Hủy

Thị trường nhạc số Việt Nam liên tục đón dòng vốn ngoại

Diễm Quỳnh Thứ Tư | 04/04/2018 19:57

Thời gian gần đây, sự sôi động của thị trường nhạc số Việt Nam đã thu hút được dòng vốn ngoại đổ vào liên tục.
 

Vì vậy tính đa dạng của các sản phẩm âm nhạc cung cấp cho người tiêu dùng cũng được nâng cao. Xu hướng trên theo giới chuyên gia cái được lớn nhất là đánh dấu thị trường nhạc số Việt Nam đã đủ độ chín để phát triển không còn là một thị trường đáng sợ với nhà đầu tư bởi tình trạng down nhạc chùa - nghe nhạc free quá tràn lan như trước đây.

Năm năm trước, 90% nguồn thu của doanh nghiệp kinh doanh nhạc số NCT là từ quảng cáo, thu phí người dùng mua nhạc chỉ chiếm vỏn vẹn một con số thì hiện nay tỷ trọng thu phí người dùng đã đạt 20%. Với tốc độ tăng trưởng hiện là hai con số mỗi tháng, đại diện NCT tự tin có thể sớm đưa phí người dùng trở thành nguồn thu chính của công ty.

Ông Nhan Thế Luân, Giám đốc Công ty Cổ phần NCT (NhacCuaTui), chia sẻ với VTV: "Trong khoảng 3 năm nữa - đó là thời điểm chín muồi tôi nghĩ mức thu phí sẽ đạt mốc 50% tổng doanh thu. Những người ở độ tuổi cuối 8X đầu 9X và sắp tới đây là cuối 9X đã chấp nhận việc nghe nhạc trả phí". Sự thay đổi tích cực của thị trường được cho là động lực để các "ông lớn" hàng đầu ngành nhạc số thế giới lần lượt đặt chân vào Việt Nam.

Thi truong nhac so Viet Nam lien tuc don dong von ngoai
 

Hầu như các doanh nghiệp không công bố số vốn đầu tư nhưng theo các chuyên gia, một doanh nghiệp có quy mô như Spotify hay Apple Music thì bỏ ra vài chục triệu USD để mở thị trường Việt Nam là bình thường.

Những con số như 60 triệu người dùng Internet tại Việt Nam, trong đó 70% sử dụng các dịch vụ giải trí như nghe nhạc, xem video... luôn hấp dẫn trong mắt bất kỳ doanh nghiệp nào.

Bà Sunita Kaur, Giám đốc Điều hành khu vực châu Á Spotify, cho biết: "Chúng tôi chờ đến thời điểm này mới vào Việt Nam vì muốn đảm bảo rằng thị trường đã đủ độ mở, chấp nhận trả tiền cho những sản phẩm âm nhạc chất lượng, có bản quyền. Mong rằng người tiêu dùng Việt sẽ giúp doanh nghiệp mang ngành công nghiệp âm nhạc quay trở lại Việt Nam".

Giới kinh doanh nhạc số đánh giá sự nhập cuộc của doanh nghiệp ngoại nhìn chung sẽ có tác động tích cực đến việc giáo dục thị trường về việc trả phí để mua sản phẩm có bản quyền. Từ đây nguồn thu chung sẽ lớn dần, thị trường cũng trở nên chuyên nghiệp hơn. Đó cũng là lúc các doanh nghiệp nội buộc phải nhìn lại bài toán thị phần của mình.

"Những người tiêu dùng yêu thích nhạc quốc tế nhưng các thương hiệu quốc tế thực sự chúng tôi rất khó cạnh tranh. Tuy nhiên, với thực tế hơn 90% người tiêu dùng Việt Nam vẫn yêu thích nhạc Việt tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể làm tốt để bảo vệ tập khách hàng này", ông Nhan Thế Luân, Giám đốc Công ty Cổ phần NCT (NhacCuaTui) nói.

Nhạc số là một trong số ít mảng kinh doanh Internet mà doanh nghiệp nội hiện vẫn chiếm hơn 90% thị phần. Nếu bắt kịp xu hướng công nghệ và tận dụng được lợi thế thấu hiểu thị trường bản địa, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp nội vẫn đủ khả năng giữ được phần to của miếng bánh, ít nhất là trong ngắn hạn.

Theo thống kê của Nielsen năm 2017, trong 52 triệu người Việt dùng Internet thì có tới 25 triệu người nghe nhạc online. Trang web nhaccuatui.com là một trong ba địa chỉ yêu thích nhất của người dùng mạng Việt Nam, chỉ xếp sau YouTube và Facebook đã cho thấy xu hướng và sở thích nghe nhạc số của người Việt.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới