Hủy

Sẽ là một Thừa Thiên Huế rất khác

Thứ Hai | 28/09/2009 09:15

Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định rằng, một năm nữa, sẽ có một Thừa Thiên Huế rất khác.
 

Sau khi được Chính phủ và Bộ Chính trị đồng ý cho xây dựng và phát triển thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới, diện mạo của tỉnh Thừa Thiên Huế đã bắt đầu có sự thay đổi. Với diện tích trên 5.000 ha và hơn 1,3 triệu dân, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành “thành phố cấp trung ương” với diện mạo, tầm vóc và cả những quan ngại gì? Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh Nguyễn Ngọc Thiện, đã trao đổi với NCĐT về những vấn đề này.

Điều gì khiến Thừa Thiên Huế tự tin khi đưa cả tỉnh lên thành phố trong vài ba năm tới?

Ông Nguyễn Ngọc Thiện: Cách đây vài năm, Thừa Thiên Huế còn phân vân giữa việc phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp sản xuất hay công nghiệp không khói, nay, sau khi được Bộ Chính trị và Chính phủ chấp thuận, Tỉnh đã định hình được diện mạo và xác định phát triển theo hướng kinh tế dịch vụ. Về kinh tế, Tỉnh đang chuyển dịch kinh tế ở vùng nông thôn từ lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp và dịch vụ. Hiện lao động nông thôn chiếm 60% tổng lao động toàn Tỉnh nhưng nay 20% trong số này không còn sống bằng nghề nông. Theo quy hoạch, đến năm 2015 chỉ còn 20% và năm 2020 còn 10%.

Ngân sách dành cho giáo dục của Tỉnh năm nay tăng 19% so với năm trước. Thừa Thiên Huế hiện đứng thứ 10 trên 64 tỉnh thành cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài và việc ký kết hàng loạt dự án vốn đầu tư hàng tỉ USD vừa qua là một tín hiệu lạc quan. Mạng lưới giao thông và hạ tầng đô thị đã ổn, đường ven biển đang được xây dựng, hai trục giao thông nối thành phố lên 2 huyện miền núi là Nam Đông sẽ được khởi công trong cuối năm nay và đầu năm tới. Các nhà máy thủy điện Bình Điền, A Lưới, Hương Thủy bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước sạch cho toàn Tỉnh. Đến nay, 98% hộ dân đã có điện và sẽ đạt 100% vào cuối năm nay. Như vậy, trong vài năm nữa Thừa Thiên Huế hoàn toàn có điều kiện về hạ tầng để hình thành một thành phố cấp trung ương.

Tuy nhiên, cũng sẽ không tránh khỏi những cú “sốc” tinh thần lẫn vật chất khi người dân ở vùng sâu vùng xa của Tỉnh phải sống, nghĩ và làm việc theo nếp nghĩ của người thành phố?

Ông Nguyễn Ngọc Thiện: Quan điểm phát triển của Tỉnh là ly nông, bất ly hương. Người dân tại đó không làm nông vẫn có thể đảm bảo cuộc sống ở mức tương đối bằng cách tạo công ăn việc làm cho họ tại chỗ. Để làm được điều này, trong giáo dục, hiện chúng tôi tập trung đào tạo nghề cho thế hệ trẻ các vùng xa, huyện lỵ để sau vài năm nữa, khi lên thành phố cấp trung ương, họ có thể ra trường có việc làm ngay. Nam Đông là huyện miền núi duy nhất trên cả nước nhận danh hiệu nông thôn miền núi anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Gọi là miền núi, nhưng đường sá đi lên đó bây giờ đẹp không thua gì thành phố. Đi công tác lên hai huyện miền núi buổi sáng, trưa vẫn có thể chạy về kịp làm việc đầu giờ chiều tại trung tâm. Như vậy, khoảng cách địa lý vài chục cây số với giao thông ổn định, tốt thì giữa vùng sâu vùng xa với trung tâm thành phố hầu như không đáng kể.

Hãy thử hình dung một thành phố Huế trong tương lai sẽ được quy hoạch như thế nào? Tỉnh có ý định thuê nhà quy hoạch nước ngoài để thực hiện dự án “thành phố trung ương” này?

Ông Nguyễn Ngọc Thiện: Diện mạo của thành phố Thừa Thiên Huế (tạm gọi như vậy) trong tương lai, về diện tích sẽ lớn hơn bất kỳ thành phố nào trên cả nước hiện nay và có đủ các yếu tố: Sông, núi, biển, đầm phá, gò đồi, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên... Đây sẽ là một thành phố sinh thái, thành phố của di sản và festival, là trung tâm y tế, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu và nghiên cứu khoa học. Trung tâm sẽ là thành phố Huế hiện nay. Các đô thị vệ tinh xung quanh như thành phố Chân Mây - Lăng Cô; các thị xã Tứ Hạ, Phú Bài, Thuận An, Bình Điền… và các thị trấn, thị tứ bao quanh. 45.000 ha rừng quốc gia Bạch Mã, hơn 50.000 ha khu bảo tồn thiên nhiên Bình Điền và khu bảo tồn 20.000 ha ở A Lưới sẽ là những thảm xanh bao bọc bảo vệ thành phố.

Về việc thuê nhà quy hoạch, hiện thành phố Chân Mây - Lăng Cô đang được một nhà thiết kế của Nhật triển khai. Về trung tâm đô thị Huế, Tỉnh đang làm việc với nhà quy hoạch người Hàn Quốc và tham khảo ý kiến từ các chuyên gia quy hoạch đô thị.

Với đặc thù địa lý có nhiều đầm phá và sông hồ, Thừa Thiên Huế sẽ giải quyết nhà ở cho hàng ngàn hộ dân sống trên nước như thế nào để bảo đảm cảnh quang sạch đẹp?

Ông Nguyễn Ngọc Thiện: Tính đến nay, trong khoảng 1.000 hộ dân sống ngay trên sông Hương, sông Bồ… chúng tôi đã đưa được 340 hộ lên bờ, số còn lại sẽ được đưa lên bờ vào năm 2010, khi các khu tái định cư ở phường Phú Mậu, Phú Hậu, Hương Sơ hoàn tất. Riêng dân vạn đò dọc khu vực sông đoạn chợ Đông Ba sẽ đưa lên bờ xong trong năm nay. Hình thức hỗ trợ là mỗi hộ được cấp 15 triệu đồng và đất.

Đụng đến Huế, nhất là vấn đề phát triển xây dựng, thường có nhiều ý kiến phản biện bởi yếu tố văn hóa đặc thù của nó. Bản thân ông có thấy bị áp lực không?

Ông Nguyễn Ngọc Thiện: Cố đô Huế giữ được như hôm nay là niềm tự hào của người dân nơi đây và của cả nước. Quan điểm của tôi là phải phát triển bền vững. Phát triển quá nóng sẽ phải trả giá rất lớn về môi trường, thành phố bị bê-tông hóa như nhiều nơi đang gặp phải. Theo tôi, khi chưa quản lý được, chưa nhận diện tầm vóc một đô thị thì khoan vội triển khai quy hoạch ồ ạt. Một quyết sách sai lầm sẽ làm chậm phát triển cả hàng chục năm. Và mỗi khi đã xác định hướng đi rõ ràng, tôi không có gì phải e ngại hoặc áp lực cả.

Vậy khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố cấp trung ương rồi, điều ông lo ngại nhất là gì?

Ông Nguyễn Ngọc Thiện: Cái tôi lo nhất là lối sống, ý thức của những con người sống ngay trên di sản văn hóa. Dân trí của một thành phố được mệnh danh là trung tâm văn hóa phải thật sự văn hóa. Văn hóa và dân trí nói chung phải được xây dựng có nền tảng và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tỉnh đang có kế hoạch xây dựng chương trình nếp sống văn hóa Huế trong ứng xử, nâng cao dân trí cho các vùng xa để hòa nhập tốt với môi trường đô thị trong tương lai.

Thừa Thiên Huế có đưa ra chính sách dụng nhân tài như cấp đất, cấp tiền làm nhà như một số tỉnh khác đã từng làm?

Ông Nguyễn Ngọc Thiện: Tỉnh không chủ trương áp dụng chính sách đó. Thật ra, nhân tài ở Huế không thiếu. Vấn đề là làm thế nào để giữ chân được họ. Theo tôi, quan trọng nhất là để người ta thấy thành phố Thừa Thiên Huế trong tương lai thế nào, chất lượng cuộc sống tốt ra sao, mức thu nhập chấp nhận được không, môi trường để phát huy khả năng thế nào... chứ không phải là tiền để xây nhà. Mời bạn quay lại vào đầu năm sau, bạn sẽ thấy một Huế rất khác!

Ông Nguyễn Ngọc Thiện

Quê ở Thừa Thiên Huế, sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình.

1980-1990: Sang Liên Xô (Nga) du học và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Tổng hợp Kha-cốp

1990-1998: Văn phòng Tỉnh ủy Tỉnh Thừa Thiên Huế

1998-2003: Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Thừa Thiên Huế

2003-2007: Phó Chủ tịch Thường trực Thừa Thiên Huế

2007-nay: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Tỉnh Thừa Thiên Huế


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới