Hủy

Thương hiệu nông sản chết yểu

Thứ Năm | 28/02/2013 10:33

 

Dăm năm trước, ĐBSCL rộn ràng xây dựng thương hiệu nông sản với các loại đặc sản hoặc sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, thì gần đây lại chứng kiến tình trạng chết yểu của các thương hiệu.

Mất thương hiệu vì thiếu quy hoạch

Chủ tịch UBND xã Vinh Kim (Cầu Ngang, Trà Vinh) Trần Văn Tàu cho biết, đang lập hồ sơ đề nghị giải thể HTX Nông nghiệp Bình Minh. Đây là HTX đã xây dựng được thương hiệu “Tôm khô Vinh Kim” nổi tiếng. Chủ tịch Tàu giải thích: “Do thiếu sự đồng thuận trong xây dựng và phát triển, người dân đua nhau đào ao nuôi tôm sú nên diện tích lúa thu hẹp, nguồn nguyên liệu là tôm bạc đất cạn kiệt”.

Phó chủ nhiệm HTX Phạm Văn Danh kể về quá trình xây dựng thương hiệu. Năm 2004, thành lập HTX với 12 xã viên, vốn điều lệ hơn 200 triệu đồng, cũng đồng thời làm thủ tục đăng ký xuất xứ hàng hóa và thương hiệu “Tôm khô Vinh Kim”.

Giữa năm 2005, Cục Sở hữu Trí tuệ chấp nhận việc đăng ký thương hiệu độc quyền cho HTX. Đến tháng 12-2005, “Tôm khô Vinh Kim” tham dự “Hội chợ triển lãm làng nghề truyền thống Việt Nam và khu vực ASEAN 2005”. Sau đó, nhiều đối tác trong và ngoài nước đặt hàng số lượng lớn, làm không kịp bán.

Tôm khô Vinh Kim làm từ con tôm bạc đất, đặc sản của vùng đất kẹp giữa hai cửa sông Tiền, lại có nhiều rạch đâm ngang nên một năm 6 tháng ngọt, 6 tháng lợ rõ rệt. Tôm bạc đất sinh nở trong ruộng lúa ở môi trường tự nhiên đó, thịt ngọt. Thêm kinh nghiệm của người Vinh Kim chế biến nên màu đỏ tươi, càng để càng thơm. Huyện Cầu Ngang từng thu một năm hơn 10.000 tấn tôm bạc đất.

Vào thời kinh tế thị trường, huyện Cầu Ngang quy hoạch hơn 5.000 ha chuyên canh lúa và nhử tôm bạc đất vào sinh nở, quyết xây dựng một thương hiệu nông sản để làm giàu. Trong đó, xã Vinh Kim có diện tích lớn nhất, gần 1.800 ha với hơn 3.000 hộ và HTX Nông nghiệp Bình Minh đã ra đời.

Nhưng hai năm qua, hơn 1/3 diện tích lúa nhử tôm bạc đất ở xã Vinh Kim đã bị đào ao nuôi tôm sú. Con tôm bạc đất không còn, nhiều cơ cở trong gần 30 cơ sở chế biến tôm khô Vinh Kim cũng đóng cửa.

Những loé sáng chốc lát

Ở tỉnh Vĩnh Long, tháng 9-2008, HTX Bưởi năm roi Mỹ Hòa ở xã Mỹ Hoà (Bình Minh, Vĩnh Long) được cấp chứng nhận GlobalGAP, lập tức giá bán tăng 10-20%. Trái bưởi năm roi được đưa vào hệ thống siêu thị và xuất khẩu.

Năm 2009, HTX xuất 600 tấn. Năm 2010, không có tiền tái chứng nhận GlobalGAP, con đường xuất khẩu và vào siêu thị khép lại dần, trái bưởi năm roi của HTX lại lăn lóc vỉa hè.

Trái chôm chôm java của HTX Chôm chôm Tân Khánh ở xã Tích Thiện (Trà Ôn, Vĩnh Long) có số phận tương tự. Đầu năm 2012, HTX được cấp chứng nhận GlobalGAP cho 27 ha của 41 xã viên, nhưng sau 10 tháng, đến cuối tháng 12-2012 giấy chứng nhận hết hạn thì HTX không có tiền làm thủ tục tái cấp.

Bên tỉnh Tiền Giang, lừng danh là HTX Mỹ Thành ở xã Mỹ Thành Nam (Cai Lậy), tháng 8-2008, có 11,4 ha lúa của 15 xã viên được công nhận đạt chuẩn GlobalGAP, đầu tiên ở nước ta.

Toàn bộ lúa của HTX được một doanh nghiệp mua giá cao hơn thị trường cỡ 50%. Hết hạn, không lo được tái chứng nhận GlobalGAP, hoạt động của HTX chìm lỉm dần, nay tìm ban chủ nhiệm cũng khó.

Nhưng ở tỉnh giàu tiềm năng trái cây Tiền Giang, nổi đình đám nhất phải kể đến HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Châu Thành, Tiền Giang). HTX có 139 xã viên thì 19 xã viên được cấp chứng nhận GlobalGAP vào tháng 6-2008, những xã viên khác háo hức chờ lượt.

Lúc đó, một dây chuyền đóng gói chạy hết công suất, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim có bao bì với dòng chữ “Nguồn sữa quê hương” đầy tự hào. Lãnh đạo địa phương mơ đến con số 5.000 ha đạt chuẩn GlobalGAP vào năm 2015 và vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim sẽ “có mặt rộng rãi trên thị trường thế giới”. Chỉ năm sau, không có tiền tái chứng nhận GlobalGAP, xã viên bỏ HTX.

Còn HTX Thanh long Chợ Gạo ở xã Quơn Long (Chợ Gạo, Tiền Giang) khi một ít diện tích có chứng nhận GlobalGAP, đã được giao sứ mệnh đưa 1.700 ha thanh long ở huyện nhà thành “điểm sáng nông nghiệp”. Nhưng tia sáng chỉ loé lên ngắn ngủi, đầu năm nay HTX đã giải thể.

Cái giá của phát triển theo phong trào

Thất bại của các HTX vừa nêu thêm khẳng định, nông nghiệp ĐBSCL rất giàu tiềm năng mà chưa có cách khai thác. Các HTX đã loé sáng lên khi nông sản ĐBSCL được quan tâm xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, thương hiệu nông sản không chỉ là cái nhãn GlobalGAP hoặc bất cứ thứ nhãn nào bên ngoài dán vào, nó phải chủ yếu là trình độ quản trị hiện đại bên trong.

Nhiều HTX vẫn “mô hình” cũ. HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, từng được ca ngợi là “kiểu mới” nhưng được bao cấp từ lúc ra đời, dưới những ngôn từ thời thượng “hỗ trợ xúc tiến thương mại, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP”. Chỉ sau một năm, hết bao cấp, HTX không có nổi ít tiền để tái chứng nhận GlobalGAP. Vào HTX với hy vọng chính đáng, trái vú sữa có đầu ra ổn định, nhưng nhanh chóng thất vọng nên xã viên bỏ đi.

Ông Trịnh Công Minh, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, thừa nhận các HTX vừa xây dựng được thương hiệu nhưng đã lụi tàn, là “hình thành theo chỉ tiêu nên được nuôi dưỡng quá mức mà chưa xuất phát từ nhu cầu của xã viên để chuẩn bị vốn, quản trị”. Nông dân lại phải tìm lối đi khác. Nhiều nông dân rút khỏi HTX Bưởi năm roi Mỹ Hoà, đang tham gia vào quy trình sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn Global GAP của Cty TNHH The Fruit Republic.

(Theo Tiền phong)


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới