Hủy

Thủ tướng yêu cầu phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 5,4%

Thứ Bảy | 26/10/2013 20:24

Theo đánh giá của các thành viên Chính phủ, nền kinh tế phục hồi chậm và vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
 

Nền kinh tế phục hồi chậm

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10/2013, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, các thành viên Chính phủ đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại của nền kinh tế cần tập trung chỉ đạo khắc phục, trong đó một số vấn đề đáng lưu ý là: Nền kinh tế phục hồi chậm và vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế vĩ mô có cải thiện nhưng chưa vững chắc, lạm phát còn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại; dư nợ tín dụng tăng chậm so với kế hoạch; nợ xấu chậm được xử lý; hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn; khả năng huy động và tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế; tổng cầu và sức mua còn yếu.

Nhiều thành viên Chính phủ cho rằng để duy trì được tăng trưởng cả năm như mục tiêu đề ra, cần tiếp tục thực hiện sâu rộng, hiệu quả hơn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, hướng dòng vốn vào sản xuất và các lĩnh vực ưu tiên; hỗ trợ doanh nghiệp còn triển vọng tiếp tục vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó là tích cực triển khai các chương trình phát triển thị trường; tăng cường xúc tiến thương mại và đầu tư; củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, đơn giản hoá các thủ tục xuất khẩu tại các địa phương, các cửa khẩu; có các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng cạnh tranh xuất khẩu không lành mạnh, phá giá...
Liên quan đến hoạt động ngành ngân hàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp trong điều hành chính sách tiền tệ, xử lý nợ xấu, giữ vững mặt bằng lãi suất và sự ổn định tỷ giá.

Vì vậy, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường để tránh những biến động lớn về giá cả; kiểm soát tốt giá lương thực, thực phẩm những tháng cuối năm; phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu kiềm chế lạm phát như đã đề ra cho cả năm 2013.

Một số thành viên Chính phủ đề xuất trong những tháng cuối năm cần đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý thị trường, giá cả, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tăng giá bất hợp lý; ngăn chặn có hiệu quả hoạt động buôn lậu qua biên giới; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tránh những biến động lớn về giá cả làm ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,4%
Phát biểu kết luận phiên họp, nhấn mạnh từ nay đến cuối năm 2013 chỉ còn 2 tháng nữa, nhiệm vụ đặt ra trước mắt là hết sức nặng nề, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng tinh thần chung là phải phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa trong việc thực hiện các giải pháp đã đề ra; tiếp tục kiên trì, nhất quán thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đồng thời tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

“Việc phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,4% có ý nghĩa hết sức quan trọng trong năm bản lề 2013, từ mục tiêu này, sẽ tạo cơ sở, tiền đề để đạt được tăng trưởng cao hơn trong năm 2014 và những năm tiếp theo”, Thủ tướng nhận định.

Đề cập một số vấn đề cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém nhằm đạt được kết quả cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra cho cả năm 2013. Trước mắt, cần tập trung quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng nhấn mạnh lạm phát không còn là vấn đề nóng; mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức dưới 7% cho cả năm 2013 là khả thi, song không vì thế mà chúng ta chủ quan, lơ là, nhất là vào thời điểm cuối năm có thể xảy ra những yếu tố gây tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần hết sức lưu ý đến công tác thu chi ngân sách, tăng cường các giải pháp chống thất thu, tiết kiệm chi; phấn đấu đạt mục tiêu về kế hoạch thu chi ngân sách, bảo đảm cân đối ngân sách. Cần lập và triển khai kế hoạch cung ứng hàng hóa cho dịp cuối năm, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán, đi đôi với việc kiểm soát tốt giá cả thị trường, kiểm soát chặt chẽ buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; xử lý nghiêm hành vi đầu cơ tăng giá bất hợp lý.

Nguồn Chinhphu.vn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới