Hủy

Sẽ có mức phạt để quản lý sở hữu chéo doanh nghiệp

Thứ Ba | 22/01/2013 19:34

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến phạt 30-40 triệu đồng với tổ chức không đăng ký cổ đông sở hữu từ 5% cổ phần trở lên.
 

Theo dự thảo Nghị định mới liên quan đến các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh, dự kiến có hiệu lực từ 1/7/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành mức phạt với việc đăng ký số cổ phần sở hữu doanh nghiệp nhằm tránh tình trạng không kiểm soát được hoạt động sở hữu chéo giữa các tổ chức.

Cụ thể, sẽ phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu đồng với tổ chức không thực hiện việc đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh về cổ đông sở hữu từ 5% số cổ phần trở lên. Sau khi bị phạt, các tổ chức này sẽ phải đăng ký theo đúng quy định.

Trước đó, Luật doanh nghiệp 2005 quy định các cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần trở lên phải được đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày có được tỷ lệ sở hữu đó. Tuy nhiên, từ đó đến nay chưa có mức chế tài xử phạt cụ thể với hành vi phạm quy định này.

Như vậy, việc thêm chế tài xử phạt này sẽ giúp cơ quan quản lý kiểm soát tốt hơn lượng cổ đông lớn tại doanh nghiệp đó cũng như việc các tổ chức có còn là cổ đông lớn ở tổ chức nào nữa hay không.

Trước khi có mức xử phạt về công bố cổ đông lớn với cơ quan đăng ký kinh doanh, Nghị định 85 ban hành năm 2010 của Ủy ban Chứng khoán cũng quy định, nếu một tổ chức, cá nhân và nhóm người liên quan trở thành công đông lớn của công ty đại chúng mà không báo cáo đúng thời hạn sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng.

Thời gian qua, việc các tập đoàn, doanh nghiệp và nhất là tổ chức tín dụng sở hữu cổ phần lẫn nhau đã làm ảnh hưởng xấu đến quá trình đầu tư của các đơn vị khi một số chủ yếu rót vốn vào các công ty sân sau hoặc cùng "một nhà".

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình cũng đã cho biết, năm 2013, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành chính sách chặt chẽ hơn để quản lý việc sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, nhằm ngăn chặn tình trạng các công ty con của cổ đông vay tiền ngân hàng này và đầu tư vào các ngân hàng khác.

Bên cạnh đó, Nghị định mới cũng quy định trong trường hợp không được cơ quan đăng ký kinh doanh gia hạn, nếu doanh nghiệp không tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông thường niên trong thời hạn 4 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính thì sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu đồng. Điều này nhằm tránh tình trạng có doanh nghiệp 2 năm mới tổ chức đại hội cổ đông thường niên khiến các cổ đông không nắm được tình hình kinh doanh của đơn vị đó.

Ngoài ra, để tránh việc các doanh nghiệp đăng ký địa chỉ không có thật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lên mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 đến 5 triệu đồng đối với tổ chức đăng ký địa điểm kinh doanh không có thật trên bản đồ hành chính; đăng ký địa điểm kinh doanh mà không thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của mình. Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với cá nhân đăng ký kinh doanh từ 2 địa điểm trở lên.

Đồng thời, sẽ cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 đến 5 triệu đồng đối với tổ chức trong quá trình hoạt động không đảm bảo cam kết có ít nhất 3 cổ đông sáng lập; thuê Giám đốc doanh nghiệp tư nhân nhưng không đăng ký. Phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi đăng ký dưới tên người khác hoặc bổ nhiệm giám đốc (Tổng giám đốc) không đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định.

Về sử dụng nhân sự, sẽ phạt từ 2 đến 10 triệu đồng đối với tổ chức sử dụng chứng chỉ hành nghề đã hết hạn; Sử dụng chứng chỉ hành nghề của cá nhân đã được sử dụng để đăng ký kinh doanh tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoặc đơn vị khác. Phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với tổ chức bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề thực hiện nghiệp vụ mà quy định phải có chứng chỉ hành nghề; Sử dụng Giám đốc hoặc người đứng đầu cơ sở kinh doanh không có chứng chỉ hành nghề...

Nguồn Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới