Hủy

Trong tình thế của một quốc gia không được phép lựa chọn!

Thứ Ba | 13/05/2014 13:57

Việt Nam ở cạnh Trung Quốc như nước Nhật nghèo nàn tài nguyên: chúng ta sẽ làm nên điều thần kỳ nữa cũng từ một tình thế không thể lựa chọn?
 

Tuần vừa qua, nhà báo nổi tiếng người Mỹ Thomas L. Friedman đã có lần đặt chân thứ hai đến đất nước Việt Nam. Mục đích chính của ông là viết về Việt Nam của hiện tại sau 20 năm và giới thiệu cho lần tái bản của cuốn sách “Thế giới phẳng” – khái niệm có lẽ được người Việt Nam nhắc đến nhiều hơn cả cái tên của chính tác giả. Đó là một tác phẩm đã quá thành công. Nhưng khi gặp ông, nhiều người lại đặt câu hỏi về một vấn đề khác – về Việt Nam trong mối quan hệ với Trung Quốc.

Bởi lẽ, chuyến thăm lần này của Friedman tình cờ diễn ra trong một hoàn cảnh đặc biệt: đất nước Việt Nam đang sục sôi hướng về sự kiện Trung Quốc – con hổ láng giềng ngang nhiên đặt giàn khoan dầu trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Người đàn ông Mỹ sôi nổi nhưng điềm tĩnh trong buổi giao lưu tại trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hôm đó – đã không trả lời bất kì câu hỏi nào liên quan đến những căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc, kể cả những cuộc hỏi chuyện riêng.

Nhưng ông đã không để mình rơi vào tình huống phải “nợ” những câu hỏi đặt ra từ phía Việt Nam quá lâu. Ngay cuối tuần trước, Friedman đã có bài viết đầy đủ về Việt Nam trên thời báo New York Times và đó là cách trả lời tuyệt vời nhất mà một nhà báo có thể làm.
Bó đũa sẽ khó bị bẻ gãy hơn đôi đũa

“More Chopsticks, Please” - là nhan đề bài báo trên của Friedman, nhằm ám chỉ cách duy nhất mà một quốc gia nhỏ bé và yếu thế như Việt Nam có thể ngăn chặn sự xâm phạm từ một nước lớn như con hổ Trung Quốc đó là liên minh. Liên minh với các nước láng giềng trong khu vực. Liên minh để không còn một đôi đũa đơn lẻ. Liên minh để làm thành một bó đũa to – rất khó bị bẻ gãy. Vì vậy Việt Nam cần nhiều chiếc đũa hơn (more chopsticks)!

Trong khi việc liên minh với các nước láng giềng đối mặt với nhiều khó khăn trong thực tế bởi Trung Quốc đã nắm kiểm soát thương mại đối với những quốc gia nhỏ “dễ bắt nạt”. Còn trong trường hợp của Việt Nam, quả thật nền thương mại không những của Việt Nam mà toàn khu vực châu Á đã lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

Nghiên cứu của PSG, TS. Từ Thúy Anh và TS. Nguyễn Bình Dương (2011) đã chỉ ra rằng, tỷ lệ thâm nhập của Trung Quốc năm 2008 trên thị trường Việt Nam đặc biệt nghiêm trọng trong các ngành sản xuất máy móc thiết bị (85,9%); sản xuất than cốc và dầu mỏ tinh chế (71,8%);… So sánh với các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc còn thấy, Việt Nam xuất siêu nguyên liệu thô, khoáng sản, nông lâm thủy sản, còn nhập siêu chủ yếu là phương tiện vận tải, máy móc thiết bị, hàng chế biến phân theo nguyên liệu (vải, chất dẻo),...

Rõ ràng, đó là cuộc trao đổi hoàn toàn có lợi cho Trung Quốc và Việt Nam là quốc gia bị lệ thuộc.

Hiện thực trên là điều không dễ thay đổi trong một sớm một chiều, nhưng xây dựng mối liên kết bền chặt với các nước láng giềng trong cộng đồng ASEAN là điều cần phải làm. Cùng với đó, kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế và cả các nước lớn như Mỹ cũng là một biện pháp giúp Việt Nam tránh khỏi tình thế bị hạn chế trong chiếc hộp của những quốc gia nhỏ chịu chi phối mạnh mẽ từ Trung Quốc.

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam muốn cường quốc số một là Mỹ lên tiếng. Không phải nhờ cậy Mỹ để gây nên bất kì cuộc chiến tranh nào, không phải để các dân tộc “đổ máu”, mà là để nhờ Mỹ hay “ai đó nói với một quốc gia khác phải bình tĩnh lại”, Friedman dẫn lời Lê Duy Anh – giảng viên Viện Quản trị kinh doanh (FSB) trong bài viết.

Tuy nhiên, trên đây chỉ là những biện pháp ngoại giao nhằm đảm bảo có thể giải quyết vấn đề trong hòa bình, theo tuyên bố chung của các ngoại trưởng ASEAN tại hội nghị cấp cao vừa diễn ra cuối tuần qua. Với tầm nhìn dài hạn hơn, để đương đầu với những hành động ngang ngược của Trung Quốc, Việt Nam phải đứng trên đôi chân của chính mình, tăng cường nội lực để củng cố sức chịu đựng và khả năng chống chọi với những biến động liên tiếp từ bên ngoài.

Việt Nam có thể hiện thực hóa điều đó bằng ba trụ cột: cơ sở hạ tầng, con người và pháp trị.

Với những tiến bộ rõ ràng trên cả hai mặt cơ sở hạ tầng và pháp luật (với sự ra đời của bản Hiến pháp sửa đổi), mối lo lắng còn lại chính là con người, nguồn nhân lực cho sự phát triển của quốc gia.

Hình ảnh thanh niên biểu tình tại TP. Hồ Chí Minh ngày 11/5.
Hình ảnh thanh niên biểu tình tại TP. Hồ Chí Minh ngày 11/5.
Một câu hỏi hợp lý có thể đặt ra lúc này, “đâu rồi – những phần trăm tuổi trẻ?” trong một đất nước đang ở trong thời kì dân số vàng với hơn 70% dân số bước vào độ tuổi lao động mỗi năm, như cách nói của ông Nguyễn Hữu Thái Hòa – Giám đốc Chiến lược Tập đoàn FPT. Những “phần trăm” đóng góp cho một Việt Nam vững mạnh hơn trong tương lai, những “phần trăm” của sáng tạo, nhiệt huyết và cần cù, những “phần trăm” của những mái đầu xanh bây giờ truyền cho những mái đầu xanh sau này.

Nếu như sự kiện Biển Đông là một hồi chuông thức tỉnh thì đội quân tóc xanh của dân tộc Việt Nam cần làm nhiều hơn những gì đã làm, cống hiến nhiều hơn những gì có thể để một Việt Nam có thể tự đứng vững trên đôi chân của chính mình!

Người Nhật Bản đã vươn lên từ “xuất thân” không thể lựa chọn của một đất nước nghèo nàn tài nguyên, còn Việt Nam liệu có thể làm nên điều thần kì tương tự, cũng từ một tình thế không thể lựa chọn - ở cạnh “con hổ khổng lồ” Trung Quốc?

Suy cho cùng, tức giận là phản ứng thông thường của bất kì ai sau khi bị tấn công. Nhưng chuyện có giành được chiến thắng hay không, lại được quyết định bằng những cái đầu lạnh, bình tĩnh - khôn ngoan - quả cảm.

Nguồn GAFIN/Theo DVO


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới