Hủy

Số siêu thị tại Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong 5 năm tới

Thứ Tư | 30/03/2016 10:00

Hiện cả nước có hơn 700 siêu thị. Theo quy hoạch, đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.500 siêu thị, gấp đôi hiện tại.
 

Tại hội thảo “Ngành bán lẻ Việt nam bước chân vào thế giới phẳng – Cơ hội hay thách thức”, ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó Giám Đốc Trung Tâm Nghiên cứu phân tích VietinBankSc, với nền tảng 90 triệu dân trong đó có tới 60% là tiêu dùng trẻ, ngành bán lẻ Việt Nam hiện đang rất hấp dẫn. Theo BMI, quy mô thị trường bán lẻ năm 2015 đạt 102 tỷ USD, và dự kiến sẽ đạt 179 tỷ USD sau 5 năm.

Hội thảo do VietinBankSc, HOSE, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) và Công ty TNHH Nghiên cứu Thị trường Công nghệ và Bán lẻ GfK Việt Nam phối hợp tổ chức.

Theo ông Đăng, quy mô thị trường lớn, nhưng ngành bán lẻ của Việt Nam vẫn còn tập trung quá nhiều vào các kênh phân phối truyền thống thông qua chợ, cửa hàng nhỏ lẻ. Tỷ lệ bán lẻ hiện đại của Việt Nam mới chỉ là 25%, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia cùng khu vực.

Hiện cả nước có hơn 700 siêu thị, 132 trung tâm thương mại, số cửa hàng tiện lợi có thương hiệu và vận hành theo chuỗi dừng lại ở con số hàng trăm, thị phần bán lẻ hiện tại ở vùng ven và nông thôn gần như bị bỏ ngỏ.

Theo quy hoạch của Bộ Kế hoạch và đầu tư, đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.500 siêu thị, (tức là cần thêm 550 siêu thị so với hiện nay), 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm. Với kế hoạch này, tỷ lệ bán lẻ hiện đại sẽ đạt khoảng 45%. Ông Đăng đánh giá đây là một động lực tăng trưởng lớn, rất tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam. Do đó, cuộc chạy đua chiếm lĩnh thị phần sẽ rất khốc liệt.

Với tiềm năng lớn, có thể thấy gần đây các quốc gia trong khu vực đang nhanh chóng tiếp cận thị trường Việt Nam với hàng loạt chuỗi cửa hàng bán lẻ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Theo ông Khổng Phan Đức, Tổng Giám Đốc VietinBankSc, xu hướng M&A ngành bán lẻ đã diễn ra tương đối rầm rộ trong vài năm trở lại đây. Đây được xem như là con đường tắt cho doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường bán lẻ. 

"Nếu nhìn trên góc độ toàn cảnh xu hướng M&A toàn cầu, các hoạt động M&A vẫn luôn diễn ra, và được xem như là công thức đầu tư của các tập đoàn nước ngoài khi muốn thâm nhập vào thị trường mới", ông Huỳnh Phước Cường, Giám Đốc khối Bán Lẻ GfK cho biết.

Đối với thị trường bán lẻ Việt Nam, làn sóng M&A là tất yếu, cạnh tranh sẽ gia tăng. Các doanh trong nước lúc này không chỉ dựa trên lợi thế hiện có, mà còn cần phát huy lợi thế để phát triển. Ông Cường cũng nói thêm rằng, cạnh tranh là khó khăn nhưng đồng thời cũng chính là động lực phát triển, là cơ hội cọ sát nhằm mục tiêu giữ vững thị phần, thậm chí là gia tăng thị phần.

Trường Văn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới