Hủy

Săn giấy phép vay tiêu dùng

Dũng Nguyễn Thứ Tư | 24/07/2019 10:00

Ảnh: Quý Hòa

Vay tiêu dùng đang thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.
 

Báo cáo mới đây về thị trường cho vay tiêu dùng của StoxPlus có một điểm bất ngờ, đó là sự mở rộng thị phần đáng kể của những tên tuổi mới, không chỉ Mcredit của Ngân hàng Quân Đội (MB) mà còn là sự năng động của Mirae Asset, một định chế tài chính Hàn Quốc hoạt động khá lâu tại Việt Nam.

M&A tiếp tục mạnh mẽ

Mới đây, thương hiệu cho vay tiêu dùng Shinhan Finance chính thức ra mắt, sau thương vụ mua lại mảng cho vay tiêu dùng của Công ty Bảo hiểm Prudential vào đầu năm 2018 của Tập đoàn Shinhan (Hàn Quốc). Ngoài Shinhan, thị trường cũng đang chờ đợi thương hiệu tài chính tiêu dùng mới từ một chaebol khác là Tập đoàn Lotte, sau thương vụ mua lại công ty tài chính tiêu dùng của Techcombank cũng trong năm 2018.

San giay phep vay tieu dung

Không chỉ các nhà đầu tư Hàn Quốc, các nhà đầu tư Nhật dường như cũng rất quan tâm tới thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam. Bên cạnh những tên tuổi quen thuộc như Saison (rót vốn vào HDBank) hay Shinsei (rót vốn vào MB), mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Aeon (Nhật) cũng chia sẻ cam kết đầu tư 5 tỉ USD trong thời gian tới, trong đó không giấu tham vọng tìm kiếm mua lại một công ty tài chính cho vay tiêu dùng.

Vào tháng 2 vừa qua, Srisawad (Thái Lan) cho biết sẵn lòng chi 523 tỉ đồng để mua lại toàn bộ Công ty cho thuê tài chính ALC I từ Agribank, chuyển đổi mô hình hoạt động sang cho vay tiêu dùng. Mặc dù vậy, việc đàm phán từ tháng 6.2016 cho đến nay vẫn chưa thành công. Không chỉ có định chế nước ngoài, những công ty nội địa cũng tranh thủ ra mắt thương hiệu, khởi động sau những thương vụ M&A trước đó. Chẳng hạn, năm ngoái thị trường chứng kiến nhiều thương hiệu mới như VietCredit, EasyCredit, SHB Finance. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều công ty vẫn chưa triển khai đẩy mạnh như công ty cho vay tiêu dùng của Maritime Bank, hay SeABank.

Trong khi đó, các ông chủ ngân hàng vẫn nhìn nhận đây là mảng cực kỳ hấp dẫn. Tại Đại hội cổ đông của TPBank mới đây, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch TPBank, cho biết Ngân hàng hiện đang thương thảo mua lại một công ty tài chính, có thể thực hiện thương vụ ngay trong năm nay.

San giay phep vay tieu dung

Có thể thấy, các hoạt động M&A trong thời gian tới vẫn sẽ diễn ra mạnh mẽ. Theo đó, các công ty có giấy phép cho vay tiêu dùng sẽ là đích nhắm cho các thương vụ thâu tóm, kể cả các đối tác trong và ngoài nước. Tính đến cuối năm 2018, có 16 công ty tài chính theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước. Đối với các công ty, mảng cho vay tiêu dùng lại ăn nên làm ra trong bối cảnh người Việt có nhu cầu tiêu dùng ngày càng nhiều, cho dù rủi ro nợ xấu lớn nhưng bù lại tỉ suất lợi nhuận cao.

Thị trường không chỉ có những công ty tài chính cho vay mà rất nhiều nhóm đối tượng khác, trong đó phải kể đến các tiệm cầm đồ, các fintech với mô hình cho vay trực tuyến. Thống kê hiện nay cho thấy có khoảng 40 công ty cho vay ngang hàng (p2p lending).

Thị trường đổi “chất”

Quy mô thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam tiếp tục mở rộng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tỉ trọng tiêu dùng trong GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh. Giai đoạn 2013-2014 tốc độ tăng trưởng trung bình đạt khoảng 15%, đến năm 2015-2017 là 61,3%, riêng năm 2018 là 29,3%. Con số này vẫn cao hơn rất nhiều so với tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó, thống kê của StoxPlus cho thấy quy mô thị trường cho vay tiêu dùng ước khoảng 42 tỉ USD. Tuy nhiên, năm ngoái thị trường đã tăng trưởng chậm lại so với các năm trước. Mặc dù các công ty tài chính vẫn tăng trưởng đáng kể, nhưng rõ ràng miếng bánh thị phần đã thay đổi khi thị trường tăng thêm “lượng”, đặc biệt là các công ty dẫn đầu thị trường như FE Credit, HD Saison hay Home Credit.

San giay phep vay tieu dung

Như trường hợp của FE Credit, dù dẫn đầu thị trường nhưng tốc độ tăng trưởng đã chậm lại. Theo đó, dư nợ cho vay của FE Credit đạt 52.119 tỉ đồng, tăng 19% so với năm trước đó. Không chỉ miếng bánh thị phần được vẽ lại, thị trường cũng đang dần hoàn thiện cơ sở pháp lý. Hiện cơ quan quản lý đang lấy ý kiến cho Thông tư quản lý mới với nhiều tiêu chí hoạt động dành riêng cho thị trường cho vay tiêu dùng. Chẳng hạn như siết lại hoạt động cho vay tiền mặt (giải ngân trực tiếp không quá 30% tổng dư nợ cho vay), kiểm soát lãi suất hợp lý và đảm bảo minh bạch, cải thiện lại hoạt động xử lý, mua bán nợ.

Cơ quan quản lý hiện đang làm khá rốt ráo về thị trường cho vay tiêu dùng. Một khảo sát được Ngân hàng Nhà nước thực hiện tại 7 địa phương mới đây cho thấy nhu cầu vay tiêu dùng rất lớn, nhưng hoạt động tín dụng đen vẫn phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, đồng thời lãi suất các công ty tài chính vẫn đang ở mức cao, lên tới 60-80%.

Thực tế, cơ quan quản lý vẫn nhắm đến các công ty tài chính như một công cụ giúp hạn chế tín dụng đen, nhưng những quy định mới nếu được thông qua thì nhiều công ty tài chính có thể phải điều chỉnh lại hoạt động cho vay về cả chiến lược sản phẩm lẫn quy trình đòi nợ. Hiện nay nhiều công ty tài chính bắt đầu sáng tạo ra thêm các sản phẩm mới ở nhiều phân khúc khác nhau. Điển hình như HD Saison cho vay mua vé máy bay, kết hợp với hãng hàng không VietJet Air.

Có thể thấy cuộc đua giành thị phần trên thị trường sẽ còn khốc liệt hơn khi những tập đoàn quốc tế đầu ngành nhảy vào. Các nhà đầu tư này không chỉ có vốn lớn mạnh, mà còn có cả hệ sinh thái đi theo, tạo sức ép lên các doanh nghiệp nội, bao gồm cả các ngân hàng thương mại trong cuộc đua cho vay tiêu dùng.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới