Hủy

Thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp: Cần chính sách hợp lý

Thứ Tư | 21/05/2014 09:17

Tính đến hết tháng 4/2014, cả nước có khoảng 16.300 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp phép đầu tư với vốn đăng ký đầu tư khoảng 237 tỷ USD.
 

Tuy nhiên, vốn thu hút vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ có 503 dự án với 3,367 tỷ USD, chiếm 1,4%.

FDI vào nông nghiệp ngày càng giảm

Theo ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (Vafie), những năm qua, vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp tại Việt Nam còn rất hạn chế so với tiềm năng.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư, tổng nguồn vốn FDI đăng ký mới tăng liên tiếp từ năm 2011 đến 2013. Cụ thể, năm 2011 là 14,7 tỷ USD, năm 2012 là 16,3 tỷ USD, năm 2013 là 21,6 USD.

Trong khi đó, FDI vào nông nghiệp liên tục giảm, nếu như năm 2011 đạt 130,7 triệu USD, năm 2012 là 99,35 triệu USD, năm 2013 chỉ còn 86,73 triệu USD. Phần lớn các dự án FDI tập trung ở khu vực đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Toàn, hạn chế này là do không xây dựng được quy hoạch nguồn vốn FDI cũng như các dự án cụ thể cần ưu tiên vận động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Các địa phương thiếu quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa và vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Việc tùy tiện thay đổi quy hoạch, chính sách ở nhiều địa phương làm cho nhà đầu tư không mặn mà với lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh đó là việc hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp chưa tốt, nông dân vi phạm cam kết hợp đồng về cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp xảy ra ở nhiều nơi.

Khi nguồn nguyên liệu khan hiếm, các tư thương đẩy giá lên, nông dân sẵn sàng vi phạm hợp đồng bán cho tư thương, doanh nghiệp chế biến sẽ thiếu nguyên liệu, không đủ sản phẩm cung cấp cho khách hàng theo hợp đồng đã ký. Cùng với đó là tình trạng được mùa mất giá, mất mùa được giá luôn là nỗi ám ảnh đối với người nông dân hiện nay.

Chính sách cần đồng hành cùng doanh nghiệp

Để đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát cho rằng, vấn đề không phải chỉ đưa ra chính sách mà quan trọng là chính sách đó phải rõ ràng, minh bạch, nhất quán, lâu dài để nhà đầu tư yên tâm.

Bên cạnh đó, cần sự thống nhất vào cuộc của các bộ, ngành, cùng phối hợp tìm hiểu các mô hình phù hợp như hợp tác công tư, sự liên kết doanh nghiệp, nhà nước và người nông dân để sản xuất - kinh doanh có hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Bá Cường - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Chính phủ cần chủ động quy hoạch vùng nguyên liệu nông sản cho nhà đầu tư gắn với các hình thức chuyển giao quyền sử dụng đất từ nông dân sang nhà đầu tư; quy hoạch lại việc sử dụng các loại đất của các dự án FDI trong nông nghiệp và xác định kế hoạch sử dụng đất lâu dài cho từng dự án; có cơ chế linh hoạt trong việc huy động vốn (ngân sách, nhà đầu tư ứng trước,...) thực hiện đầu tư giải phóng mặt bằng; hỗ trợ nhà đầu tư FDI phát triển vùng nguyên liệu.

Khuyến khích phát triển các vùng nguyên liệu trong nước để đáp ứng yêu cầu kinh doanh của nhà đầu tư và đảm bảo lợi ích của nông dân đã chuyển giao quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư FDI; có cơ chế hỗ trợ, cho vay về tài chính, lập quỹ phòng tránh rủi ro, phát triển các hình thức bảo hiểm trong nông nghiệp…

Nguồn Tin Công Nghệ Tổng Hơp


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới