Hủy

Số phận ngân hàng nhỏ

Thứ Hai | 29/12/2008 16:18

Trước tác động của cơn khủng hoảng tài chính, các ngân hàng nhỏ sẽ khó tránh khỏi phá sản hoặc bị thâu tóm, nếu không nâng cao năng lực quản lý và tài chính.
 

Cách đây 2 năm, trong niềm hứng khởi của thời gian đầu gia nhập WTO, các cơ quan quản lý đã hy vọng, các ngân hàng trong nước, đặc biệt ngân hàng nhỏ, có thể nâng cao vị thế trong cạnh tranh và hội nhập. Sự chuyển mình của các ngân hàng nhỏ đã cho thấy có nhiều lợi thế nhất định. Nhưng nay, chính những lợi thế sẵn có cùng cơn chấn động tài chính đã buộc các ngân hàng này phải nhìn lại để định hình.

Lợi thế của ngân hàng nhỏ

Ngân hàng nhỏ ở các nước trong khu vực thường có quy mô vốn từ 3-5 tỉ USD, trong khi các ngân hàng nội chưa có ngân hàng nào sở hữu 1 tỉ USD vốn điều lệ. Do vậy, các ngân hàng thương mại Việt Nam được liệt vào danh sách ngân hàng siêu nhỏ so với ngân hàng các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, ngay tại các cường quốc kinh tế, bên cạnh các ngân hàng lớn vẫn tồn tại các ngân hàng nhỏ. Tại Mỹ, hiện vẫn tồn tại hàng ngàn ngân hàng quy mô nhỏ, trong đó, hơn phân nửa là các ngân hàng có tổng tài sản dưới 100 triệu USD. Có nhiều tên gọi khác nhau cho các ngân hàng này như ngân hàng khu vực (regional bank), ngân hàng cộng đồng (community bank).

Do phạm vi phục vụ nhỏ, các ngân hàng nhỏ không nhất thiết phải có quy mô lớn. Và quy mô nhỏ sẽ phù hợp với một phạm vi hoạt động nhất định, miễn là biết giới hạn, không mở rộng quá sức của mình. Các ngân hàng nhỏ luôn có vai trò bổ sung, thay thế cho những khoảng trống mà các ngân hàng lớn khó mà phục vụ tốt hơn.

Chẳng hạn, hoạt động của các ngân hàng nhỏ phần lớn dựa vào quan hệ (relationship banking). Nhờ vào những lợi thế trong quá trình quan hệ với khách hàng, các ngân hàng nhỏ tạo được sự gần gũi, thâm giao, nhờ đó giúp tiết kiệm chi phí thẩm định khách hàng. Trong khi đó, quan hệ khách hàng của các ngân hàng lớn chủ yếu dựa vào giao dịch (transactional banking).

Tại Việt Nam, các ngân hàng nhỏ luôn muốn cổ phần hóa để rời bỏ nông dân, vươn ra các vùng công nghiệp phát triển. Đặc biệt, sau Nghị định 141/2006, trào lưu chuyển đổi mô hình từ ngân hàng nông thôn lên đô thị trở nên rầm rộ và như thế, mô hình ngân hàng nông thôn đang dần bị “xóa sổ”. Một số ngân hàng nông thôn gặp được cơ hội để phát triển, nhưng một số khác lại chật vật lao theo cơn lốc thời cuộc.

Hiện vẫn có một số ngân hàng cổ phần phục vụ khá tốt cho các doanh nghiệp nhỏ, cá nhân, nông hộ và khách hàng khu vực nông thôn như Ngân hàng Kiên Long, Mỹ Xuyên, Đại Á, Việt Á, Nam Á... Bởi họ có một ưu thế vượt trội là quen thuộc với môi trường kinh doanh và con người trong khu vực. Đồng thời, đối với cho vay nhỏ, ngân hàng nhỏ thường có mức chênh lệch lãi suất bình quân cao hơn các ngân hàng lớn. Do đó, nhìn chung, hoạt động cho vay của các ngân hàng nhỏ hiệu quả hơn.

Bộc lộ nhiều nhược điểm

Tuy nhiên, những lợi thế trên không thể giúp các ngân hàng nhỏ chống chọi với cơn bão tài chính hiện tại. Và trước tác động của cuộc khủng hoảng, các ngân hàng nhỏ đang bộc lộ ít nhiều nhược điểm về tính thanh khoản. Có thể nói, đây chính là nhược điểm lớn nhất của các ngân hàng nhỏ.

Có nhiều nguyên nhân giải thích sự yếu kém của các ngân hàng nhỏ, nhưng cốt lõi vẫn là năng lực quản trị kém. Một nguyên nhân khác là các ngân hàng có quy mô vốn nhỏ, sản phẩm dịch vụ tài chính quá mỏng và yếu và dường như chỉ khi có xáo trộn, các ngân hàng này mới giật mình nhìn lại. Thực tế cho thấy, một số ngân hàng nhỏ có năng lực quản trị kém đã rất khó khăn khi chống đỡ với khủng hoảng.

Các ngân hàng thương mại cổ phần hiện chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỉ đồng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn còn 10 ngân hàng đang chạy đua nước rút.

Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM, cho biết, hiện TP.HCM chỉ còn 3 ngân hàng có vốn điều lệ dưới 1.000 tỉ đồng là GiaDinh Bank, Pacific Bank và Đệ Nhất. Hầu hết các ngân hàng có vốn điều lệ dưới 1.000 tỉ đồng đều cho biết, sẽ hoàn tất việc tăng vốn đúng thời hạn quy định.

Theo đại diện của GiaDinh Bank, Ngân hàng đang hoàn tất việc tăng vốn từ 500 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, bởi ngân hàng này có các cổ đông “nặng ký” như Vietcombank, Vietinbank, DongA Bank, Saigonbank… Song, trên thực tế, vẫn còn nhiều khó khăn đối với các ngân hàng quy mô nhỏ, vì nhà đầu tư đang “bội thực” với cổ phiếu phát hành thêm.

Ông Phùng Duy Khương, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á, cho rằng, khi có biến động, các ngân hàng lúng túng không tìm ra lối thoát, bởi các giao dịch gây rủi ro kỳ hạn trên thị trường liên ngân hàng trước đó. Bằng chứng là sự trở tay không kịp của các ngân hàng khi lún sâu vào các giao dịch cho vay chứng khoán, bất động sản và khi những ngành kinh doanh này lâm vào khó khăn, thì rủi ro sẽ hiển hiện.

Tình trạng chung của các ngân hàng hiện nay là khó huy động vốn, bởi phát hành qua thị trường chứng khoán hoặc huy động vốn từ các cổ đông chiến lược thời điểm này đều khó. Hoạt động của các ngân hàng nhỏ này lại càng khó hơn, khi lãi suất đầu ra liên tục hạ, trong khi trước đó, nhiều ngân hàng đã lỡ chạy đua huy động vốn với lãi suất cao…

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Liên Việt, một trong số những ngân hàng được đánh giá là ít bị tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính, nhận định: “Hai đối tượng dễ bị tổn thương nhất ở Việt Nam hiện nay trong khủng hoảng tài chính toàn cầu là doanh nghiệp và ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ”.

Vì vậy, để tránh nguy cơ bất ổn và thiếu tính thanh khoản, cần khuyến khích hoạt động sáp nhập giữa các ngân hàng nhỏ. Nhưng sáp nhập sẽ không dễ dàng nếu chỉ dựa vào các quyết định hành chính. Mặt khác, để tránh cho ngân hàng phải gánh nợ xấu và bảo đảm an toàn cho hệ thống, cần nâng cao tính minh bạch và vai trò quản lý của Nhà nước trên thị trường này. Điều này càng quan trọng hơn trong bối cảnh lãi suất ngân hàng đang có chiều hướng tiếp tục giảm.

Số lượng ngân hàng tại Việt Nam đã tăng từ 9 ngân hàng năm 1991 lên 80 vào năm 2008.

Ngân hàng nhỏ tại Việt Nam

Hiện hệ thống ngân hàng Việt Nam cung cấp hơn 20% vốn cho toàn bộ lượng đầu tư xã hội trong nền kinh tế. Số lượng ngân hàng cũng tăng nhanh từ 9 (1991) lên 80 ngân hàng (2008). Con số này được nhiều nhà phân tích cho rằng “quá nhiều”, nhất là so với tỉ lệ chỉ 10% dân số Việt Nam sử dụng dịch vụ ngân hàng. Tỉ trọng tài sản của ngân hàng Việt Nam vẫn thấp so với các nước trong khu vực.

Một báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, 25% ngân hàng có kết quả hoạt động kinh doanh hạn chế. Nhưng giới chuyên gia dự đoán, sắp tới sẽ có một cuộc chuyển biến mạnh mẽ trong hệ thống ngân hàng. Theo đó, số lượng sẽ giảm dần nhưng chất lượng sẽ được củng cố và năng lực quản lý sẽ được tăng cường.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới