Hủy

Tham vọng hóa dầu của SCG

Lam Hồng Thứ Hai | 29/01/2018 14:00

Trong tham vọng mở rộng tại thị trường ASEAN, SCG vẫn miệt mài thực hiện các thương vụ M&A ngày càng lớn hơn.
 

 Nâng ngân sách mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam lên hàng tỉ USD, Siam Cement Group (SCG) Thái Lan đã có mặt tại 21 công ty tại Việt Nam. Trong tham vọng mở rộng tại thị trường ASEAN, SCG vẫn miệt mài thực hiện các thương vụ M&A ngày càng lớn hơn.

6 tỉ USD dành cho ngân sách M&A
SCG vừa ra thông báo về kết quả hoạt động kinh doanh trước kiểm toán năm 2017. Theo ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Tập đoàn SCG, doanh thu bán hàng của SCG  tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 300.614 tỉ đồng (13.286 triệu USD) nhờ giá hóa chất tăng, lợi nhuận trong kỳ đạt 36.694 tỉ đồng (1.622 triệu USD) giảm 2% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do sự cạnh tranh mạnh mẽ trong lĩnh vực xi măng - vật liệu xây dựng.

Tính riêng trong quý IV/2017, doanh thu bán hàng của SCG tăng 14% so với cùng kỳ năm trước và tăng nhẹ 1% so với quý trước, đạt 75.600 tỉ đồng (3.442 triệu USD), chủ yếu nhờ giá thành sản phẩm hóa dầu tăng. Lợi nhuận trong kỳ đạt 8.378 tỉ đồng (381 triệu USD), tăng 1% so với năm trước và 6% so với quý trước.

Tại thị trường Việt Nam, doanh thu bán hàng của SCG trong quý IV/2017 đạt 6.518 tỉ đồng (297 triệu USD), bao gồm cả doanh thu bán hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu từ Thái Lan, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ ngành bao bì và các sản phẩm vật liệu xây dựng. Tổng doanh thu bán hàng năm 2017 đạt 25.703 tỉ đồng (1.136 triệu USD).

Hiện nay, SCG đã mở rộng đầu tư đa ngành tại Việt Nam bao gồm các lĩnh vực xi măng - vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì với khoản đầu tư lên tới 700 triệu USD. Công ty con và liên kết nổi bật của SCG tại Việt Nam bao gồm Viet - Thai Plastchem (66%), TPC Vina Chemical and Plastic Corporation (63%), Chemtech (91%), Minh Thai House Component (73%) và Nhựa Bình Minh (20%). Chủ tịch Kan Trakulhoon của Tập đoàn SCG từng khẳng định sẽ tiếp tục rót thêm vốn đầu tư và thâu tóm, nhằm chiếm thị phần tại Việt Nam. Ngân sách chi cho M&A đến năm 2020 tại Việt Nam của SCG lên đến 5-6 tỉ USD. 

Với chiến lược M&A mạnh mẽ các công ty đầu ngành, SCG đã nâng số công ty đang hoạt động tại Việt Nam lên 21, bao phủ các ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn. Theo lãnh đạo SCG, chiến lược kinh doanh của Tập đoàn trong 5 năm tới là tiếp tục ưu tiên rót vốn đầu tư vào các dự án chế biến lọc hóa dầu và các sản phẩm hóa dầu tại Việt Nam.

Tham vong hoa dau cua SCG
 

Đáng chú ý, SCG hiện nắm 71% vốn tại Công ty Hóa dầu Long Sơn với khoản đầu tư tương đương 1.152 tỉ đồng. SCG vừa đề nghị cho phép được mua lại toàn bộ phần vốn góp (29%) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại dự án này. Theo lãnh đạo SCG, chiến lược kinh doanh của Tập đoàn trong 5 năm tới là tiếp tục ưu tiên rót vốn đầu tư vào các dự án chế biến lọc hóa dầu và các sản phẩm hóa dầu tại Việt Nam. 

Đây là chiến lược trong bối cảnh kinh tế của Thái Lan phục hồi chậm đã dẫn đến sự suy giảm trong lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng. Năm 2017, nhu cầu xi măng tại Thái Lan giảm 5%. Vì vậy, để đa dạng hóa hoạt động, SCG đã ngày càng mở rộng sang các nước trong khu vực, xây dựng các nhà máy xi măng tại Campuchia, Indonesia, Lào và Myanmar.

SCG đặt hy vọng các nước đang phát triển này sẽ được hưởng sự bùng nổ trong xây dựng trong những năm tới. Công ty cũng đang xúc tiến đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực bao bì khi mua lại 68,3% cổ phần của công ty bao bì Malaysia là Interpress Printers Sendirian Berhad với giá 104,5 triệu ringgit (26,5 triệu USD). “Việc mua lại này sẽ giúp SCG phát triển sản phẩm bao bì thức ăn nhanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang tăng nhanh của ASEAN“, ông Roongrote cho biết thêm.

Chốt thương vụ hóa dầu Long Sơn
Long Sơn là đích ngắm phù hợp với chiến lược tại ASEAN của SCG. Còn nhớ, SCG từng tìm đối tác mới trong dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn tại Bà Rịa - Vũng Tàu sau khi đối tác là Qatar Petroleum International rút ra năm 2015. Tuy nhiên, cuối cùng, SCG đã quyết định mua lại số 25% cổ phần của Qatar Petroleum. Giá dầu lao dốc vào năm 2014 đã khiến đối tác Qatar Petroleum phải xem xét lại quyết định đầu tư vì doanh thu sụt giảm quá mạnh. 

Bên cạnh đó, đề nghị mua lại phần vốn góp của PVN được đưa ra sau 9 tháng, kể từ thời điểm SCG cùng với PVN đã đặt bút ký lại Hợp đồng liên doanh và Điều lệ công ty để chính thức trở thành 2 nhà đầu tư lớn trong Dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam (cuối tháng 3.2017). Điều này cho thấy quyết tâm rất lớn của SCG trong mảng lọc hóa dầu tại Việt Nam.

 Với tổng trị giá xấp xỉ 5,4 tỉ USD, lãnh đạo SCG nhận định đây là dự án đầu tư có quy mô lớn nhất của Tập đoàn tại khu vực ASEAN cùng với việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật hàng đầu, được chứng nhận trên toàn thế giới. Long Sơn là tổ hợp hóa dầu thứ ba tại Việt Nam, sau các nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn, có quy mô sản xuất lớn với công suất lên tới 1,6 triệu tấn/năm. Theo kế hoạch, dự án hóa dầu Long Sơn sẽ được xây dựng trong 4,5 năm và bắt đầu hoạt động thương mại vào khoảng nửa đầu năm 2022. Tổ hợp này cũng sẽ đóng góp cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ngân sách quốc gia ước khoảng 115 triệu USD mỗi năm (khoảng 2.500 tỉ đồng) trong suốt 30 năm từ khi đi vào hoạt động. 

Các sản phẩm của tổ hợp này là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như bao bì, tơ sợi, ô tô, điện tử… dự kiến sẽ thay thế các sản phẩm nhập khẩu ở Việt Nam. Dự án có tỉ lệ hoàn vốn nội bộ vào khoảng 13-14%. Tổ hợp này có nhiều sản phẩm chiến lược của SCG tại khu vực, đặc biệt với các sản phẩm hạ nguồn như hạt nhựa PE, PP, XLPE, nhựa PVC và hợp chất...

Tham vong hoa dau cua SCG
Lọc dầu Dung Quất

Ngoài nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) đã đi vào hoạt động, cả nước còn 4 dự án lọc hóa dầu khác theo quy hoạch và đang triển khai gồm dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) với vốn đầu tư 9 tỉ USD, dự án tại Vũng Rô (Phú Yên) với vốn đầu tư 3,2 tỉ USD, dự án Nam Vân Phong (Khánh Hòa) với vốn đầu tư 8 tỉ USD, dự án Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) vốn đầu tư 5,4 tỉ USD.

Bên cạnh những dự án dang dở do chậm tiến độ hoặc không thể triển khai, một số dự án lọc hóa dầu tại Việt Nam đang cho thấy những kết quả kinh doanh đầy triển vọng. Chẳng hạn, báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2017 cho thấy, dự án lọc dầu Dung Quất đạt doanh thu khoảng 21.000 tỉ đồng, tương đương gần 1 tỉ USD và đạt 30% kế hoạch năm. Lợi nhuận doanh nghiệp này thu về trong quý đầu năm 2017 đạt khoảng 1.800 tỉ đồng và đóng góp ngân sách hơn 2.400 tỉ đồng.

Báo cáo của Mackenzie cho thấy nhu cầu xăng dầu của Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình 5,6%/năm trong giai đoạn 2015-2025 và 3,7%/năm trong giai đoạn năm 2025-2035. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn nhiều so với mức tăng 1,5% của thế giới năm 2016. Nguyên nhân là nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh, dân số trẻ và thu nhập bình quân đầu người tăng. Thị trường xăng dầu trong nước còn nhiều dự địa để phát triển, tạo cơ hội cho các công ty lọc hóa dầu trong tương lai. Dự báo đến năm 2035, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu xăng dầu do sản xuất nội địa chỉ đáp ứng được 60-70% nhu cầu trong nước...

Những con số này đã giải thích rất rõ ràng tham vọng của SCG khi tung hàng tỉ USD vào thị trường lọc hóa dầu tại Việt Nam


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới