Hủy

Tiếp cận thị trường dệt may Canada

Thứ Hai | 22/06/2009 16:32

Để có được đơn hàng dệt may từ thị trường Canada, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm kiếm nhà nhập khẩu.
 

Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Thế nhưng tại Canada, quốc gia nhập siêu hàng may mặc, trong danh sách các quốc gia được nhập khẩu lại không có tên Việt Nam. Nguyên nhân chính là các doanh nghiệp Việt Nam thiếu thông tin cũng như kiến thức về thị trường dệt may Canada. Nhằm giúp độc giả và doanh nghiệp hiểu sâu hơn về thị trường này, NCĐT xin giới thiệu bài viết của ông Hà Kế Tuấn, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada.

Lợi thế ở đơn hàng nhỏ

Canada là quốc gia có mức tiêu dùng hàng may mặc bán lẻ thuộc loại cao, khoảng hơn 20 tỉ đô la Canada (tương đương 328 tỉ đồng) mỗi năm. Tuy nhiên, ngành công nghiệp thời trang Canada lại phụ thuộc nhiều vào sợi nhập khẩu. Mặt hàng này phải chịu mức thuế dao động từ 9% (đối với sợi len) tới 16% (đối với sợi dệt). Thuế này cộng với chi phí lao động tương đối cao ở Canada làm cho giá bán hàng may mặt nội địa cao hơn nhiều so với hàng nhập khẩu.

Do đó, hàng may mặc nhập khẩu có giá thấp sẽ có nhiều cơ hội thâm nhập được vào mảng thị phần hàng giá thấp và trung bình ở Canada. Đây là lý do vì sao sản phẩm dệt may của Trung Quốc, Mexico hay Bangladesh đã thành công ở thị trường này. Hiện nay, nếu tính theo đầu người, Canada là một trong những thị trường nhập khẩu hàng dệt may cao nhất thế giới.

20

tỉ đôla Canada

 Mức chi tiêu hằng năm của Canada cho hàng may mặc.

Có 2 đặc điểm lớn rất dễ nhận thấy ở thị trường dệt may Canada là giữa các vùng có sự khác nhau về thị hiếu tiêu dùng và nhu cầu về hàng may mặc có tính chất theo mùa, nhất là màu sắc. Vùng nói tiếng Pháp, Quebéc, chịu ảnh hưởng mạnh của mốt từ châu Âu và phong cách hiện đại. Trong khi đó người tiêu dùng ở vùng Ontario và các tỉnh khác thì bảo thủ hơn và thích dòng mốt cơ bản. Người Canada có nhiều quần áo cho mỗi mùa, vì thường di chuyển nhiều trong công việc nên đối với họ quần áo luôn phải phù hợp, thoải mái.

Là quốc gia nhập siêu hàng dệt may, nhưng quy mô thị trường Canada chỉ bằng 10% thị trường Mỹ. Do đó, họ cần các nhà xuất khẩu sẵn sàng phục vụ các đơn hàng nhỏ. Thực tế cho thấy, nhiều nhà cung cấp lớn cảm thấy không mấy mặn mà do đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu Canada thường nhỏ. Thế nhưng, đây có thể là lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam vốn có quy mô vừa và nhỏ.

Cần chủ động tiếp cận

Mặc dù Việt Nam là quốc gia xuất khẩu dệt may lớn, nhưng đa số doanh nghiệp Canada lại ít quan tâm đến hàng Việt Nam. Họ chưa hiểu Việt Nam có thế mạnh về những ngành hàng nào và có những lợi thế gì. Do đó, để thu hút được nhà nhập khẩu Canada, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần chủ động tiếp cận và phương thức hiệu quả là xúc tiến thương mại trực tiếp.

Các nhà nhập khẩu và bán lẻ hàng dệt may Canada rất quan tâm đến việc tham dự các hội chợ thương mại trong nước hoặc vùng lân cận, đặc biệt là ở châu Âu. Trong cuốn Danh mục các Hội chợ Dệt may Canada có đề cập đến 400 hội chợ thương mại về hàng dệt may ở Canada, Mỹ, Mexico và châu Âu.

Khi tìm được nhà nhập khẩu, doanh nghiệp cần giới thiệu về mình một cách cụ thể và nhanh chóng. Thông tin về doanh nghiệp và sản phẩm phải đầy đủ như ảnh, giá cả, quy cách kỹ thuật, chứng nhận về sản phẩm mới nhất… và địa chỉ, email liên hệ. Giới kinh doanh Canada thường coi trọng việc giao dịch qua email. Họ cho rằng đây là công cụ hữu hiệu vì nó có thể đánh giá ngay được phản ứng của đối tác trong quan hệ buôn bán, đặc biệt là mức độ quan tâm của đối tác đến sản phẩm đang được chào bán.

Một số điểm lưu ý khi xuất hàng may mặc sang Canada

Một điểm quan trọng mà các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần nắm rõ, Canada là thị trường cạnh tranh rất khốc liệt, bởi các nhà xuất khẩu trên khắp thế giới đều đã có mặt tại đây. Do vậy, để có thể thâm nhập vào Canada, nhà xuất khẩu dệt may Việt Nam hoặc phải đưa ra được sản phẩm mới hoàn toàn, hoặc phải đảm bảo có được nguồn cung chắc chắn và chào hàng hấp dẫn về chất lượng, dịch vụ, giá cả, bao bì và nhãn mác so với mặt hàng cùng loại đang được tiêu thụ trên thị trường. Để tạo được những sản phẩm có đầy đủ các đặc tính trên, các doanh nghiệp dệt may cần nắm rõ một số vấn đề của sản phẩm dệt may tại Canada như sau:

Chất lượng

Canada là một trong những nước có hệ thống kiểm soát chất lượng vào loại chặt chẽ nhất thế giới. Hàng may mặc nhập khẩu vào Canada phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu về các thông số như độ cháy (đặc biệt đối với quần áo trẻ em), độ dai và sức bền. Trong nhiều trường hợp, nhà nhập khẩu có thể có yêu cầu riêng như khả năng chống co rút, mất màu, chống bám bụi và vệ sinh. Canada có một hệ thống đo kích cỡ tiêu chuẩn dựa trên số đo thực tế và cả kích cỡ thông thường.

Nhãn riêng (đối với các sản phẩm đã có thương hiệu)

Hiện Canada đang có xu hướng dán nhãn hàng hóa riêng (còn gọi là phương pháp tiếp thị cá biệt hóa sản phẩm). Cách này có thể giúp nhà nhập khẩu lẫn xuất khẩu đạt được mức lợi nhuận cao, đồng thời mang đến người tiêu những dùng sản phẩm thiết yếu. Xu hướng này đặc biệt được các nhà bán lẻ lớn áp dụng mạnh, có đến 50% hàng may mặc tại Canada dán nhãn riêng. Ở đây nhà cung cấp phải tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu về màu sắc, sợi, kiểu dáng, kích cỡ, chất lượng, nhãn mác, giá cả…

Bao gói và vận tải

Nhà xuất khẩu cần đảm bảo sự ổn định về bao bì. Ký hiệu vận tải trên bao bì phải đúng theo quy định quốc tế. Các bao/hộp phải được đóng dấu hoặc in rõ ràng trên một mặt với tất cả ký hiệu bằng mực không phai. Vật liệu của bao gói nên dùng loại có thể tái sinh để không gây ô nhiễm môi trường. Nếu bao gói không đạt tiêu chuẩn có thể gây hại cho sản phẩm, đồng thời khiến nhà nhập khẩu gặp khó trong vấn đề thanh lý chuyến hàng, tiếp thị hàng hóa… Tất cả các lô hàng bao bì làm là thùng gỗ đều phải có giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền tại nước xuất khẩu, xác nhận gỗ đã qua xử lý theo quy định. Những chuyến hàng không đáp ứng các yêu cầu này có thể bị bắt giữ hoặc không được cho phép thông quan vào Canada.

Dán nhãn hàng hóa

Để được tiêu thụ ở Canada, tất cả mặt hàng dệt may phải tuân thủ theo các quy định và Luật Dán nhãn Dệt may Canada. Nhãn phải đáp ứng được một số câu hỏi cơ bản như hàng sản xuất ở đâu, ai sản xuất (tên công ty và địa chỉ hoặc số hiệu nhà kinh doanh), sản xuất bằng chất liệu gì, cách bảo quản sản phẩm như thế nào... Bất kỳ sản phẩm nào có tỉ lệ sợi hơn 5% đều phải liệt kê bằng tiếng Anh và tiếng Pháp theo trình tự tỉ lệ sợi.

Nhà xuất khẩu cần tham vấn nhà nhập khẩu trước khi cho in nhãn mác vì nếu có yêu cầu nào trong quy định về nhãn mác bị thiếu, hàng hóa sẽ không được đem ra bán. Trong khi đó, việc thay đổi hay đính thêm nhãn mác rất mất thời gian và chi phí cho việc này cũng không phải là ít.

Thông thường, nhãn mác sẽ do nhà nhập khẩu Canada cung cấp cho nhà sản xuất. Hàng may mặc thiếu nhãn mác hoặc không đúng đều không thể được nhập khẩu vào Canada, ngoại trừ trường hợp hàng được đóng nhãn ngay tại Canada.

(*) Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada

1tỉ USD

Mục tiêu kim ngạch thương mại 2 chiều của Ukraine và Việt Nam được dự kiến vào năm 2011. Năm 2008 con số này đã vượt mức 500 triệu USD.

1,26 tỉ USD

Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ ước tính đến tháng 6.2009, giảm 10-15% so với cùng kỳ năm 2008. Thị trường xuất khẩu lớn của ngành gỗ là Mỹ hiện giảm khoảng 10%, châu Âu giảm 8-10%.

Giao lưu với đoàn dệt may Ấn Độ

Ngày 25.6.2009, chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM sẽ phối hợp với Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu sản phẩm dệt, sợi cotton Ấn Độ tổ chức buổi giao lưu thương mại giữa doanh nghiệp 2 nước. Tham gia giao lưu có đại diện các công ty Ấn Độ trong lĩnh vực dệt, sản xuất các loại sợi cotton. Đây sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ và trao đổi hợp tác về các lĩnh vực trong ngành dệt may. Địa điểm: Khách sạn Rex, 141 Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM.

Thêm 3 loại trái cây có thể vào thị trường Mỹ

Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, Việt Nam đã thỏa thuận với Mỹ để được xuất thêm 3 loại trái cây sang thị trường này, ngoài thanh long đã được cấp phép trước đây. Ba loại trái cây khác là chôm chôm, nhãn và vải. Cũng theo cơ quan này thì đây mới là thỏa thuận ban đầu, 2 bên còn phải tiến hành các thủ tục tiếp theo mới xuất được.

Việt kiều được nhập ôtô cũ về nước

Theo Thông tư 118 do Bộ Tài chính vừa ban hành, từ ngày 24.7 tới, Việt kiều hồi hương được nhập 1 ôtô cá nhân đang sử dụng theo chế độ tài sản di chuyển. Ôtô phải được đăng ký sử dụng ở nước định cư và tuân thủ những quy định về nhập khẩu ôtô chở người dưới 16 chỗ đã qua sử dụng. Cục hải quan các tỉnh, thành phố sẽ tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy phép nhập khẩu xe theo quy định hiện hành. Trường hợp người được phép hồi hương cư trú ở địa phương không có tổ chức hải quan thì liên hệ với cục hải quan gần nhất để được cấp giấy phép nhập khẩu.

NGUYỄN HÙNG

Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới