Hủy

Sắp phê duyệt đề án tái cấu trúc ngân hàng BIDV

Thứ Ba | 30/09/2014 11:09

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam là cái tên tiếp theo trong top các ngân hàng thương mại quốc doanh lớn được tái cấu trúc thời gian tới.
 

Trong bản báo cáo giải trình của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi tới các Đại biểu Quốc hội tại phiên họp thứ 31 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan quản lý tiền tệ cho biết, đang hoàn thiện để phê duyệt đề án tái cấu trúc của “ông lớn” BIDV và Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài chương trình tái cấu trúc tại Vietcombank, sau những “lùm xùm” trong bộ máy quản trị của Agribank thì việc BIDV sẽ “cơ cấu lại” sẽ gây sự chú ý của giới tài chính với kỳ vọng hệ thống NHTM quốc doanh sẽ “khỏe” hơn, “thanh lọc” hơn.

Thực tế, việc tái cấu trúc ngân hàng BIDV cũng đã được nhà băng này chủ động lên phương án và tiết lộ từ lâu. Theo ngân hàng này, để chuẩn bị cho quá trình cơ cấu lại toàn bộ hệ thống BIDV từ NHTM đến các công ty bảo hiểm, chứng khoán… riêng NHTM BIDV đã thực hiện IPO từ tháng 12/2011 và ngày 24/1/2014 đã chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE. Nhà băng này cũng tính toán các bước đi để đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.

Theo NHNN, trong quá trình thực hiện cơ cấu lại, các NHTM Nhà nước đã rà soát để cơ cấu lại mạng lưới kênh phân phối, mở rộng mạng lưới chi nhánh, điểm giao dịch trong phạm vi cả nước; ưu tiên phục vụ tại khu vực nông nghiệp, nông thôn, thành lập các loại hình hiện diện thương mại tại các nước, gia nhập thị trường tài chính quốc tế và khu vực (như Campuchia, Lào, Myanmar và Châu Âu…).

Các NHTM Nhà nước bước đầu cơ cấu lại hoạt động kinh doanh và danh mục tài sản theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng và tăng nguồn thu từ các hoạt động phi tín dụng trên cơ sở đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, chuyển tiền, thanh toán, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Cơ cấu tài sản được điều chỉnh theo hướng lành mạnh hơn, giảm bớt đầu tư vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như chứng khoán, bất động sản, nâng cao chất lượng tài sản. Đồng thời, các NHTM Nhà nước cũng tích cực hỗ trợ cơ cấu lại các NHTMCP yếu kém thông qua hỗ trợ thanh khoản, tham gia giám sát đặc biệt và sẵn sàng góp vốn, mua cổ phần, sáp nhập, ký kết thỏa thuận hợp tác...

Riêng đối với câu chuyện tái cấu trúc tại Agribank, trong phiên trả lời chất vấn các ĐBQH chiều 29/9, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình thông tin, đã thay toàn bộ dàn lãnh đạo của ngân hàng này.

“Tư lệnh” ngành ngân hàng nhấn mạnh, Agribank là ngân hàng có rất nhiều yếu kém trước đây, để lại hậu quả nặng nề. Vì thế, thay vì một đề án tổng thể để tái cơ cấu lại ngân hàng, thì NHNN đã quyết định tách ra làm 8 đề án nhỏ để thuận lợi hơn khi triển khai, và hiện đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, toàn bộ bộ máy quản trị, từ hội đồng thành viên tới ban điều hành, ban kiểm soát… đã được thay mới hoàn toàn.

Kết quả tái cơ cấu Agribank bước đầu cũng có chuyển biến khi tăng trưởng tín dụng ước tính cả năm 2014 của ngân hàng này có thể đạt 7-8%, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn với tỷ lệ khoảng 70% và sẽ tăng lên 80% trong vòng 2 năm tới.

Bên cạnh việc tái cơ cấu lại các NHTM quốc doanh, NHNN cũng đang tiến hành thẩm định phương án cơ cấu lại của các công ty cho thuê tài chính của các NHTM Nhà nước, thực hiện thẩm định và xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án tổng thể nâng cao năng lực tài chính từ nay đến năm 2015 của 5/5 NHTM Nhà nước.

Nguồn Infonet


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới