Hủy

Tốc độ mở rộng đô thị Việt Nam xếp thứ hai Đông Á

Thứ Hai | 26/01/2015 11:30

Tốc độ mở rộng của Hà Nội và TPHCM lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng các khu đô thị của các nước khác ở Đông Á, trừ Trung Quốc.
 

Theo báo cáo "Thay đổi Cảnh quan Đô thị Đông Á: Đánh giá một thập kỷ phát triển không gian" do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, Việt Nam đang đô thị hóa nhanh chóng cả về không gian và dân số.

Mặc dù nhiều đô thị được mở rộng, các thành phố đang trở nên đông đúc hơn. Cảnh quan đô thị bị chi phối bởi hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM đang phát triển nhanh hơn nhiều so với tất cả các thành phố khác, điều này được đại diện WB nhấn mạnh như một phát hiện nổi bật của báo cáo. Hai thành phố này mở rộng thêm rất nhiều nhưng vẫn còn rất chật chội.

Theo WB, Việt Nam không có các thành phố cực lớn với 10 triệu người hoặc hơn nhưng các khu đô thị TPHCM với 7,8 triệu người ở miền Nam và Hà Nội với 5,6 triệu người ở miền Bắc nằm trong số các thành phố lớn nhất trong khu vực. Hai thành phố này chi phối cảnh quan đô thị của quốc gia về cả đất đô thị và dân số. Ngoài ra, Việt Nam có một đô thị có số dân trong khoảng 1 triệu đến 5 triệu (Hải Phòng), 6 đô thị trong khoảng 500.000 - 1 triệu và 21 đô thị trong khoảng 100.000 đến 500.000 người.

Mặc dù đáng chú ý nhất trong quá trình mở rộng đô thị ở Việt Nam là tốc độ tăng nhanh khu đô thị tại Hà Nội và TPHCM. Tốc độ mở rộng của hai thành phố này, lần lượt là 3,8% và 4% hàng năm, lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng các khu đô thị của các nước khác trong khu vực, trừ Trung Quốc.

WB dự báo, nếu cứ tiếp tục tăng với tốc độ hiện nay, đến 2020 cả hai thành phố sẽ lớn gấp đôi so với năm 2000. Hai đô thị này cũng tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với các khu đô thị khác của Việt Nam. Trong số các khu đô thị của Việt Nam có dân số hơn 500.000 người, chỉ Đà Nẵng có tỷ lệ tăng gần bằng 3,5%.

Về không gian, cả diện tích đô thị của Hà Nội (850 km2 năm 2010) và diện tích đô thị của TPHCM (810 km2 năm 2010) đã mở rộng gần như bằng nhau trong giai đoạn 2000 - 2010. Diện tích tăng tuyệt đối gần bằng 270 km2. Tốc độ mở rộng này lớn hơn bất cứ khu đô thị nào khác trong khu vực, ngoài Trung Quốc, bao gồm cả những khu đô thị lớn hơn nhiều như Jakarta, Manila, Seoul và Tokyo.

Hơn 50% tổng diện tích đất đô thị cả nước nằm tại hai khu đô thị này, và khoảng cách giữa hai đô thị này với các khu đô thị khác của Việt Nam đang ngày càng mở rộng, với 75% tăng trưởng không gian đô thị mới thuộc về hai khu vực này. Tuy nhiên, tỷ lệ dân cư đô thị trong hai thành phố về cơ bản là giống nhau trong giai đoạn này, xấp xỉ 60% trong cả hai năm 2000 và 2010.

Hầu hết tất cả các khu đô thị trong nước đã trở nên dày đặc hơn, nhưng có một ngoại lệ đáng chú ý là TPHCM, nơi đông dân nhất nhưng lại giảm chút ít về mật độ trong giai đoạn 2000 - 2010 mặc dù dân số tăng lên 2,5 triệu người (3,9% mỗi năm). Mức tăng dân số Hà Nội vẫn thấp hơn TPHCM, thêm 2,1 triệu người trong giai đoạn này (4,8%/năm).

Mặc dù diện tích hành chính của TPHCM rất lớn và một nửa trong số đố vẫn chưa được xây dựng, nhưng quá trình đô thị hóa đang tiến đến các tỉnh lân cận. Tổng đất đô thị trải dài qua 35 quận huyện và thuộc 5 thành phố. Trong số khoảng 820 km2 tổng diện tích đô thị của TPCHM năm 2010, thì chỉ só khoảng hơn một nửa 53% là thuộc phạm vi địa giới hành chính của TPHCM, 23% ở Bình Dương và 18% ở Đồng Nai. Quan trọng hơn 70% diện tích mở rộng mới từ 2000 nằm ngoài TPHCM, hầu hết ở Bình Dương (42%).

Trên thực tế, mật độ dân cư tính trên toàn bộ diện tích trên giảm bớt một chút hoàn toàn là do tăng mở rộng diện tích ngoại ô, nơi có các dự án lớn phát triển các ngành công nghiệp mới. Gần 80% mức tăng dân số diễn ra trong nội thành TPHCM và dân số tất cả các quận trong phạm vi thành phố đều tăng.

Khu vực đô thị Hà Nội lớn hơn về không gian so với khu đô thị TPHCM, nhưng dân số thấp hơn. Mô hình phát triển của Hà Nội khá khác so với TPHCM. Hà Nội nằm trong khu vực đồng bằng sông Hồng, đặc trưng bởi hàng trăm khu dân cư nằm rải rác, bao gồm các thị trấn nhỏ, tương phải với hầu hết các cụm dân cư đồng nhất của TPHCM. Quá trình phát triển mới xung quanh Hà Nội cũng phân tán tương tự, mặc dù từ năm 2000 các khu dân cứ nằm rải rác dường như kết nối các hành lang dọc theo đường quốc lộ, chẳng hạn theo tuyến đông bắc từ trung tâm Hà Nội qua Bắc Ninh và đến phía đông theo hướng Hải Dương.

Trong con số xác định trong nghiên cứu này tổng diện tích đất đai Hà Nội là 850 km2 thuộc 40 huyện nằm trong 5 tỉnh. Theo cách tính đó, có 37% tổng diện tích đất đô thị đã xây dựng và 31% đất xây dựng đô thị tăng lên từ năm 2000 nằm trong khu vực thành phố Hà Nội. Những nơi mật độ dân cư đô thị tăng nhanh nhất là những quận đã thực sự đông dân trong khu trung tâm lâu đời của thành phố như Đống Đa, Hai Bà Trưng và Hoàn Kiếm, nơi năm 2010 mật độ dân cư đã trên 400.000 người/km2. Cả hai quận Đống Đa và Hai Bà Trưng đều tăng thêm 100.000 người mỗi quận trong khi thực tế diện tích xây dựng không hề tăng thêm.

Vì vậy, Hà Nội mặc dù có thể đang mở rộng nhanh chóng, trung tâm thành phố vốn đã rất đông người vẫn sẽ tiếp tục đông hơn. Tại TPHCM, mật độ dân số trong khu trung tâm tăng có thể là do sự phát triển công nghiệp đã tạo công ăn việc làm và thu hút dân vào thành phố và số lao động mới này tìm kiếm chỗ ở trong khu dân cư hiện tại.

Trong thập kỷ 2000 - 2010, Việt Nam đã nhảy từ vị trí có diện tích đất đô thị lớn thứ 7 trong năm 2000 với 2.200 km2 lên vị trí thứ 5 trong 2010 với 2.900 km2 trong hệ thống phân cấp đô thị, vượt qua cả Thái Lan và Hàn Quốc.

Mức tăng 700 km2 này nằm trong số tăng lớn nhất trong khu vực. Chỉ có đất đô thị của Indonesia và Trung Quốc là tăng nhiều hơn về giá trị tuyệt đối. Về không gian, các khu vực đô thị của Việt Nam tăng 2,8% hàng năm, nằm trong số các nước có tỷ lệ tăng nhanh nhất khu vực.

Trong tổng diện tích đất của Việt Nam, 0,9% là đất đô thị, một tỷ lệ tương tự như của Trung Quốc, nhưng cao hơn Indonesia và Philippines. Hầu hết (94%) đất xây dựng tăng thêm này là đất trồng trọt như tăng trưởng đô thị lấy mất chỉ 0,6% tổng đất trồng trọt của quốc gia.

Việt Nam hiện có dân số đô thị lớn thứ 6 trong khu vực Đông Á với 23 triệu người. Trong giai đoạn 2000 và 2010, dân số đô thị tăng 7,5 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số đô thị 4,1% hàng năm là một trong những tỷ lệ cao nhất trong khu vực, chỉ thấp hơn Lào và Campuchia, hai nước nhỏ hơn nhiều. Trong giai đoạn này, dân số đô thị của Việt Nam thay đổi từ 19% thành thị, sống trong khu vực đô thị có từ 100.000 người trở lên, lên 26%.

Với mật độ 7.700 người/km2 năm 2010, trung bình các đô thị của Việt Nam ngày càng trở nên trật trội hơn so với toàn khu vực, mặc dù chưa bằng mức tại Indonesia, Hàn Quốc hay Philippines. Tuy nhiên, mật độ dân số đô thị trung bình đã tăng lên, từ mức 6.800 người/km2 trong năm 2000.

Đại diện WB cho rằng, thách thức với chính phủ Việt Nam là cần có mô hình phát triển đô thị mới, phát triển đô thị theo dân cư, giao thông...

Nguồn DVO


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới