Hủy

Tái cơ cấu ngân hàng của Việt Nam qua báo cáo đánh giá của WB và IMF

Thứ Hai | 01/09/2014 07:44

Báo cáo khuyến nghị, cần có cơ sở pháp lý cho phép các chủ nợ được triển khai cơ chế tự dàn xếp và phê duyệt rút gọn.
 

Báo cáo đánh giá Khu vực tài chính Việt Nam tháng 6/2014 do Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện cho thấy bức tranh về việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh việc ghi nhận những tiến bộ đáng ghi nhận kể từ khi chuyển đổi từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung vào giữa những năm 1980, Báo cáo cũng nêu rõ rằng những năm gần đây kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại và đã bộc lộ những dấu hiệu khó khăn về tài chính và doanh nghiệp.

Một vài phân khúc của khu vực doanh nghiệp có kết quả kinh doanh nghèo nàn, gặp khó khăn về tài chính và ảnh hưởng đến sức khỏe của hệ thống ngân hàng. Hệ thống ngân hàng đã tích tụ một lượng nợ xấu được ước tính một cách thận trọng là 12% trên tổng dư nợ vào thời điểm cuối năm 2012.

Trong cùng giai đoạn đó, nhiều ngân hàng nhỏ đã gặp vấn đề về thanh khoản và khả năng thanh toán ở mức độ nghiêm trọng hơn, dẫn đến việc Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp.

Báo cáo cũng đề cập đến cấu trúc và kết quả hoạt động của khu vực ngân hàng. Theo đó, mức độ tham gia của nhà nước vào lĩnh vực ngân hàng là lớn và theo cả hình thức liên kết sở hữu trực tiếp và gián tiếp.

Hệ thống ngân hàng có đặc điểm là mức độ sở hữu chéo cao giữa các ngân hàng với nhau và giữa các ngân hàng và doanh nghiệp. Cơ cấu cổ đông phức tạp đã gây ra những lo ngại sâu sắc về xung đột lợi ích và hoạt động cho vay bên có quan hệ/liên quan nhằm tài trợ cho các dự án thiếu minh bạch. Cơ cấu này cũng đã dẫn đến tình trạng phóng đại vốn do cho vay mua cổ phần lẫn nhau và đã tạo điều kiện lách các quy định an toàn như giới hạn tập trung tín dụng.

Để giải quyết những tồn tại khó khăn vướng mắc, chương trình FSAP lần này đưa ra một nhóm khuyến nghị chính sách có thể sử dụng để triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế xã hooj và chương trình tái cấu trúc ngân hàng.

Các khuyến nghị được chia thành 3 nhóm: (i) kế hoạch xử lý khối lượng lớn nợ xấu hiện nay, (ii) các biện pháp đảm bảo các dòng tài chính mới lành mạnh và ngăn chặn tích thêm nợ xấu; và (iii) các bước đi chính sách được thiết kế để bảo vệ khu vực tài chính trong suốt quá trình cải cách dự kiến.

Để giải quyết một số vấn đề về an toàn tài chính, báo cáo này đề nghị một số giải pháp quan trọng. Đó là tòa án phải giám sát trình tự, tiến độ phá sản, để giải quyết nợ xấu của tập đoàn lớn và đa năng. Tuy nhiên, nhằm bảo đảm cấu phần này được thực hiện hiệu quả, cần phải xem xét lại cơ chế phá sản doanh nghiệp, để hỗ trợ quá trình tái thiết và thanh lý chính thức.

Đồng thời, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, cần có cơ sở pháp lý cho phép các chủ nợ được triển khai cơ chế tự dàn xếp và phê duyệt rút gọn. Cơ sở pháp lý chỉ cần quy định về mặt nguyên tắc về thủ tục tự thỏa thuận và nội dung đàm phán, giao quyền tự quyết cho các bên tham gia thỏa thuận tự dàn xếp.

Các khuyến nghị tổng thể quan trọng bao gồm cấp vốn bổ sung, xử lý nợ xấu, cải cách pháp lý và cải cách khác, cũng như tạm thời mở rộng mạng lưới an toàn. Kiểm toán tài chính đặc biệt với các ngân hàng cũng sẽ cho kết quả đánh giá chính xác về nợ xấu, nhu cầu cấp vốn bổ sung tương ứng, và thông tin quan trọng để xây dựng đề án xử lý nợ. Kiểm toán hoạt động sẽ là cơ sở cho kế hoạch tái cấu trúc Ngân hàng Thương mại Nhà nước.

Ngoài ra, việc xác định được các liên kết chéo giữa ngân hàng và khách hàng vay, sẽ cho phép giám sát rủi ro hệ thống trong quá trình cải cách.

Trong giai đoạn thứ hai, các ngân hàng sẽ được cấp vốn bổ sung. Các ngân hàng thương mại nhà nước và doanh nghiệp nhà nước sẽ thoái vốn khỏi các ngân hàng. Công tác chuẩn bị cho hoạt động cải cách quy định pháp lý và hệ thống giám sát cũng sẽ được thực hiện trong giai đoạn này. Một chương trình xử lý nợ xấu rõ ràng sẽ được đưa ra trong giai đoạn thứ 2 và được triển khai hoàn toàn trong giai đoạn thứ 3.

Giai đoạn thứ ba sẽ tập trung vào xử lý nợ xấu, trong đó có việc thành lập công ty quản lý tài sản, và xử lý nợ của doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, cần áp dụng các phương pháp giải phóng ngân hàng thương mại nhà nước ra khỏi nhiệm vụ chính sách.

Trong giai đoạn cuối, Việt Nam cũng cần thực hiện các cải cách thị trường vốn, cải cách cơ sở hạ tầng tài chính và các quy định tài chính.

Đánh giá cao các khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai các khuyến nghị của đoàn FSAP theo phương thức chủ động đưa ra các biện pháp khắc phục từ trước, chỉ đạo thực hiện ngay nếu khuyến nghị đúng thời điểm và thích hợp, và/hoặc tiếp tục thực hiện trong thời gian tới thông qua Kế hoạch hành động toàn diện hậu FSAP.

Tuy nhiên, Báo cáo vẫn còn một số nội dung đánh giá, nhận định có sự khác biệt về quan điểm và cơ sở đánh giá giữa 2 bên, ví dụ như về tỷ lệ nợ xấu, sở hữu chéo, can thiệp của chính quyền trung ương và địa phương trong hoạt động cho vay của ngân hàng, công tác thanh tra giám sát ngân hàng. Những đánh giá này chưa thật sự phản ánh chính xác hoạt động của thị trường tài chính Việt Nam, một phần do các yếu tố rất đặc thù về mặt thể chế, lịch sử và cơ chế vận hành thị trường tài chính Việt Nam, một phần do các nỗ lực cải cách của Chính phủ chưa được ghi nhận một cách thỏa đáng vì thời điểm đánh giá diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, các biện pháp cải cách của Chính phủ lại mới bắt đầu đi vào triển khai, hoặc hiệu quả của các cơ chế và biện pháp đang áp dụng tại Việt Nam cần thời gian để chứng minh tính hiệu quả khi có sự khác biệt với thực tiễn quốc tế.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế để đánh giá bối cảnh thị trường tài chính Việt Nam mới phát triển ở giai đoạn đầu cũng có thể dẫn đến một số nhận định có sự khác biệt về quan điểm.

Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) do WB và IMF khởi xướng nhằm hỗ trợ các nước thành viên phân tích, đánh giá tổng quát hiện trạng, mức độ ổn định và phát triển của hệ thống tài chính trên cơ sở nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế, từ đó đề xuất các cải cách cần thiết nhằm làm cho hệ thống tài chính trở nên ổn định hơn và có khả năng chống đỡ rủi ro phát sinh từ bên ngoài và bên trong nền kinh tế, đồng thời kiến nghị các hoạt động nhằm tăng cường sự đóng góp của ngành tài chính vào tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo.

Chương trình được thực hiện bắt đầu từ năm 2012, và hoàn tất vào tháng 6 năm nay. Báo cáo trên là sự tổng hợp của chương trình FSAP trong đó đưa ra các đánh giá về khu vực tài chính, sự ổn định và tiềm năng phát triển của hệ thống tài chính.

Nguồn Theo DVO


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới