Hủy

Sẽ tính lương bình quân cho cả quá trình đóng BHXH

Thứ Ba | 27/05/2014 13:34

Hiện nay việc đóng bảo hiểm và hưởng lương hưu đang cao hơn so với cả quá trình đóng bảo hiểm của người lao động.
 

Chiều ngày 26/5, Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được trình tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. Liên quan đến một số vấn đề của Luật này, bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội đã có trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp.

Bà đánh giá thế nào trước những lo ngại quỹ bảo hiểm xã hội có nguy cơ bị vỡ?

Báo cáo của tôi trước Quốc hội về tỷ lệ thu chi của quỹ bảo hiểm xã hội thì hiện chi đang tăng nhưng thu lại giảm. Nếu chúng ta điều chỉnh chính sách thì nguy cơ vỡ quỹ sẽ không như dự kiến của Chính phủ mà sẽ kéo dài hơn.

Điều chỉnh chính sách hiện nay là mức đóng ngưỡng của tiền lương hưu cho hợp lý lơn và tăng tuổi nghỉ hưu căn cứ trên Điều 187 của Bộ Luật Lao động. Việc tăng thời gian làm việc và giảm thời gian hưởng lương hưu thì thời gian vỡ quỹ sẽ dài hơn.

Bên cạnh đó, một số chính sách khác như giảm trợ cấp 1 lần, người tham gia bảo hiểm xã hội nhiều hơn và tăng đối tượng dưới 3 tháng phải có hợp đồng lao động thì sẽ tăng quỹ lên, hoặc bổ sung đối tượng là học viên quân đội, công an, cơ yếu; bổ sung đối tượng lao động nước ngoài tại Việt Nam, bổ sung lượng cán bộ không chuyên trách tại xã phường và đối tượng này sẽ tham gia vào bảo hiểm tự nguyện, có hỗ trợ nhà nước để tăng đối tượng đóng, tăng thời gian làm việc, giảm thời gian hưởng, từ đó thời gian vỡ quỹ sẽ lâu hơn dự báo hiện nay.

Vấn đề tăng độ tuổi nghỉ hưu vẫn cũng là đề tài tranh luận gay gắt hiện nay?

Theo Điều 187, Bộ Luật Lao động thì cho phép tăng tuổi nghỉ hưu đối với nhóm quản lý, nhóm chuyên môn, kỹ thuật, đồng thời Bộ Luật Lao động cũng cho phép những người lao động trong các lĩnh vực làm công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm ở những địa bàn quá khó khăn thì có thể được giảm tuổi nghỉ hưu. Việc tăng hoặc giảm tuổi nghỉ hưu trong vòng 5 tuổi. Thẩm quyền này Bộ Luật Lao động đang giao cho Chính phủ.

Chúng ta có thể tăng tuổi nghỉ hưu bằng Bộ Luật Lao động, sau này đến năm 2020 chúng ta có khoảng 50% người lao động tham gia vào bảo hiểm hưu trí thì lúc đó chúng ta có thể đi đồng bộ hơn về chính sách tăng tuổi nghỉ hưu.

Tôi vẫn ủng hộ phương án tăng tuổi nghỉ hưu nhưng phải có lộ trình hợp lý, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội. Hiện mỗi năm có khoảng bốn trăm ngàn người hưởng lương hưu và khoảng 1 triệu lao động trẻ. Do vậy, chúng ta vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu lực lượng lao động đang cao hơn tỷ lệ phụ thuộc. Đến khi nào hai tỷ lệ này bằng nhau thì dứt khoát phải tăng tuổi nghỉ hưu lên.

Theo bà, cách tính lương hưu như thế nào thì được xem là hợp lý?

Hiện nay việc đóng bảo hiểm và hưởng lương hưu đang cao hơn so với cả quá trình đóng bảo hiểm của người lao động, chúng ta đang lấy bình quân của một số năm cuối để tính lương hưu nên rất cao. Sau này sẽ tính lương bình quân cho cả quá trình đóng, như vậy sẽ hợp lý hơn. Nhưng cũng nhấn mạnh để người lao động yên tâm, người đóng bảo hiểm đầu tiên vào ngày 1/1/2018 mới bắt đầu tính chính sách này.

Và 20 năm sau, người đó sẽ hưởng lương hưu bình quân cả cuộc đời đóng bảo hiểm. Nếu tính sớm quá sẽ thiệt thòi cho người lao động vì quá trình tính lương của ta thời gian qua có nhiều thăng trầm, mức lương hưu cách đây hơn chục năm rất thấp, sẽ khó khăn cho người lao động.

Nguồn Thời báo Ngân hàng


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới