Hủy

Tạm trữ lúa gạo: Vì sao cung chưa gặp cầu?

Chủ Nhật | 14/07/2013 10:15

Nông dân chủ yếu bán lúa tươi tại ruộng, trong khi doanh nghiệp chỉ có khả năng mua gạo dẫn tới chương trình tạm trữ lúa gạo hiệu quả chưa cao.
 

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới lợi ích từ chương trình tạm trữ lúa gạo khó đến được trực tiếp tới người nông dân.
Không thể mua lúa

Nông dân các vùng ĐBSCL cho biết chủ yếu muốn bán lúa tươi tại ruộng do thiếu phương tiện vận chuyển và các công cụ phơi sấy.

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng cho rằng, cần mua tạm trữ lúa thì mới mua trực tiếp được với nông dân. Cùng quan điểm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An nói, cần mua tạm trữ lúa và cần hỗ trợ doanh nghiệp ký hợp đồng mua lúa với cánh đồng mẫu lớn. Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp nói thêm, doanh nghiệp nào không có hợp đồng bao tiêu với cánh đồng mẫu lớn thì chỉ hỗ trợ lãi suất khoảng 50%.

Không có kho chứa

Tuy nhiên, về phía các doanh nghiệp việc thu mua lúa là rất khó khăn do nông dân sản xuất nhỏ lẻ và thiếu kho chứa lúa. Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Trương Thanh Phong mới đây đưa ra lời cảnh báo, các doanh nghiệp, các địa phương đừng xây dựng thêm kho chứa lúa gạo nữa, đã thừa rồi. Số liệu của VFA, đến cuối năm 2012, tổng lượng kho chứa lúa gạo ở ĐBSCL là 5,38 triệu tấn, dự kiến cuối năm nay tăng lên 6,36 triệu tấn. Tuy nhiên, chủ yếu là kho chứa gạo.

Cuối năm 2012, kho chứa gạo là 4,36 triệu tấn, chứa lúa chỉ 1,02 triệu tấn (gần 19% tổng lượng kho), và cuối năm nay kho chứa gạo dự kiến 4,77 triệu tấn, chứa lúa 1,59 triệu tấn (25%).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Huỳnh Thế Năng, nhận xét kho không thể chứa lúa vì đầu tư không đồng bộ. Theo ông Năng, kho chứa hiện đại phải là một cụm dịch vụ lúa gạo có khả năng mua lúa tươi, sấy, cất vào kho và sau đó chế biến ra hạt gạo.

Do vậy, thực tế chương trình thu mua lúa gạo nước ta, các doanh nghiệp thu mua gạo từ các thương lái theo kế hoạch kinh doanh của mình, không mua trực tiếp từ nông dân, dẫn tới nông dân ít hưởng lợi.
Nông dân ít hưởng lợi

Ông Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương), nhận xét cách mua tạm trữ hiện nay không mang lại lợi ích trực tiếp cho nông dân, nhưng là cách làm đơn giản, dễ thực hiện. Theo ông, mỗi khi hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu mua gạo cũng đẩy được giá lúa tăng 100 - 200 đồng/kg, gián tiếp đem lợi ích đến với nông dân.

Tuy nhiên, không phải hộ nông dân nào cũng được hưởng lợi gián tiếp ấy. Trước hết là mùa vụ chênh lệch, thường lúa ở tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An gặt gần xong thì các tỉnh khác mới bắt đầu nên “được nơi này thì mất nơi khác”. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT giải thích, mua tạm trữ là giải pháp điều tiết cung cầu, can thiệp thị trường để giá không thấp hơn giá định hướng, chứ không phải trực tiếp hỗ trợ nông dân.

Những kiến nghị gắn chính sách mua tạm trữ với phát triển cánh đồng lớn chưa thực hiện được vì điều kiện vật chất (cụm dịch vụ, giao thông…) chưa có và nhất là chưa có nhiều thành viên của VFA tham gia cánh đồng mẫu lớn.

Nguồn Báo Nông nghiệp VN


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới