Hủy

Phá giá tiền đồng: Lãnh đạo ngân hàng nói gì?

Thứ Năm | 20/08/2015 13:59

Quyết định phá giá tiền đồng, lãnh đạo nhiều ngân hàng nhấn mạnh đây là việc quyết định kịp thời, ứng phó vĩ mô, không xuất phát từ cung cầu thị trường.
 

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc ACB:

“Điều chỉnh tỷ giá lần này là ứng phó vĩ mô”

Kể từ sau lần nới biên độ lên 2%, nhu cầu ngoại tệ trong hệ thống của ACB không cho thấy có gì đột biến.

Lần điều chỉnh này là ứng phó của NHNN đối với phá giá đồng CNY của Trung Quốc, đồng tiền của các nước khác trong khu vực. Đây là ứng phó vĩ mô.

Động thái này phụ thuộc vào phán đoán của người điều hành và sức chịu đựng của nền kinh tế.

Thực tế, việc điều chỉnh tỷ giá, dưới góc độ ngân hàng thì khác. Với ngân hàng, ngoại tệ chỉ là một loại hàng hóa kinh doanh, nên thuận mua vừa bán, theo thị trường. Cung nhiều hơn cầu thị giá sẽ thấp và ngược lại. Nên việc nâng tỷ giá của NHNN đối với các ngân hàng chỉ là việc điều chỉnh giá bán, nếu điều chỉnh cao quá không ai mua thì phải hạ xuống và ngược lại.

Còn nếu NHNN đã điều chỉnh rồi nhưng cung cầu vẫn căng thẳng thì đây lại là câu chuyện của nhà điều hành. Tuy vậy, với việc mua bán ngoại tệ, thì thị trường sẽ khó có phản ứng tức thời ngay. Vì mua bán ngoại tệ trong ngân hàng là có điều kiện, không phải ai cũng mua được, ai cũng được bán.

Ông Đặng Bảo Khánh, Tổng giám đốc SeABank:

“Mức phá giá vẫn còn kiêm tốn so với các nước trong khu vực”

Lần điều chỉnh tỷ giá này rất đúng với chỉ đạo của Thủ tướng là điều chỉnh theo tín hiệu thị trường và theo xu hướng của khu vực, thế giới. Tuy nhiên, đúng lượng chưa thì còn xem đã. Thực tế, mức phá giá còn khiêm tốn và còn dư địa.

Nếu so sánh với khu vực, thị trường mới nổi, thì tiền đồng của Việt Nam vẫn đang còn được định giá cao. Các nước có đồng nội tệ tự do chuyển đổi đã giảm giá đồng nội tệ của họ cao hơn nhiều so với tiền đồng của Việt Nam.

Hơn nữa, nền kinh tế Mỹ đang quay lại phát triển. Trong khi đó nhiều nước đang gặp khó khăn như Nhật Bản, Trung Quốc cũng đang trong quá trình chuyển đổi, nên không có lý do gì mà các đồng tiền đó để giá quá cao so với USD.

Tuy nhiên, nếu Việt Nam phá giá tiền đồng quá nhiều cũng rất rủi ro. Một khi USD tăng giá, ngân sách tăng thêm gánh nặng do nợ công tăng lên, chi phí trả nợ sẽ đè nặng lên ngân sách.

Hơn nữa, nếu tiền đồng ổn định thì Việt Nam mới thu hút được đầu tư nước ngoài. Việt Nam chưa để tiền đồng tự do chuyển đổi được, phải có kiểm soát, có quản lý. Do vậy, NHNN sẽ phải nghe theo tín hiệu thị trường, duy trì sự ổn định và giá trị của tiền đồng.

Dù vậy, việc phá giá tiền đồng là không còn biện pháp nào khác. Việt Nam không thể duy trì giá trị tiền đồng bằng mọi giá. Mình không đủ lực, Trung Quốc cũng đã từ bỏ chính sách này.

Tuy vậy, việc phá giá tiền đồng sẽ khiến nhiều người chuyển sang đầu tư USD, kể cả doanh nghiệp, ngân hàng, nhà đầu tư. Vì họ nhìn thấy đồng USD. Vì vậy, NHNN đang có xu hướng thắt chặt cung tiền so với trước, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn ngắn 1 tuần đã tăng lên mức trần là 5%, tương đương với mức lãi suất tái chiết khấu đối với việc mua lại trái phiếu chính phủ của NHNN.

Việc thắt lại cung tiền là do NHNN cẩn thận, không để tiền thừa chảy vào đầu cơ. Do vậy, khó có dư địa giảm lãi suất và sức ép tăng lãi suất là có. Tuy nhiên, NHNN sẽ duy trì sự ổn định tương đối với thị trường nhưng có thể không duy trì niềm tin giảm lãi suất huy động và cho vay.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB

“Mua bán ngoại tệ linh hoạt hơn”

Tỷ giá tăng sẽ kích thích xuất khẩu, việc mua bán ngoại tệ của ngân hàng và doanh nghiệp sẽ linh hoạt hơn vì biên độ tỷ giá tới +/-3%, nhưng doanh nghiệp cần phải dùng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá như: option, forward, swap… để “bảo an” và không bị rủi ro về tỷ giá.

Các nước đã đồng loạt phá giá nội tệ như Indonesi, Malaysia… Nếu Việt Nam cứ neo tỷ giá cao trước đồng CNY giảm mạnh và biến động liên tục của Trung Quốc sẽ là thiệt thòi lớn.

Nếu cho rằng tỷ giá tăng khiến doanh nghiệp nhập khẩu máy móc thiết bị từ các nước Châu Âu thiệt thòi do giá cả tăng thì cũng chưa đúng. Vì việc mua bán có thể thương lượng về giá, nếu trước kia giá của một máy móc là 200.000 USD, tương đương 2,1 tỷ đồng, nay tỷ giá tăng thì giá khoảng 2,2 tỷ đồng, doanh nghiệp có thể thương lượng giá khoảng 199.000 USD… Vì nền kinh tế của các nước Châu Âu gần đây cũng rất ảm đạm, nên việc thương lượng giá là có thể.

Nguồn Bizlive


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới