Hủy

Siêu đô thị ASEAN đối mặt nhiều thách thức

Thứ Hai | 31/10/2016 06:30

TP.HCM, một trong 5 siêu đô thị ASEAN, đối mặt nhiều thách thức từ đô thị hóa nhanh nhưng cũng có lợi thế từ những bài học phát triển trong khu vực.
 

Các thành phố lớn trong khu vực ASEAN được dự báo sẽ tiếp tục năng động, đóng góp rất lớn cho phát triển chung của khu vực và thế giới, nhưng nhiều chuyên gia đang cảnh báo về nguy cơ “lợi bất cập hại” do đô thị hóa nhanh và phát triển không bền vững. Được xem là một “siêu đô thị” của ASEAN, TP.HCM đang đương đầu với thách thức không nhỏ khi tình trạng quy hoạch thiếu bền vững, ngập nước, kẹt xe và ô nhiễm môi trường đang đe dọa đà phát triển của thành phố năng động này.

Theo báo cáo mới đây của The Economist Intelligence Unit (EIU), bộ phận nghiên cứu của Tập đoàn truyền thông đa quốc gia The Economist Group, 5 “siêu đô thị” gồm Manila, Jakarta, Bangkok, Kuala Lumpur và TP.HCM sẽ có vai trò chính đối với sự phát triển chung của khu vực, góp phần tăng số hộ dân có thu nhập trung bình (tổng thu nhập hằng năm của các thành viên từ 10.000 USD, tương đương hơn 220 triệu đồng) lên hơn 4 lần. Con số 38 triệu hộ thu nhập trung bình năm 2015 dự kiến tăng lên 161 triệu hộ vào năm 2030.

Thách thức từ đô thị hóa

Theo ông Miguel Chanco, trưởng nhóm nghiên cứu về ASEAN của EIU, Đông Nam Á sẽ tiếp tục là thị trường đầu tư tiềm năng với dự báo tăng trưởng chung ở mức 4,6% trong 5 năm tới, và tiếp tục duy trì vị trí nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới với tổng sản phẩm nội địa hơn 2.400 tỉ USD. Theo báo cáo trên, VN được dự báo phát triển nhanh và thu nhập người dân được cải thiện, nhất là tại 3 thành phố lớn TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.

Tuy nhiên, trả lời Thanh Niên, bà Roxana Slavcheva, chuyên gia kinh tế của EIU, cảnh báo những hạn chế trong quy hoạch đô thị đã dẫn đến gia tăng mật độ phương tiện cá nhân, làm chậm phát triển giao thông công cộng, dẫn đến gia tăng kẹt xe và ô nhiễm ở các thành phố lớn của VN. “Thách thức dành cho TP.HCM là gia tăng dân số và nhóm tiêu dùng đô thị sẽ gia tăng áp lực lên hạ tầng và dịch vụ. Chính quyền địa phương cũng cần đảm bảo mật độ dân số khi mở rộng đô thị”, bà cho biết.

Theo ông Trần Anh Tuấn, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, thành phố đang gặp nhiều thách thức lớn trong quá trình phát triển như sự gia tăng dân số cơ học, dịch chuyển dân cư từ các nơi trong cả nước, đặt ra thách thức quản lý về lao động nhập cư, giải quyết công ăn việc làm cũng như bài toán về giao thông đô thị, như tình trạng kẹt xe, các vấn đề liên quan đến giải quyết đời sống người dân như nhà ở cho người thu nhập thấp, an ninh trật tự.

“Các vấn đề về giao thông, ngập nước, môi trường và chỉnh trang đô thị là các vấn đề lớn mà thành phố cần tập trung nguồn lực giải quyết trong chiến lược phát triển từ nay đến năm 2020”, ông Tuấn nói và cho rằng TP.HCM cũng cần phát huy nội lực riêng trong quá trình hội nhập khu vực, bằng cách tập trung nguồn lực từ dân, doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài mạnh hơn nữa.

Bài học Singapore

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, TP.HCM hoàn toàn có khả năng phát triển 2 con số, từ 12 - 16%/năm, nhưng quá trình phát triển đã làm phát sinh các vấn đề có thể kìm hãm phát triển tương lai, trong đó có vấn đề bảo tồn để phát triển bền vững.

Ông Sơn dẫn chứng Singapore trong quá trình phát triển đã làm tốt công tác bảo tồn di sản, có những khu nhà phố được giữ lại và rất trân quý, trong khi TP.HCM có những di sản quý hơn nhiều. “Chúng ta nên học Singapore trân trọng những giá trị lịch sử. Nên ưu tiên phát triển đô thị mới và giữ gìn bản sắc của di sản văn hóa. Điều này có ý nghĩa rất lớn, giúp phát triển du lịch và giúp người dân có sự tự hào về cộng đồng, về văn hóa dân tộc. Đó là những vốn quý làm cho TP.HCM mang bản sắc khác biệt với các thành phố khác trong khu vực”, ông Sơn nói.

Kiến trúc sư Sơn cũng đưa ra 4 định hướng chiến lược gồm: ưu tiên phát triển bền vững, nghiên cứu tổ chức lại không gian nước và cây xanh để xử lý vấn đề ngập lụt, xây dựng đô thị đáng sống, và chú ý phát triển văn hóa kinh tế cộng đồng. Theo đó, TP.HCM có thể giữ lại những khu mang đậm dấu ấn Pháp như khu chợ Bình Tây, khu phố người Hoa ở Chợ Lớn, khu phố sông nước Nam bộ dọc theo kênh rạch…, trong khi cũng cần những đô thị mới mang bản sắc hiện đại như khu phố kinh tế tài chính quốc tế ở Thủ Thiêm, những nhà cao tầng cao nhất thế giới, những khu công nghệ cao, khu đô thị đại học Thủ Đức.

Bà Roxana Slavcheva, chuyên gia cao cấp của The Economist Intelligence Unit, nêu ra 4 nguyên tắc quản lý cho TP.HCM, gồm quản lý hiện đại và có trách nhiệm; đủ vốn cho đầu tư hạ tầng; quy hoạch tổng thể hợp lý; có chính sách rõ ràng đối với những vấn đề quan trọng như nhà ở, giảm nghèo, phát triển giao thông bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nguồn Thanh Niên


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới