Hủy

Số hộ nuôi cá tra thua lỗ tăng

Thứ Năm | 10/10/2013 08:09

Nguyên nhân chính do người nuôi cá tra mù ờ thông tin, thông tin bất cân xứng, tình trạng đổ lỗi cho nhau trong việc cho vay tín dụng.
 

Ngày 9/10, tại TP. Cần Thơ, Hiệp hội Cá tra Việt Nam tổ chức Hội nghị “Liên kết trong chuỗi cá tra - vấn đề tín dụng và hợp đồng”. Vấn đề làm thế nào cứu người nuôi cá đang thua lỗ đã được đưa ra.

Người nuôi cá đang thở “oxy”

“Tình trạng mù mờ thông tin, thông tin bất cân xứng, sức mạnh thương lượng kém; doanh nghiệp chế biến nợ nông dân nhưng ngược lại chiếm dụng vốn để cho nước ngoài nợ; tình trạng đổ lỗi cho nhau trong việc cho vay tín dụng; thông tin, số liệu thị trường không minh bạch, rõ ràng; chưa có hợp đồng nào giao kết phạt khi thanh toán trễ hạn…”, đó là một số vấn đề “nóng” được các đại biểu đưa ra phân tích, mổ xẻ tại hội nghị…

Tại hội nghị, ông Võ Hùng Dũng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam chỉ ra 5 khó khăn chính của ngành cá tra hiện nay đang phải gánh nặng, đó là: Giống, chất lượng quá kém, làm cho giá thành cao, tăng rất cao so những đầu năm; giảm sản lượng để tăng giá; thông tin thị trường kém; tín dụng yếu; thể chế đều chưa minh bạch, cụ thể, rõ ràng.

Về vấn đề tín dụng, ông Dũng thẳng thắn chỉ ra rằng hiện đang xảy ra phổ biến tình trạng doanh nghiệp chế biến nợ nông dân, nhưng doanh nghiệp xuất khẩu cho nước ngoài nợ; tình trạng đổ lỗi cho nhau thường xuyên đang xảy ra; quan hệ và thông tin bất cân xứng giữa nông dân với doanh nghiệp là nguồn gốc của những bắt chẹt…

Phân tích về giá trị gia tăng của chuỗi cá tra tại hội nghị cho thấy: Hiệu suất sinh lời trong chế biến thủy sản, tỷ trọng giá trị gia tăng đạt được trong mặt hàng tôm là 27,4%; cá ngừ đạt lợi nhuận 37,7%. Riêng mặt hàng cá tra chỉ đạt được giá trị gia tăng 0,68%, cho thấy chế biến và xuất khẩu cá tra hầu như không có lãi.

TS Lê Xuân Sinh – Trường ĐH Cần Thơ cho rằng: Tỷ lệ hộ nuôi thủy sản ở ĐBSCL bị thua lỗ ngày càng tăng. Năm 1993, tỷ lệ số hộ nuôi thua lỗ chỉ có 9,4%; giai đoạn 2002 – 2005 có 25%; giai đoạn 2005 – 2009 có 30% và giai đoạn 2010 – 2012 có tỷ lệ số hộ thua lỗ đã lên đến gần 50%. Bên cạnh đó, thương lái thu mua cá tra ngày càng thất nghiệp do người nuôi nhỏ lẻ ít đi. Năm 2003, có 26,8% tổng sản lượng cá tra được thương lái thu mua rồi sau đó bán lại cho các nhà máy chế biến, thì đến nay tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 4,9%.

Cần liên kết chuỗi

Ông Nguyễn Phương Lam – Trưởng phòng pháp chế VCCI Cần Thơ chỉ ra những trường hợp thất bại thường vấp phải từ hợp đồng là: Các điều khoản đều dựa vào lợi thế của bên mua; căn cứ vào hệ thống luật chưa được cụ thể; mô tả hàng hóa còn sơ sài, dễ tranh cãi; thỏa thuận đơn vị kiểm định chất lượng ít được xác định ngay ban đầu; thời hạn thanh toán thường là quá dài; không có sự bảo lãnh của định chế tài chính…

“Việc lập tổ nhóm giúp sức thương lượng cao hơn, giảm rủi ro do tập trung vào một hay một số doanh nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả hơn. Song song đó, Hiệp hội Cá tra cần đóng vai trò tư vấn, gắn chặt chẽ với trung tâm trọng tài, chính quyền địa phương… giúp giải quyết nhanh chóng khi có tranh chấp” – ông Lam nêu vấn đề.

Ông Lê Chí Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh An Giang nhận định: “Một điều rõ ràng rằng chuỗi liên kết (vùng nguyên liệu của doanh nghiệp) là hướng đi bền vững cho việc chế biến xuất khẩu đảm bảo về số lượng và chất lượng với điều kiện là tất cả các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đều phải có vùng nuôi liên kết với nông dân thì lợi ích của ngành cá tra mới bền vững, doanh nghiệp mới phát triển tốt”.

“Chuỗi liên kết sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm gánh nặng phải lo vùng nuôi từ vốn đến quản lý; tận dụng nguồn lực trong nông dân từ vốn, tay nghề; chia sẻ rủi ro cùng người nuôi và tránh được rủi ro khi thiếu nguyên liệu. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng chuỗi để liên kết này bền vững thì cần phải có hợp đồng cụ thể có trách nhiệm và chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro với loại hình hợp đồng một nửa giá chết để tồn tại hơn” – ông Bình chia sẻ.

Liên quan đến việc phát triển nhanh theo chuỗi, ông Võ Hùng Dũng nhấn mạnh rằng: Trước hết cần phải cải thiện mạnh về chất lượng giống. Về vùng nuôi phải theo quy hoạch, cấp phép hoặc cấp mã số nhận diện theo hồ sơ đăng ký mã số; quản trị chất lượng. Cần phải cải thiện mối quan hệ với người nuôi, cải thiện năng lực quản trị, chiến lược kinh doanh. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu phải chú trọng vào những thị trường mới, trọng điểm, nhiều tiềm năng…

Nguồn Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới