Hủy

Thông điệp của Thống đốc Bình có “đập tan” kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá?

Thứ Sáu | 31/07/2015 18:35

Liệu dự trữ ngoại hối tăng cao kỉ lục có giúp ổn định tỷ giá
 

Thong diep cua Thong doc Binh co “dap tan” ky vong dieu chinh ty gia?
 

Biến động tỷ giá từ đầu năm 2013 đến nay

TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng chuyện tỷ giá biến động là bình thường. Chẳng nhẽ thị trường muốn giá USD bất động trong vòng 5 năm hay 10 năm?

“Hãy nhìn ra thế giới, có những đồng tiền như đồng Yên của Nhật, đồng Rup của Nga… chỉ sau một đêm mất đến 5%. Những đồng tiền đó bị mất giá nhiều như vậy thì ta lại thấy bình thường, trong khi tỷ giá trong nước chỉ biến động có 0,01% thì khuếch đại lên. Có cần thiết không?”, ông Phước nhận định.

Hãy để cho Ngân hàng Nhà nước làm việc!

Ngay sau thông điệp của Thống đốc Bình, ngày 30/7, tỷ giá đã bình yên trở lại. Hầu hết các ngân hàng đều giữ nguyên tỷ giá. Giá mua vào thấp nhất trên thị trường hiện đang là 21.780 đồng/USD, cao nhất là 21.795 đồng/USD.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng việc công bố về tỷ lệ dự trữ vàng và ngoại hối của Thống đốc như một thông điệp gửi  đến thị trường là cơ quan này đang có lượng dự trữ lớn đủ để can thiệp thị trường và giữ ổn định tỉ giá từ nay đến cuối năm.

“Đây là mục đích chính của Thống đốc vì mấy ngày gần đây tỷ giá có sự biến động, thông tin Bộ Tài chính muốn vay 30.000 tỷ đồng… khiến thị trường lo ngại có sẽ có sự thay đổi trong điều hành tỷ giá và Thống đốc phải ra mặt” , ông Hiếu bình luận.

Thời gian gần đây nhiều dự báo cũng nhận định tỷ giá sẽ phải điều chính nhiều hơn 2% nên thị trường cũng có tâm lý kỳ vọng. “Mặc dù Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng liên tục nhắc lại thông điệp giữ vững mục tiêu điều hành tỷ giá 2% nhưng thị trường vẫn kỳ vọng. Hiệu ứng từ thông điệp của Thống đốc cũng có hiệu ứng ngay khi ngày 30/7 tỷ giá bất động”, ông Hiếu bình luận.

TS. Trương Văn Phước cũng cho rằng nền kinh tế đang cần phải lấy lại niềm tin, sự ổn định tỷ giá là cần thiết. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có chính sách phù hợp với điều kiện hiện tại và cần đối điều hòa nhất cho lợi ích của nền kinh tế, người dân, thị trường.

“Hãy để cho NHNN làm việc, đừng đẽo cày giữa đường. Mong muốn thị trường luôn khác nhau, doanh nghiệp xuất khẩu muốn tỷ giá tăng, doanh nghiệp nhập khẩu thì muốn tỷ giá giảm, sợ phá giá, người dân thì tâm lý kỳ vọng… NHNN là nơi dung hòa mọi lợi ích của các thành phần kinh tế. Quan trọng hơn, NHNN là nơi có những thông tin chính xác nhất, con số cập nhật nhất nên họ sẽ biết làm gì để tốt nhất cho nền kinh tế và để người dân thêm tin tưởng vào tiền đồng”, ông Phước phân tích.

Tỷ giá sẽ bình yên?

Theo ông Phước, tỷ giá không có áp lực gì để tăng mạnh từ nay đến cuối năm. “Dự trữ ngoại hối cũng tăng lên mức rất cao. Giả sử có cần phải can thiệp thì với nguồn dự trữ dồi dào NHNN vẫn kiểm soát được. Từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ giữ đúng biên độ như đã cam kết”.

Riêng về áp lực tỷ giá về khả năng FED sẽ tiến hành tăng lãi suất, ông Phước cho rằng sẽ không tác động nhiều đến nhu cầu tỷ giá của thị trường. “Hiện lãi suất đồng VND cao hơn lãi suất USD là 5%. Nếu FED tiến hành tăng lãi suất thì mức tăng cũng chỉ khoảng từ 0,25-0,5%. Mức này không làm cho chênh lệch lãi suất giữa đồng VND và USD hạ xuống thấp mà vẫn giữ ở mức 4,5-5%. Như vậy người dân nắm giữ đồng VND vẫn có lợi hơn”, ông Phước nhận định.

Ở một góc nhìn khác, ông Hiếu đặt tình huống liệu thông điệp của Thống đốc có thể khiến cho các dự báo, kịch bản tỷ giá điều chỉnh trên 2% có thể bị phá sản, thị trường không còn tâm lý kỳ vọng?

“Sau thông điệp này chắc chắn thị trường chính thức sẽ ổn định nhưng còn thị trường tự do thì sao. Mặc dù trong vài năm trở lại đây, diễn biến của thị trường tự  do đã chạy theo thị trường chính thức nhưng không có nghĩa giống nhau. Liệu rằng có cấm được thị trường tự do? Khi giá chính thức giữ nguyên thì áp lực sẽ tác động lên giá trên thị trường tự do và sẽ có biến động mạnh”, ông Hiếu phân tích.

Theo ông Hiếu, để ổn định tỷ giá, dẹp được tâm lý kỳ vọng, NHNN phải kiểm soát được cả 2 thị trường chính thức và tự do. “Mặc dù NHNN đã có những giải pháp để áp chế thị trường tự do nhưng liệu đã đủ mạnh để triệt tiêu? Ngoài ra, con số dự trữ ngoại hối hiện tại là con số chuẩn rồi, nhưng liệu NHNN có gì đảm bảo con số này còn đủ trong 6 tháng tới?”

Nguồn Bizlive


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới