Hủy

Tăng trưởng 2013 với dấu ấn dịch vụ

Thứ Tư | 25/12/2013 09:58

“Tuy gặp rất nhiều khó khăn, song nền kinh tế năm 2013 vẫn giữ được các cân đối lớn ở mức hợp lý”.
 

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (GSO) Nguyễn Bích Lâm có nhận định như vậy tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội năm 2013, diễn ra ngày 23/12, tại Hà Nội.

Cụ thể, tăng trưởng GDP năm 2013 đạt 5,42%, tuy thấp hơn mục tiêu nhưng đã cải thiện so với năm trước. Trong khi đó, lạm phát được kiểm soát với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm chỉ tăng 6,04%, thấp hơn năm ngoái, tỷ giá ổn định, lãi suất thị trường giảm mạnh so với năm trước. Đáng chú ý là cán cân thương mại được cải thiện với năm thứ hai liên tiếp xuất siêu, ở mức 863 triệu USD, theo ước tính của Tổng cục Thống kê. Đây là điều kiện để dự trữ ngoại hối tăng cao…

Tuy nhiên, điểm đáng nói trong bức tranh tăng trưởng của năm nay là khu vực dịch vụ có đóng góp lớn. Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho hay: Khu vực dịch vụ tăng khá, trong đó tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7 và điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, học phí… khiến những hoạt động quản lý nhà nước, y tế, giáo dục có nguồn lực tăng khá. Kết quả là khu vực dịch vụ đóng góp tới 2,85 điểm phần trăm tăng trưởng, chiếm 52,5% giá trị tăng trưởng GDP năm 2013.


Khu vực dịch vụ đóng góp 52,5 % giá trị tăng trưởng GDP năm 2013

Cũng ông Tuyến cho hay, năm 2013 Tổng cục Thống kê đã thay đổi cách tính GDP khi bổ sung thêm giá trị dịch vụ ngân hàng và dịch vụ nhà tự có tự ở của dân cư. “Trước kia chưa tính thì nay phải tính cho hợp lý hơn chứ không phải Tổng cục Thống kê thay đổi phương pháp tính như nhiều ý kiến đề cập”, ông Tuyến giải thích. Lý do cũng được vị này nêu thêm là từ nhiều năm nay, hoạt động ngân hàng đã phát triển nhanh…

Riêng khu vực ngân hàng, sau khi được điều chỉnh tăng thêm đã có tỷ trọng trong GDP tới 5,36% trong năm 2013, từ mức 1,82% của năm 2012. Tương tự, tỷ trọng của dịch vụ nhà ở tự có của dân cư trong năm 2013 là 3,96% GDP. Ông Tuyến cho biết, các lĩnh vực này chiếm tỷ trọng cao hơn nhưng có tốc độ tăng trưởng “bình bình” nên không có đóng góp nhiều vào tăng trưởng GDP của năm nay. “Đóng góp lớn vào GDP năm nay đến từ khu vực dịch vụ, nhưng chủ yếu do các dịch vụ công như y tế, giáo dục, hay quản lý nhà nước như tăng lương chứ không phải từ hoạt động ngân hàng”, ông Tuyến nói rõ thêm.

Cũng đóng góp vào tăng trưởng GDP năm nay là lĩnh vực xuất nhập khẩu, khi xuất siêu năm 2013 được ước tính đạt cao hơn năm trước. Điểm sáng, theo Tổng cục Thống kê, là hơn 90% kim ngạch nhập khẩu thuộc nhóm hàng máy móc thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất. Điều này chứng tỏ sản xuất dần hồi phục. Tuy nhiên, cơ cấu nhập khẩu và xuất khẩu cho thấy có vấn đề.

“Chúng ta đang nhập khẩu khá nhiều hàng đã qua gia công và hàng bán thành phẩm từ Trung Quốc về để sản xuất hàng xuất khẩu. Như vậy, xuất khẩu vừa không có giá trị gia tăng cao, nhưng cũng cảnh báo hiện tượng xuất khẩu hộ Trung Quốc”, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho hay. Theo tính toán của cơ quan này, dù xuất siêu nhưng chênh lệch XNK chỉ đóng góp 0,08 điểm phần trăm GDP.

Cũng cho rằng, nền kinh tế cũng còn nhiều bất cập, ông Lâm lưu ý, tăng trưởng đã được cải thiện so với năm 2012 nhưng chất lượng tăng trưởng chưa cao và chưa bền vững. Đóng góp của yếu tố vốn và lao động trong tăng trưởng GDP còn lớn. Năng suất lao động của Việt Nam đạt thấp, có xu hướng giảm trong những năm gần đây và thấp hơn nhiều các nước trong khu vực và châu Á: thấp hơn Indonesia 10 lần, Malaysia 20 lần, Thái Lan gần 30 lần và Nhật Bản 135 lần.

Trong bối cảnh năng suất lao động tăng thấp, GDP tăng có đóng góp lớn của lương (mức tăng lương cao hơn tăng năng suất lao động) làm giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Đã vậy, chất lượng lao động có dấu hiệu suy giảm... Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2013, cả nước có 60.737 DN ngừng hoạt động, giải thể, trong đó có 9.818 DN đã giải thể.

Ngay cả sự ổn định của tỷ lệ lạm phát, được duy trì hai năm nay, thì ý kiến từ các chuyên gia vẫn khẳng định chưa thật bền vững. Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), CPI cả năm 2013 tăng 6,04% đã là mức cao. Chính phủ nên sớm đưa ra cam kết tiếp tục kiểm soát lạm phát.

Cũng tại cuộc họp báo trên, các chuyên gia của Tổng cục Thống kê nhận định: năm 2013, xăng dầu giảm giá 4 lần nhưng tăng tới 6 lần và mức giảm giá thấp hơn mức tăng giá. Việc điều chỉnh giá xăng dầu vừa qua sẽ tác động vào CPI tháng 1/2014 với mức tăng khoảng 0,1%. Bên cạnh đó, trong năm 2014 sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình tăng giá một số mặt hàng, dịch vụ công. Bên cạnh đó, tỷ lệ thâm hụt ngân sách tăng và việc tăng phát hành trái phiếu Chính phủ cũng sẽ ảnh hưởng đến lượng tiền trong lưu thông, làm CPI tăng thêm đôi chút…

Linh Linh

Nguồn Thời báo Ngân hàng


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới