Hủy

Tăng bội chi NSNN và một số kịch bản cho nền kinh tế trong năm 2014 - 2015

Thứ Tư | 29/01/2014 16:00

Nếu chỉ dùng thêm nguồn lực từ nâng trần bội chi NSNN thì tăng đầu tư công giúp thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2014 (5,5 – 5,8%) là rất khó khăn.
 

Mới đây, Quốc hội đã thông qua đề xuất về việc nâng trần bội chi ngân sách nhà nước từ mức 4,8% GDP hiện nay lên 5,3% GDP cho năm 2013 – 2014 và sử dụng một phần bổ sung cho đầu tư.

Theo đó, hoạt động đầu tư từ nguồn NSNN sẽ được bổ sung thêm gần 17.000 tỷ đồng vào năm 2013 và gần 20.000 tỷ đồng vào năm 2014.

Bên cạnh đó, ngoài phần 75.000 tỷ đồng TPCP chưa được phát hành theo kế hoạch cho giai đoạn 2011 – 2015, Chính phủ cũng đề xuất phát hành bổ sung thêm 170.000 tỷ đồng TPCP cho giai đoạn 2014 – 2016 cho các dự án đang cần triển khai mà thiếu vốn.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng,với năm 2014 khi chưa có động lực tăng trưởng khác nếu chỉ dùng thêm nguồn lực từ nâng trần bội chi NSNN (0,5% GDP) thì việc tăng đầu tư công giúp thực hiện mục tiêu tăng trưởng hợp lý năm 2014 (5,5 – 5,8%) là rất khó khăn.

Một lo ngại khác là việc gia tăng nguồn lực cho đầu tư công có khả năng chèn lấn đầu tư của khu vực tư nhân. Ngay cả khi có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan Chính phủ liên quan đến vấn đề phát hành thêm TPCP, mức lãi suất TPCP phải tương đối hấp dẫn (so với lãi suất cho vay thông thường); khi đó thanh khoản của hệ thống ngân hàng có thể được dùng để mua TPCP và ít dành cho khối doanh nghiệp tư nhân hơn.

Đặc biệt, đáng lo ngại nữa là ảnh hưởng của việc nới trần bội chi NSNN và phát hành thêm TPCP đối với tính bền vững của NSNN. Nợ công của Việt Nam vẫn liên tục tăng về cả giá trị tuyệt đối cũng như so với GDP.

3 kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam khi nới bội chi NSNN và phát hành thêm TPCP

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Mạnh Hà và Nguyễn Anh Dương – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã đưa ra 3 kịch bản đối với nền kinh tế Việt Nam khi thực hiện việc nâng bội chi NSNN và phát hành TPCP bổ sung.

Kịch bản cơ sở là kịch bản dự báo cho nền kinh tế Việt Nam trong điều kiện “bình thường”, phù hợp với kỳ vọng chung về sự phục hồi kinh tế thế giới và tình hình phát triển kinh tế Việt Nam.

Kịch bản 1 khác kịch bản cơ sở ở chỗ lượng vốn đầu tư công đã tăng bằng với mức bổ sung được phê duyệt từ nâng trần bội chi NSNN và phát hành thêm TPCP.

Cụ thể, lượng vốn đầu tư công năm 2013 được bổ sung thêm 17.000 tỷ đồng sau khi Quốc hội phê duyệt việc nâng trần bội chi NSNN lên 5,3% GDP. Với năm 2014, mức tăng tương ứng là 77.000 tỷ đồng, trong đó 20.000 tỷ đồng từ việc nâng trần bội chi NSNN và 57.000 tỷ đồng từ phát hành TPCP bổ sung.

Với năm 2015, mực tăng vốn đầu tư so với kịch bản cơ sở là 57.000 tỷ đồng. Theo đó, mức tăng M2 các năm 2013, 2014 và 2015 lần lượt là 16%, 20% và 18%.

Kịch bản 2 được giả định rằng Việt Nam có thêm các nỗ lực cải cách pháp lý và môi trường đầu tư – kinh doanh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn trong giai đoạn 2014 – 2015.

Cụ thể, các điều ước quan trọng như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định mậu dịch tự do Việt Nam – EU… được ký kết và thực hiện ngay. Theo đó, vốn FDI vào Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 15% so với kịch bản cơ sở trong các năm 2013 – 2015. Trong khi đó, mức tăng vốn đầu tư công và M2 trong các năm 2013 – 2015 vẫn tương tự như kịch bản 1.

Tăng bội chi NSNN và một số kịch bản cho nền kinh tế trong năm 2014 - 2015 (1)

Hai chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh, việc bổ sung nguồn lực cho đầu tư công từ việc nâng trần bội chi NSNN các năm 2013 – 2014 và phát hành thêm TPCP sẽ giúp mang lại những chuyển biến tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trên các phương diện tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng xuất khẩu.

Tuy nhiên, rủi ro đi kèm sẽ là mức lạm phát cao hơn, thâm hụt thương mại lớn hơn, dù các rủi ro này có thể không nghiêm trọng như giai đoạn 2007 – 2008 hay 2010 – 2011.

Do vậy, việc bổ sung nguồn lực đầu tư công phải đi kèm với các nỗ lực cải cách hướng tới nâng cao sử dụng hiệu quả nguồn lực này, đồng thời tạo thêm tác động lan tỏa tích cực đối với khu vực kinh tế tư nhân trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài – Chuyên gia kinh tế Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh.

Khánh Linh

Nguồn CafeF


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới