Hủy

Thành viên sáng lập ACB Trần Mộng Hùng trả lời những câu hỏi nóng về ACB

Thứ Sáu | 14/09/2012 14:50

Ông Trần Mộng Hùng, một trong những người sáng lập ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã có những trao đổi về các vấn đề nóng của ACB.
 

ACB và thanh khoản vàng

Đang có thông tin ACB không cân đối được trạng thái vàng do bị rút vàng vừa qua. Thực sự như thế nào, thưa ông?

Khoảng 20% vốn huy động của ACB bằng vàng. Khi khách hàng rút tiền, một số người rút cả vàng và ngoại tệ. Cùng với lượng vàng đang có của mình, ACB cũng được ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng bạn kịp thời cho vay tiền, vàng đủ để chi trả khi người dân có nhu cầu rút tiền, vàng. Theo chỗ tôi được biết, ACB chưa sử dụng hết hạn mức cho vay đó.

Thực tế, ACB không mất cân đối trạng thái vàng. Trước đây khi tham gia bình ổn giá vàng, ACB được phép mua vàng trên tài khoản ở nước ngoài. Bán trong nước bao nhiêu, ngân hàng mua ở nước ngoài bấy nhiêu. Cân đối giữa số vàng huy động trong nước đã bán và số vàng ACB đã mua theo nghiệp vụ kinh doanh tài khoản vàng ở nước ngoài được NHNN cho phép, ACB không âm một lượng nào.

ACB đang xin phép Chính phủ và NHNN cho nhập số vàng của ACB đã mua. Trong khi chưa được nhập, phải mua vàng trong nước để bù đắp dự trữ thanh khoản vàng đảm bảo nhu cầu sử dụng vốn bằng vàng của ACB.

Nếu không được nhập khẩu, có thể hiểu ACB sẽ phải tiếp tục mua vàng trong nước. Với sự chênh lệch giá vàng nội – ngoại hiện nay, việc mua từ thị trường trong nước có thể dẫn đến lỗ lã, đúng không thưa ông?

Đúng thế. Tuy nhiên số lỗ, nếu có, không lớn so với lợi nhuận đạt được 8 tháng và cả năm của ACB.

Lợi nhuận và rủi ro

Dẫu vậy khả năng đạt chỉ tiêu lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng?

Khả năng đạt kế hoạch lợi nhuận là khó, nhưng quan trọng nhất là đáp ứng các tiêu chí an toàn tài chính. Định hướng hoạt động an toàn, bền vững, lợi nhuận hợp lý của ACB chưa có gì thay đổi.

Vừa qua, từng thời điểm, dưới một số tác động của một vài cá nhân, kế hoạch phát triển ngắn hạn có thể chệch hướng chiến lược. Việc xác lập chỉ tiêu tăng trưởng phải hợp lý, phù hợp tình hình, bối cảnh chung. Nếu chủ quan, xác lập chỉ tiêu kế hoạch duy ý chí, thì sẽ rủi ro. Nhìn nhận lại, qua sự cố này, chỉ tiêu lợi nhuận, nếu không đạt vẫn sẽ cao hơn những năm trước và hoàn toàn không ảnh hưởng đến vốn của cổ đông, tiền gửi của khách hàng vẫn an toàn, ACB sẽ tiếp tục phát triển vững chắc.
Sự kiện xảy ra cho thấy trên thực tế ACB đã chạm trán rủi ro. Phải chăng chiến lược của ngân hàng đã khác đi, không chỉ đơn thuần là chệch hướng? Ý chúng tôi là ACB đã đầu tư vào không ít doanh nghiệp…?

Chiến lược của ACB tập trung vào mảng ngân hàng bán lẻ, không đầu tư vào doanh nghiệp và tổ chức tín dụng khác. Sự việc xảy ra là do tính toán của một vài cá nhân, không phải chủ trương của ngân hàng.

Trường hợp của ông Nguyễn Đức Kiên chỉ là cá biệt. Các quy trình, quy chuẩn tín dụng của ACB đã có từ lâu. Các khoản vay của ông Kiên thông qua các công ty con đều có tài sản thế chấp. Tuy nhiên việc thu hồi vốn phải có thời gian.

Cho vay cầm cố chứng khoán, kể cả cổ phiếu ngân hàng, hiện ACB chưa sử dụng hết hạn mức quy định cho phép. Còn có một vài tổ chức, cá nhân sử dụng tiền vay sai mục đích, và dĩ nhiên họ cũng không nói là vay để đi thâu tóm ngân hàng, phải phân tích sâu, tìm hiểu kỹ nguồn gốc dòng tiền mới có thể kết luận được.

Còn có những khoản sử dụng vốn rủi ro khác nữa, thưa ông?

Ông Lý Xuân Hải đã cho ký hợp đồng uỷ thác cho 19 nhân viên để thực hiện việc nhận 718 tỷ đồng của ACB, để gửi vào ngân hàng Công thương. Số tiền gửi này đã quá hạn. ACB đã tổ chức thực hiện việc khởi kiện yêu cầu ngân hàng Công thương hoàn trả tiền.

Giả sử ngay cả khi không được hoàn trả, ACB hoàn toàn có thể trích lập dự phòng rủi ro từ nguồn lợi nhuận đã có tám tháng đầu năm là 2.300 tỷ đồng. Sự cố này không ảnh hưởng đến cổ đông cũng như người gửi tiền.

Có “chệch hướng”?

Sự “chệch hướng” ngắn hạn như ông đề cập, đã để lại cho ACB nhiều bài học?

Tôi luôn khuyến nghị hội đồng quản trị, hội đồng tín dụng, hội đồng đầu tư ACB tập trung vào nghiệp vụ ngân hàng thương mại; rà soát lại các công ty con, công ty liên kết. Nếu có đầu tư thì phải thoái vốn toàn bộ. Liên kết với các ngân hàng khác là cần thiết, hỗ trợ nhau trên cơ sở cùng có lợi, nhưng không nhất thiết phải có vốn trong những ngân hàng đó.

Sự “chệch hướng” không chỉ trong lĩnh vực đầu tư, nó đã lan cả sang kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng.

Đối tượng khách hàng mục tiêu của ACB là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cá nhân có thu nhập trung bình và ở địa bàn phù hợp với năng lực quản trị của hệ thống ACB. Ngoài ra, ACB kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng. Phải thấy rằng trong điều kiện bình thường, cho vay liên ngân hàng ít rủi ro. Bây giờ thì khác. Vay liên ngân hàng phải có tài sản đảm bảo. Nhiều ngân hàng vay liên ngân hàng không phải để bù đắp thanh khoản ngắn hạn tạm thời. Một số đến hạn không trả, kéo dài dây dưa, từ rủi ro kỳ hạn dẫn đến rủi ro nguồn vốn.

Tôi luôn nhắc nhở anh em không chạy theo tăng trưởng tổng tài sản với quy mô lớn, gây áp lực lên việc sử dụng vốn sao cho hiệu quả, an toàn. Đồng vốn cho vay ra đi không đúng địa chỉ là vô cùng rủi ro.

Ông là người có kinh nghiệm trong ngân hàng. Vì sao ông rút khỏi hội đồng quản trị vào thời kỳ kinh doanh nhiều rủi ro như thế?
Lúc bấy giờ tôi đã tham gia tổ chức được một bộ máy quản trị điều hành mà tôi an tâm. Nhưng thực ra đó mới là ý muốn chủ quan của mình. Trong quá trình vận động, một vài người đã tác động không phù hợp tới chiến lược ngân hàng.

Tháng 3 năm sau nhiệm kỳ của hội đồng quản trị hiện hành chấm dứt. Khi đó hội đồng quản trị cũ phải có báo cáo đánh giá công việc và cổ đông sẽ là người quyết định hội đồng quản trị mới. Các thành viên cần tự rút ra bài học, cần có tầm nhìn dài hạn, không chạy theo lợi ích trước mắt.
ACB đã từng chạy theo lợi ích trước mắt chưa, thưa ông?

Nếu có thời điểm nào đó ngân hàng phát triển không bình thường, có thể có lý do đặc thù kinh tế Việt Nam có sự khác biệt. Chẳng hạn tổ chức, cá nhân có điều kiện thâm nhập, muốn sử dụng ngân hàng cho mục đích khác. Tôi tin các cơ quan quản lý đã nhận ra vấn đề và sẽ xác lập lại trật tự để hoạt động ngân hàng đi vào nề nếp theo quy định của pháp luật.

Ông có nghĩ rằng một phần rủi ro liên quan đến đạo đức kinh doanh ngân hàng?

Đạo đức kinh doanh là vấn đề lớn. Với ngân hàng, đạo đức kinh doanh phải được đặt lên hàng đầu, đảm bảo an toàn tiền gửi của dân và vốn của cổ đông. Trách nhiệm của ngân hàng phải kinh doanh đúng pháp luật, đồng thời lợi nhuận kiếm được một cách chính đáng.
Đã có bao giờ, trong một thời khắc nào đó, ông nhận ra trong những đồng tiền lợi nhuận của ACB có đồng không chính đáng?

Lợi nhuận phải được phân phối hợp lý giữa những người tham gia tạo ra nó. Hài hoà lợi ích của cổ đông, của khách hàng, của nhân viên, và của cộng đồng xã hội từ đó tạo ra đồng tiền chính đáng. Tôi nghĩ ACB đã làm đúng theo nguyên tắc này trong quá trình kinh doanh.

Nguồn SGTT


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới