Hủy

Thị trường lúa gạo đang ở thế độc quyền?

Thứ Năm | 24/10/2013 16:21

Chỉ riêng hai tổng công ty lương thực Vinafood 1 và Vinafood 2 chiếm tới hơn 50% thị phần, và VFA có thể chi phối chính sách.
 

Một nghiên cứu mới đây của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn (IPSARD) đã chỉ ra rằng, nông dân hiện chưa được hưởng lợi 30% từ sản xuất lúa gạo như mục tiêu Chính phủ đề ra. Ngay cả khi giá gạo trên thị trường thế giới lên cao, nông dân vẫn không hưởng lợi từ giá lên. Muốn khắc phục tình trạng này, phải bắt đầu từ hệ thống chính sách.

VFA có khả năng chi phối chính sách?

Theo đánh giá của Giáo sư Võ Tòng Xuân, trong chuỗi lợi nhuận từ sản xuất lúa gạo, hiện tại chỉ thương lái và doanh nghiệp xuất khẩu hưởng nhiều nhất. Nguyên nhân do doanh nghiệp xuất khẩu chưa gắn kết chặt chẽ với nông dân (thông qua việc cung cấp đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm).

Doanh nghiệp không muốn tái đầu tư cho nông dân, doanh nghiệp chủ yếu đầu tư ra các lĩnh vực kinh doanh khác như vật tư nông nghiệp, hàng hóa công nghiệp, bất động sản… để tìm kiếm lợi nhuận.

Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, “việc lợi nhuận từ kinh doanh lúa gạo đang rơi vào tay thương lái khá nhiều là bất hợp lý. Hội Nông dân có danh thì cao, nhưng thực chất vai trò mờ nhạt, ít phục vụ được cho nông dân.

Trong khi đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lại có vị thế quá lớn, có quá nhiều lợi thế trong việc đề xuất chính sách. Họ không quan tâm đến nông dân khi đề xuất chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo mà thay vào đó là bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Rõ ràng, thị trường lúa gạo đang ở thế độc quyền, vì chỉ Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), chiếm tới hơn 50% thị phần xuất khẩu gạo của nước ta. Tình trạng này làm mất đi vai trò, sự sáng tạo của doanh nghiệp tư nhân”.

Trước thực trạng nông dân chưa được hưởng lợi từ giá gạo, dù giá tăng cao, Viện IPSARD đề xuất, chính sách phát triển ngành hàng lúa gạo trong tương lai nên được tập trung vào tiến hành hợp tác quốc tế để đáp ứng nhu cầu về mặt chính trị của cây lúa, thay vì hợp đồng kinh tế phải là hợp đồng đầu tư với quốc gia chuyên nhập lúa gạo.

Với chính sách này, theo ông Trần Công Thắng (Viện IPSARD), một phần sẽ góp nâng cao vị thế của Việt Nam, mặt khác sẽ góp phần gắn chặt nhà nhập khẩu với vùng sản xuất, rút ngắn khâu trung gian nâng cao giá bán cho người sản xuất.

Cùng với đó, những vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa phải được quy hoạch để sản xuất lớn, được đầu tư cẩn thận, lúa chất lượng cao, phù hợp thị hiếu. Đây chính là những mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đang được nhà nước quan tâm. Tuy nhiên các chính sách hỗ trợ đầu tư của nhà nước đối với những vùng chuyên canh này vẫn chưa rõ ràng.

Chính vì thế, “các chính sách nên tập trung nâng cấp chuỗi giá trị lúa gạo vùng chuyên canh với sự tham gia của nông dân và các chính sách hỗ trợ các tác nhân trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến kinh doanh, xuất khẩu gạo”- ông Thắng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, sản xuất theo chuỗi giá trị với vùng chuyên canh, hiện còn vướng ở việc liên kết doanh nghiệp và nông dân lại với nhau. Ông Thắng nêu ví dụ: Triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn hiện đang vướng ở khâu liên kết nông dân lại với nhau. Do đó, về chính sách, “nên bổ sung điều kiện đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo quy định tại Nghị định 109 là cần thiết phải có sự liên kết với nông dân thể hiện bằng hợp đồng nông sản. Tổ chức HTX nên được tăng cường để thực hiện hiệu quả việc liên kết nông dân, đặc biệt là những nông dân quy mô nhỏ”.

Chính sách lúa gạo phải xuất phát từ thị trường

Bên cạnh tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, IPSARD cho rằng, các chính sách hỗ trợ chỉ nên tập trung cho vùng chuyên canh chính thay vì toàn quốc trong phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống chế biến và kinh doanh. Các vùng khác nên được chủ động đa dạng hóa sản xuất theo tín hiệu thị trường. Từ đó, giá tại vùng chuyên canh là giá tham chiếu, phục vụ điều hành kinh doanh gạo trên cả nước.

TS Đào Thế Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp cũng cho rằng, “cần có chính sách cấp vùng và chính sách cấp toàn quốc cho ngành lúa gạo. Đặc biệt, phải xác định rõ vị thế của nông dân trong chuỗi giá trị. Nếu vị thế yếu, nông dân khó có lợi trong chuỗi này”.

Nhấn mạnh vai trò dẫn đường của chính sách, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ rõ: Vừa qua, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân nhưng lợi ích cuối cùng vẫn chưa đến tay nông dân. Tình trạng nông dân bỏ ruộng là phản ứng rõ nhất về chính sách đối với nông dân, với ngành lúa gạo chưa phù hợp, chưa đem lại lợi ích cho người nông dân như tiềm năng đang có.

Để khắc phục tình trạng này, cùng với việc hình thành các vùng chuyên canh, bà Phạm Chi Lan đề nghị, chính sách của Nhà nước phải bắt đầu tư việc tiếp cận ngành lúa gạo ở góc độ thị trường. Nhà xuất khẩu lúa gạo cần liên kết với nông dân và phải tham gia vào quá trình sản xuất.

Cùng các giải pháp nêu trên, Viện IPSARD đề xuất: Cần nâng cao khả năng cạnh tranh của cây lúa thông qua việc nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh bằng đầu tư nghiên cứu, hỗ trợ khuyến nông, giống mới đặc biệt những giống chất lượng cao (gạo thơm), giống chống chịu biến đổi khí hậu. Dần dần từng bước hỗ trợ các DN xuất khẩu lớn xây dựng thương hiệu gạo của Việt Nam.

Đặc biệt, Chính phủ cần có quy hoạch tổng thể ngành gạo với hai mục tiêu chính sách khác nhau nhưng bổ sung cho nhau, bao gồm sản xuất hàng hóa quy mô lớn và sản xuất quy mô nhỏ để tự tiêu thụ hoặc để bán trong cộng đồng địa phương.

Cân nhắc và tính đủ tất cả các chi phí sản xuất trong khi nỗ lực nâng cao khả năng cạnh tranh, xây dựng thương hiệu, đảm bảo giá bán cạnh tranh nhưng không thấp so với các loại gạo khác cùng chủng loại là điều cần được đặc biệt lưu ý.

Nguồn vov


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới