Hủy

PVN chưa thể thoái vốn tại PVcomBank và OceanBank

Thứ Tư | 08/10/2014 21:56

Phương án thoái vốn của PVN tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) đã lên "kịch bản" nhưng vẫn chưa thể tiến hành.
 

Hiện PVN nắm giữ 20% vốn tại OceanBank và 52% vốn tại PVcomBank.

Tại cuộc họp báo quý 3/2014, ông Lê Minh Hồng – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, PVN đang rất tích cực triển khai cổ phần hóa, cũng như thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại các đơn vị theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Với khoản đầu tư vào 11 doanh nghiệp, ông Hồng cho hay, số vốn cần mà PVN cần phải thoái tại các đơn vị này không lớn mà chủ yếu tập trung vào 2 ngân hàng là Ngân hàng TMCP Đại Dương và Ngân hàng TMCP Đại chúng (PVcomBank) khoảng trên 5.000 tỷ đồng.

Phương án thoái vốn tại 2 nhà băng này đã được PVN lên “kịch bản”, song tới giờ vẫn chưa thể tiến hành. Cụ thể, với trường hợp vốn của PVN tại PVcomBank, Phó tổng giám đốc Lê Minh Hồng cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo đồng ý để PVN tiếp tục “trợ lực” cho PVcomBank hoạt động khỏe mạnh tới hết năm 2015. Sau thời gian này, PVN mới rút bớt vốn tại PVcomBank.

Còn với số vốn hiện đang góp tại OceanBank, dù PVN đã có phương án song cũng chưa thể triển khai, do vướng hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước. Lý giải kỹ hơn, Phó tổng giám đốc PVN thông tin, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ việc thoái vốn Nhà nước tại các ngân hàng, công ty tài chính… phải theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, để đảm bảo tiến hành song song và an toàn cho hệ thống ngân hàng trong quá trình tái cấu trúc.

“Chúng tôi sẽ phải làm theo hướng dẫn chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, nên tới giờ PVN vẫn chưa rút vốn khỏi OceanBank”– ông Lê Minh Hồng chia sẻ và "hứa" hết năm 2015 sẽ thoái hết vốn đầu tư tại đây.

Đơn vị duy nhất PVN thoái xong vốn trong quý 3/2014, ông Hồng cho biết, là Khu Công nghiệp Lai Vu, dưới hình thức “chuyển giao quản lý, giữ nguyên giá trị” cho tỉnh Hải Dương. Tổng tài sản tại thời điểm bàn giao giữa PVN và tỉnh Hải Dương là trên 600 tỷ đồng.

Liên quan tới tiến trình cổ phần hóa (CPH) tại các đơn vị thành viên, lãnh đạo PVN thông tin thêm, PVN còn 5 doanh nghiệp chưa cổ phần hóa xong, trong đó có một số công ty lớn như Công ty TNHH Phân bón dầu khí Cà Mau, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn và Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất...

Điểm "nghẽn" trong CPH Công ty TNHH Phân bón dầu khí Cà Mau dù đã xác định xong giá trị doanh nghiệp là do vướng chính sách khí chưa được Thủ tướng phê duyệt. Lãnh đạo PVN kỳ vọng, trong tháng 10/2014 nếu Thủ tướng phê duyệt chính sách giá, thì tới tháng 12/2014 tập đoàn sẽ hoàn thành IPO tại Công ty Phân bón dầu khí Cà Mau.

Còn đối với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, PVN đang đàm phán với đối tác Gazprom Neft để chuyển thành Công ty TNHH 2TV, mỗi bên góp vốn 49%. Trong trường hợp đàm phán không thành công, thì phương án “dự phòng” được đưa ra là PVN sẽ bỏ vốn đầu tư và CPH đơn vị này.

Đơn vị khó khăn nhất trong CPH được Phó tổng giám đốc Lê Minh Hồng nhắc tới là Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, doanh nghiệp PVN “nhận lại” từ Vinashin. Theo ông Hồng, công ty này hiện đang được đưa vào danh sách “không thể CPH”, do số lỗ quá lớn trong khi vốn Nhà nước tại đây đã “cạn sạch”. Với trường hợp này, bắt buộc PVN phải chuyển hình thức chuyển đổi sang công ty cổ phần, với sự tham gia góp vốn từ Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), vốn góp từ cán bộ nhân viên trong ngành.

Nguồn Infonet


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới