Hủy

Thái Nguyên tồn đọng hơn 1 triệu tấn quặng

Thứ Hai | 13/05/2013 12:18

Hơn 1,389 triệu tấn quặng sắt, titan, chì, kẽm… hiện đang tồn đọng, chất cao thành núi ở Thái Nguyên.
 

Mặc dù từ đầu năm 2013, Bộ Công thương đã cho phép 13 doanh nghiệp tại Thái Nguyên xuất khẩu 759.500 tấn quặng nhưng cũng không xuất được do bị phía Trung Quốc “ép giá”.

Theo ông Vũ Mạnh Hùng, phó tổng giám đốc công ty Liên doanh kim loại màu Việt Bắc, cứ mỗi lần Việt Nam “nới” xuất khẩu, thì giá nhập quặng chì của phía Trung Quốc lại giảm mạnh.

Đầu năm 2012 (khi cấm xuất khẩu), giá quặng chì (đã giảm) là 2.700 nhân dân tệ/tấn, nhưng đến khi cho xuất trở lại thì giá lập tức giảm, chỉ còn 2.200 nhân dân tệ/tấn. Do giá quặng giảm sâu, nên công ty mới chỉ xuất sang Trung Quốc được một lô quặng 2.000 tấn và phải bán dưới giá thành, chấp nhận lỗ 1,9 triệu đồng/tấn.

Hiện nay, tại Thái Nguyên, các loại khoáng sản khác như quặng sắt nghèo (hàm lượng dưới 55%), quặng titan đã qua chế biến sâu, quặng chì, kẽm đã tinh chế... đều trong tình trạng tồn kho, bị “ép giá” tương tự.

Ông Hùng nhẩm tính, do bị “ép giá” nên dù xuất hết 28.000 tấn quặng chì, kẽm đang tồn kho (được phép xuất), công ty chỉ thu được khoảng 220 tỉ đồng. Nếu trừ hết các chi phí sản xuất, trả nợ vay… thì không còn lãi.

Một cán bộ chuyên trách của sở Công thương tỉnh Thái Nguyên cho biết, từ năm 2011 đến nay, do tiêu thụ sản phẩm kim loại khó khăn nên các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đều bị tồn đọng lớn, vì giá đã giảm quá sâu, tới 50 - 60%, cứ xuất là lỗ.

Còn để chế biến sâu, ông Hùng cho biết, doanh nghiệp cần lượng vốn rất lớn để đầu tư vào mỏ nguyên liệu, nhà xưởng, dây chuyền công nghệ.

Nguồn SGTT


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới