Hủy

Thị trường chứng khoán Việt Nam: Điều gì ở phía trước?

Thứ Bảy | 15/03/2014 07:31

Với tổng mức vốn hóa của cả 2 sàn Hà Nội và Tp.HCM là 55 tỷ USD, Việt Nam đang tăng cường thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư.
 

Đó là tiêu đề một bài viết mà FinancialAsia - tạp chí tài chính hàng đầu Châu Á – vừa đăng tải hôm 13/3, trích dẫn bài phân tích của CTCK Sài Gòn (SSI) về những tiến triển về mặt vĩ mô của Việt Nam và những chủ điểm được dự đoán cho năm 2014.

FinancialAsia cho rằng những phân tích đó chính là những động lực của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian gần đây và tương lai.

Bài viết được đưa ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động tốt hơn các thị trường khu vực khi tăng mạnh 20% trong năm 2013 và tăng tiếp 16,2% trong 2 tháng đầu năm 2014. Thanh khoản trên thị trường tăng mạnh từ mức 60 triệu USD/ngày năm 2013 lên 100 triệu USD/ngày trong 2 tháng đầu năm nay.

Với tổng mức vốn hóa của cả 2 sàn Hà Nội và Tp HCM là 55 tỷ USD, Việt Nam đang tăng cường thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư, đặc biệt là các tổ chức nước ngoài. Khối ngoại hiện nắm giữ 28% khối lượng cổ phiếu niêm yết trên thị trường Việt Nam.

Trong bài phân tích được FinancialAsia đăng tải, SSI đã đưa ra 4 điểm về mặt vĩ mô và 6 điểm về thị trường chứng khoán Việt Nam cho năm 2014.

Về vĩ mô, thứ nhất, Việt Nam đang đặt ra mục tiêu kép là hỗ trợ tăng trưởng trong khi tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, cụ thể là chính phủ đặt ra mục tiêu GDP tăng trưởng 5,8%, CPI quanh mức 7%, đồng tiền mất giá không quá 2%, ngân sách thâm hụt 5,3% GDP, tín dụng tăng trưởng 12-14%, duy trì lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay đối với các ngành ưu tiên.

Tác giả bài phân tích cho rằng dường như chính phủ nghiêng theo hướng tăng cường các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh các doanh nghiệp trong nước không thể chịu được tác động của một đợt cải cách kéo dài nữa.

Thứ hai, chính phủ sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Một loạt các công ty lớn sẽ được IPO trong năm 2014 như Viglacera, Vinatex, Vietnam Airlines, Mobifone, một số công ty Cienco. Quy định mới về việc phải niêm yết cổ phiếu sau 1 năm IPO sẽ tác động tích cực đến các nhà đầu tư.

Ngoài ra, việc SCIC và các tổng công ty thoái bớt vốn cũng sẽ tác động đến thị trường khi Bộ Tài chính đã đồng ý cho SCIC và các tổng công ty được thoái vốn dưới giá trị sổ sách.

Thứ ba, năm 2014 sẽ là một năm tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Việt Nam là một nước có cơ sở hạ tầng yếu kém so với các nước ASEAN nên cũng dễ hiểu khi chính phủ chỉ đạo cần tập trung cải thiện hệ thống hạ tầng. Hai ngành quan trọng là giao thông và năng lượng đã có kế hoạch được tăng đầu tư vốn thêm 33,3% và 11,7% trong năm 2014. Ước tính Việt Nam sẽ cần khoảng 167 tỷ USD, tương đương với GDP, trong 10 năm tới để đầu tư cơ sở hạ tầng.

Tác giả bài phân tích cho rằng việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế trong những năm tới, chứ không nhất thiết là ngay trong năm 2014.

Thứ tư, về nguồn vốn đầu tư, nước ngoài được nhận định sẽ vẫn là động lực chính. Cam kết vốn FDI ở mức cao trong năm 2013 có thể dẫn đến hiệu quả giải ngân tốt hơn cho năm 2014, với việc room sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài cho cả ngành ngân hàng và các tổ chức phi ngân hàng sẽ giúp thu hút vốn đầu tư gián tiếp, nhưng quan trọng vẫn là nguồn vốn ODA. Những nguồn vốn này sẽ giúp bù đắp một phần kinh phí khi Việt Nam tiến hành xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng lớn, cải cách ngân hàng và thực hiện nhiều vụ IPO.

Về thị trường chứng khoán, bài phân tích của SSI đưa ra 6 điểm đáng chú ý cho năm 2014.

Thứ nhất, nền kinh tế đã chạm đáy và với sự ổn định về kinh tế vĩ mô, mọi yếu tố đã sẵn sàng cho việc thị trường đi lên trong tương lai.

Thứ hai, với việc nền kinh tế sẽ phục hồi dần dần trong khi những cải cách đang diễn ra sẽ là chất xúc tác tích cực cho thị trường, việc định giá lại cổ phiếu sẽ được thực hiện trong năm 2014.

Tác giả bài phân tích dự đoán chỉ số VN-Index có thể tăng 17-20% so với cuối năm 2013, đồng nghĩa với việc chỉ số có thể lên 590-600 trong năm nay. Nếu cộng thêm mức trả cổ tức dự kiến khoảng 5%, mức lãi từ thị trường chứng khoán Việt Nam có thể lên 23% trong năm 2014.

Thứ ba, bài phân tích cho rằng chưa nên quay lại ngành ngân hàng vào đầu năm 2014 do ngành này gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2013. Thời điểm nhà đầu tư có thể quay lại ngành này là nửa cuối của giai đoạn 6 tháng cuối năm.

Thứ tư, tăng trưởng doanh thu sẽ mạnh hơn trong năm 2014 còn tăng trưởng lợi nhuận sẽ bằng với mức của năm 2013.

Trong số 62 công ty được SSI theo dõi, tăng trưởng doanh thu đạt mức trung bình 19% và tăng trưởng lợi nhuận ròng đạt 10% trong năm 2013, và các mức tăng trưởng này sẽ đứng ở mức lần lượt là 14% và 10% trong năm nay. Tăng trưởng EPS bình quân đạt mức 9%, cao hơn mức 0% của năm ngoái, trong khi cổ tức sẽ bằng với mức 5% của năm 2013.

Thứ năm, các ngành liên quan đến cơ sở hạ tầng và công nghiệp được dự báo sẽ là những ngành quan tâm trong năm nay.

Thứ sáu, những cổ phiếu phục hồi sẽ có sức hấp dẫn. Do nền kinh tế đã thoát đáy, nên các ngành khác nhau sẽ có những giai đoạn phục hồi khác nhau. Bản phân tích cho rằng ngành tiêu dùng đã chạm đáy trong nửa đầu của năm 2013, trong khi ngành ngân hàng và bất động sản và một số ngành hàng hóa vẫn chưa chạm đáy. Những công ty từ tình trạng bị lỗ chuyển sang có lãi sẽ thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trong năm nay, đặc biệt là những nhà đầu tư cá nhân.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới