Hủy

Phó Thủ tướng: Việt Nam sẽ xử lý được nợ xấu

Thứ Hai | 03/12/2012 16:00

Trưởng nhóm công tác Ngân hàng đánh giá nếu nợ xấu của Việt Nam gấp đôi con số Thống đốc báo cáo (12 tỷ USD) thì vẫn trong tầm kiểm soát.
 

Tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam năm 2012 (VBF 2012) tổ chức sáng nay (3/12), trước đại diện của các nhà tài trợ và nhà đầu tư nước ngoài, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định Việt Nam sẽ xử lý được nợ xấu, dựa trên việc hiện trên 70% nợ có tài sản đảm bảo và đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro khá lớn.

Trước đó, trong bài phát biểu của nhóm công tác ngân hàng, trưởng nhóm - ông Louis Taylor, Tổng giám đốc ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho hay, nếu theo con số mà Thống đốc báo cáo (nợ xấu chiếm khoảng 8,8% tổng dư nợ) thì quy mô nợ xấu Việt Nam hiện khoảng 12 tỷ USD. Theo tính toán, thiệt hại từ số nợ xấu này có thể khoảng 7 tỷ USD (nợ có khả năng mất vốn), chiếm 5% GDP.

"Đây là con số chấp nhận được, kể cả gấp đôi con số Thống đốc đưa ra thì vẫn trong tầm kiểm soát", ông Taylor nói.

Kiến nghị các giải pháp xử lý, ông Brett Krause - Giám đốc CitiBank Việt Nam cho hay, Việt Nam cần nhanh chóng thành lập công ty quản lý nợ để xử lý nợ xấu. Việc xử lý nợ xấu phải được quyết định nhanh chóng và thực hiện trong thời gian nhất định (khoảng 5 - 7 năm) để ngân hàng tập trung kinh doanh, quá trình xử lý cũng phải đảm bảo tính minh bạch.

Về phía lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình cho hay, hiện tốc độ tăng của nợ xấu đã chậm dần và mục tiêu sẽ đưa tỷ lệ nợ xấu về 3%/năm vào 2015. Đề án thành lập công ty quản lý nợ (AMC) đã hoàn thành và đang lấy ý kiến của các cơ quan liên quan trước khi trình Chính phủ.

Ở vấn đề khác, theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã có lộ trình cải cách thuế tới 2015. Trước mắt, trong năm 2013 Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, rà soát lại các khoản thuế, lệ phí theo hướng không tăng gánh nặng cho doanh nghiệp.

Với lương tối thiểu, vị này cho biết hiện nay lương tối thiểu thấp nên nhiều doanh nghiệp lợi dụng gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Dự kiến, đến năm 2015 - 2016, lương mới đảm bảo được nhu cầu tối thiểu của người lao động. Do vậy, năm 2013, đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu tăng 22 - 25%, song thời gian qua Chính phủ đã nhận được đơn của nhiều hiệp hội ngành hàng kiến nghị chỉ tăng lương tối thiểu khoảng 17%, sau khi xem xét, đề xuất này đã được Chính phủ chấp thuận.

Phó Thủ tướng cho hay, với mức tăng như trên, chỉ có 6,6% doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh lương tối thiểu, chi phí tăng thêm do điều chỉnh lương chỉ dưới 1%. Do vậy, chi phí do tăng lương tối thiểu không ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp.

Về cải cách doanh nghiệp Nhà nước, theo Phó Thủ tướng, sẽ kiên quyết thực hiện nội dung này, trong đó đặt doanh nghiệp Nhà nước trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, đẩy mạnh cổ phần hóa theo hướng chỉ giữ lại 1 số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết yếu, số còn lại sẽ cổ phần hóa hết đến 2020.

Nguồn Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới