Hủy

Tập đoàn tư nhân phải là trụ cột kinh tế!

Hoàng Hạnh Thứ Tư | 31/05/2017 12:28

Trong nền kinh tế hội nhập như hiện nay, Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tự thay đổi, ít nhất là để có thể tồn tại.
 

“Trong 5 năm tới, phải bàn nhiều hơn để phát triển những tập đoàn lớn vì chính họ là động lực rất mạnh để phát triển doanh nghiệp’’, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định cùng NCĐT khi trao đổi về định hướng phát triển kinh tế tư nhân tại ViệtNam. Theo đó, phải tạo lập một thị trường mà trong đó các tập đoàn kinh tế tư nhân sẽ đóng vai trò trụ cột. Đi cùng với đó là hệ thống chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Tăng trưởng GDP của kinh tế tư nhân đang giảm

Sau 30 năm, nền công nghiệp Việt Nam chưa tạo ra được sản phẩm gì đáng kể buộc chúng ta phải nhìn nhận thẳng vào một sự thật khác, cũng đáng buồn không kém, là doanh nghiệp tư nhân Việt đang còn rất yếu, chưa thể trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế như kỳ vọng.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên đã gợi ý tìm lời giải cho câu hỏi trên. Đó là tạo điều kiện cho tập đoàn kinh tư nhân phát triển, lớn mạnh để làm trụ cột cho khối doanh nghiệp này. Vị chuyên gia phân tích, số lượng doanh nghiệp của Việt Nam (477.808 doanh nghiệp tính tới ngày 31.12.2016) không phải là ít, so với quy mô dân số cũng như trình độ phát triển kinh tế hiện tại. Thế nhưng, chúng ta lại không thấy lực lượng doanh nghiệp Việt thể hiện một cách rõ rệt. Điều này có 2 lý do.

Thứ nhất, chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó gần 60% có quy mô rất nhỏ, vốn cũng như điều kiện kỹ thuật rất lạc hậu. Thực lực yếu cộng với việc các doanh nghiệp không tạo nên được chuỗi liên kết với nhau và liên kết với nước ngoài dưới danh nghĩa doanh nghiệp Việt nên dù số lượng không nhỏ, doanh nghiệp Việt không tạo được sức mạnh như đàn kiến, cố kết với nhau tạo thành một quả cầu để băng qua suối. Đồng nghĩa, chúng ta không đủ năng lực để cạnh tranh.

Thứ hai, Việt Nam thiếu những doanh nghiệp đầu đàn, những trụ cột, để các doanh nghiệp nhỏ liên kết vào, tạo thành một thế lực. Ở Việt Nam, kể cả nhiều doanh nghiệp lớn có tạo thêm được một vài doanh nghiệp thì cũng chỉ thuộc phạm vi những doanh nghiệp, tập đoàn ấy. Như vậy, cả về trụ cột lẫn năng lực liên kết, các doanh nghiệp Việt đều thiếu.

Trong khi đó, thực tế hiện nay ghi nhận nỗ lực của các nhà quản lý trong các chính sách để tăng số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I/2017, cả nước có 26.478 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, song cũng có tới 23.904 doanh nghiệp đã giải thể, tương đương 10 doanh nghiệp khai sinh thì 9 doanh nghiệp khai tử.

Tap doan tu nhan phai la tru cot kinh te!

Từ một nền kinh tế thiếu doanh nghiệp, chuyển sang một nền kinh tế doanh nghiệp được coi là tăng trưởng tốt mà doanh nghiệp “chết” nhiều như vậy là rất bất thường. Và nếu doanh nghiệp cứ sinh ra rồi chết đi, sẽ có rất ít những doanh nghiệp trưởng thành, kéo theo nền kinh tế khó trưởng thành.

Điều đáng lo ngại không kém là cách tiếp cận vấn đề như vậy có thể mang tới những rủi ro cho những nỗ lực thúc đẩy nội lực của kinh tế Việt Nam. Bởi một nền kinh tế chỉ có những nguồn lực nhất định về không gian chính sách, tiếp cận tín dụng..., càng nhiều doanh nghiệp trông vào đó, cơ hội của các doanh nghiệp mới thành lập càng ít đi. Thực tế, tỉ trọng đóng góp GDP của kinh tế tư nhân luôn lớn nhất so với các thành phần kinh tế khác và duy trì ổn định ở mức 39-40%.

Tuy nhiên, theo số liệu của Ban Kinh tế Trung ương, tốc độ tăng trưởng GDP của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây (giai đoạn 2003-2010 là 11,93%; giai đoạn 2011-2015 là 7,54%) có đến 97% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tỉ lệ thua lỗ, phá sản còn khá cao, bình quân giai đoạn 2007-2015 là 45%.

“Tư duy ở đây nên là làm cho nền kinh tế trưởng thành lên bằng cách làm cho doanh nghiệp lớn lên chứ không phải lúc nào cũng chỉ là những doanh nghiệp mới thành lập. Từ cách tiếp cận ấy, ví dụ, song song với việc đặt mục tiêu có 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020 của TP.HCM, phải thêm một mục tiêu nữa là tạo nên 50 hay 100 doanh nghiệp thật lớn”, Tiến sĩ Trần Đình Thiên khuyến nghị.

Tập đoàn tư nhân phải là trụ cột kinh tế

Những bảng xếp hạng tỉ phú của Việt Nam liên tiếp được công bố thời gian qua có thể coi như một làn gió tốt lành cho niềm tin về sự phát triển của doanh nghiệp Việt. Nhưng khi những lợi thế về chính sách, tiếp cận nguồn lực đất đai, vốn... của nhiều tập đoàn có thể thấy rất rõ, thì sức lan tỏa, khả năng dẫn dắt các doanh nghiệp khác của họ thể hiện vô cùng mờ nhạt.

Trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, số “tập đoàn” thực sự rất ít, các lĩnh vực hoạt động còn hạn chế, nhất là trình độ kỹ nghệ, công nghệ và quản trị còn ở khoảng cách rất xa so với thế giới. Điều này xảy ra, không phải vì họ không có tiềm lực. Vấn đề ở đây là doanh nghiệp lớn chưa có động lực để giữ vai trò trụ cột, dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ. Và theo nhiều góc độ nhìn nhận, họ vẫn tận dụng được nhiều khe hở chính sách, cơ hội mang tính đầu cơ quá cao mà chưa lựa chọn những đầu tư dài hơi và bền vững.

Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu cải thiện tình trạng này. Việc thanh tra “đất vàng” bị chuyển đổi mục đích sau cổ phần hóa vừa qua có thể coi là một thông điệp chính sách, chứng tỏ, phía quản lý không dễ dãi, sơ suất hay bị chi phối theo lợi ích nhóm nữa. Khi các nhà quản lý chính sách có những động thái siết chặt khe hở chính sách ngăn chặn đầu cơ, doanh nghiệp tiếp nhận động thái từ phía quản lý và có sự chuyển hướng tích cực. Khi đó, khả năng doanh nghiệp lựa chọn trở thành một doanh nghiệp đầu đàn hoặc trụ cột cho phát triển sẽ được lập ra.

Bài học Hàn Quốc dẫn ra như một mô hình để Việt Nam học tập. Chủ trương hỗ trợ tập đoàn tư nhân (chaebol), đẩy những doanh nghiệp này cạnh tranh trên thị trường quốc tế, khuyến khích cạnh tranh bằng công nghệ đã khiến kinh tế Hàn Quốc từ con số 0 trở thành nền kinh tế phát triển hùng mạnh. Theo đó, về mặt công nghệ, Hàn Quốc lập ra Viện Nghiên cứu Phát triển. Chính phủ cũng hỗ trợ các trung tâm nghiên cứu phát triển của các chaebol. Về mặt thị trường, chính sách của Hàn Quốc khuyến khích, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển các thị trường nước ngoài, kèm với đó là sự trừng phạt. Doanh nghiệp cam kết sản lượng và chất lượng hàng xuất khẩu; đổi lại, Chính phủ đồng ý ưu đãi về vốn vay, chính sách chỉ khi doanh nghiệp đạt được mục tiêu đó. Nếu không đạt, sẽ không nhận được ưu đãi, thậm chí bị phạt.

Tất nhiên, vẫn phải nhìn thẳng vào sự thật, tập đoàn kinh tế Việt Nam đã được xây dựng theo mô hình tương tự, với tham vọng tương tự nhưng không thành công. Điều này phản ánh hạn chế của cả Nhà nước lẫn thị trường, căn nguyên đến từ mô hình tổ chức nền kinh tế với điểm yếu nhất là tổ chức phân bố nguồn lực.

Hệ quả là chúng ta đang phải vật lộn rất khó khăn để thực hiện cuộc cải cách mạnh mẽ trong khối doanh nghiệp này. Dù có lợi thế của người đi sau, có những kinh nghiệm thất bại làm bài học nhưng để nền kinh tế thay đổi về chất là rất khó. Tuy nhiên, trong nền kinh tế hội nhập như hiện nay, Việt Nam cũng không còn lựa chọn nào khác, ngoài việc phải tự thay đổi, ít nhất là để có thể tồn tại.

Hoàng Hạnh


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới