notes.

Nhờ những ưu điểm này, P-Notes đã xuất hiện từ lâu tại một số nước như Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ. Chẳng hạn, P-Notes có mặt tại Ấn Độ vào năm 1992. Đến năm 2006, tỉ trọng vốn đầu tư nước ngoài từ phát hành P-Notes của các tổ chức đầu tư ở Ấn Độ đã lên đến 52%, cao hơn so với 40% của năm trước đó, ông Chí cho biết.

Tại Việt Nam, theo báo cáo đầu tư được công bố trong tháng 9.2008, cả 4 ngân hàng nước ngoài lớn là Citigroup, Deutsche Bank, HSBC, Merrill Lynch (nay là một bộ phận của Bank of America) đều đã phát hành P-Notes. Về cơ bản, các ngân hàng này tích lũy một lượng lớn cổ phiếu Việt Nam (thường là những cổ phiếu lớn, có thanh khoản tốt của các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, mang tính đại diện thị trường) để lập thành danh mục. Trên danh mục đó, các tổ chức tài chính sẽ phát hành P-Notes cho nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, cho đến nay, ngoại trừ Quỹ DWS của Deutsche bank là có đề cập đến tỉ trọng P-Notes trong nguồn vốn đầu tư của mình (tỉ trọng P-Notes của DWS do Deutsche Bank phát hành chiếm 3,9%, do HSBC phát hành chiếm 1,3%, do Citigroup phát hành là 1,5%, Merrill Lynch 1,1%), không ai biết hiện các quỹ đầu tư nước ngoài nào đã mua P-Notes hoặc mua bao nhiêu P-Notes phát sinh từ thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo tính toán của Công ty Truyền thông Tài chính StoxPlus, tổng giá trị P-Notes trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vào khoảng 114 triệu USD.

Hai mặt P-Notes

Khi quan sát động thái của dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán, ông Chí, Đại học Kinh tế TP.HCM, đã bày tỏ lo ngại. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đối mặt với một hình thức đầu tư mới. Hình thức này, một khi gia tăng, có nhiều khả năng sẽ đẩy Việt Nam vào 3 nguy cơ. Đó là biến động bất lợi khó dự đoán, sự luân chuyển dòng vốn không rõ nguồn gốc và nguy cơ rửa tiền. Do không công khai thông tin người sở hữu P-Notes mà dòng vốn từ P-Notes trở nên khó xác định. Ngoài ra, vì nhà đầu tư có thể đầu tư và rút vốn bất cứ lúc nào, nên dòng tiền từ P-Notes cũng mang tính bất ổn.

Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán Bản Việt, P-Notes không “đáng sợ” như vậy. Để quảng bá sản phẩm P-Notes ra thế giới, các tổ chức phát hành sẽ phải nghiên cứu và phân tích về thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời giới thiệu thông tin đó đến nhà đầu tư toàn thế giới. Ngoài ra, do P-Notes dễ mua dễ bán, nên việc huy động vốn qua P-Notes trở nên dễ dàng hơn. Vì thế, gia tăng P-Notes đồng nghĩa gia tăng vốn cho thị trường chứng khoán.

Không phủ nhận dòng vốn từ P-Notes thường khó nắm bắt và mang tính ngắn hạn, nhưng theo Bản Việt, chính nó lại tạo thanh khoản cho thị trường. Chưa kể, theo ước tính của Bản Việt, luồng tiền từ P-Notes hiện chỉ dao động dưới 5-7% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, nên chưa thể tác động mạnh hay gây nên sóng gió cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Mặt khác, với đặc thù chỉ giao dịch các cổ phiếu blue-chip, sự tham gia tích cực của dòng vốn P-Notes có thể xem là động lực thúc đẩy thị trường.

Về vấn đề rửa tiền qua P-Notes, theo Bản Việt, đây là điều khó thực hiện, vì các tổ chức phát hành P-Notes đều là các ngân hàng lớn. Họ đều có quy trình kiểm soát nội bộ chặt chẽ để chống rửa tiền.

Rõ ràng, trong giai đoạn hiện tại, P-Notes đang đóng vai trò tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, xét về lâu dài, khi dòng vốn từ P-Notes có quy mô lớn hơn, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc Công ty StoxPlus, cho rằng, cần có sự quản lý của cơ quan chức năng như yêu cầu tổ chức phát hành P-Notes kê khai danh mục đầu tư và theo dõi biến động dòng tiền từ P-Notes. Nhưng ông nhấn mạnh, quản lý P-Notes không có nghĩa là cấm đoán hay hạn chế. Vì nếu không khéo, rất có thể Việt Nam sẽ đi theo vết xe đổ của Ấn Độ. Ngày 16.11.2007, sau khi Chính phủ Ấn Độ tuyên bố các biện pháp hạn chế P-Notes, chỉ số Sensex của nước này đã giảm gần 9%, mức thấp nhất trong lịch sử của Ấn Độ. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Ấn Độ đã phải lên tiếng rằng Ấn Độ không có ý ngăn cản hay cấm một cách triệt để hình thức này.

P-notes: chứng chỉ tham gia đầu tư

Là công cụ tài chính phái sinh do các tổ chức tài chính lớn phát hành. Mục đích là giúp nhà đầu tư có thể tham gia vào thị trường chứng khoán nước ngoài mà không chịu bất cứ sự ràng buộc nào về thủ tục hành chính.

Phí quản lý P-Notes thường dưới 1%. Tuy nhiên, các quỹ đầu tư nước ngoài ở Việt Nam thường tính phí từ 1,5-2,5%. P-Notes vừa giống một chứng chỉ quỹ (có thể nhận cổ tức, lãi) vừa như thương phiếu (có thể được mua bán bất cứ lúc nào).

Nhà đầu tư quốc tế có thể chuyển đổi danh mục đầu tư từ thị trường chứng khoán Việt Nam sang các thị trường khác.

Danh mục: Chỉ mua những chứng khoán có thanh khoản cao của các doanh nghiệp hoạt động tốt, mang tính đại diện thị trường.

Dòng vốn từ P-Notes thường chỉ ngắn hạn.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới