Hủy

Trực tiếp: Dương Chí Dũng đề nghị làm rõ số tiền 1,66 triệu USD liên quan tới Vinalines

Thứ Ba | 22/04/2014 09:15

TAND Tối cao mở phiên tòa cấp phúc thẩm theo đơn kêu oan, xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo trong vụ án tại Vinalines.
 

16h31 Chi phí neo đậu ụ nổi khoảng 1 tỷ đồng/tháng

Giống như Đức, Lê Ngọc Triện biết ụ nổi không phải tàu biển, là người phê duyệt bước 2, Triện không yêu cầu những giấy tờ mà tàu biển nhập khẩu phải có.

Triện có cha già ốm yếu, anh trai thương binh và bản thân từng làm trong quân đội, bệnh cũ tái phát khiến đi lại khó khăn, Triện xin giảm án. Tiền yêu cầu bồi thường 9 tỷ là quá lớn.

Ông Sợi – đại diện của Tổng công ty hàng hải Việt Nam cho biết, Chính phủ cho tạm dừng nên đến bây giờ DA cũng như hạng mục ụ nổi đang ở tình trạng tạm dừng. Ụ đang neo ở cảng Lò Dầu (Đồng Nai), toàn bộ chi phí liên quan đến neo đậu ụ khoảng 800 triệu – 1 tỷ/tháng.

Tổng công ty đã đề xuất phương án xử lý lên Bộ GTVT là bán ụ nổi nhưng cơ quan điều tra nói đây là tang vật vụ án nên khi nào có quyết định mới được bán để thu hồi vốn.

Hiện tại ụ nổi đang được bảo vệ bởi một đội bảo vệ của công ty. Khoản tiền nợ do neo đậu ụ có thể lên tới 23,6 tỷ. Tòa hỏi: có phải Ụ không cho thuê được, không bán được mà thậm chí có thể phá ụ để bán sắt phế liệu? ông Sợi cho rằng sau này thị trường vận tải biến khá lên, có thể bán được ụ.

16h30 Bị cáo Lê Văn Lừng xin giảm án

Bị cáo Lê Văn Lừng trả lời tại tòa là không thay đổi lời khai.

Lừng khai mình thiếu trách nhiệm trong công tác chứ không cố ý làm trái quy định của nhà nước. Lừng xin giảm hình phạt số năm tù và xin giảm bồi thường vì bản thân đã 12 năm trong quân đội, bảo vệ Trường Sa 6 năm, bố mẹ gần 90 tuổi, vợ ung thư hiểm nghèo, nếu 8 năm tù thì gia đình không ai chăm sóc. Khi thực hiện không có mục đích tư lợi gì.

“Tôi chỉ thực hiện bước 3 thôi, mà bước 1, bước 2 lãnh đạo đã phê duyệt rồi, tôi cũng chỉ có cách ký bước 3 thôi”.

Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên bây giờ không thể đóng tiền để khắc phục một phần thiệt hại được.

16h00 Tòa: Huỳnh Hữu Đức đồng phạm là hoàn toàn đúng

15h40: Đưa Bị cáo Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện vào.
Bị cáo Huỳnh Hữu Đức: Không thay đổi kháng cáo, xin giảm hình phạt và giảm tiền bồi thường. Đức nhận thức được ụ nổi không phải tàu biển và nếu nói cố ý thì Đức không có mục đích và động cơ.

Tòa chỉ ra rằng theo những văn bản của Cục hải quan quy định về vấn đề liên quan đến nhập khẩu hàng hóa, là hải quan thì Đức phải biết việc nào là vi phạm.

Lý do xin giảm hình phạt: mức án quá cao so với Đức vì Đức chỉ cho kiểm tra 100% ụ nổi thôi, đó là đúng quy trình.

Lý do xin giảm tiền bồi thường: tòa cho rằng Đức không nêu được lý do thích hợp.

Đức chưa biết gia đình đã bồi thường phần nào trong 9 tỷ bị tuyên phạt chưa.

Đức nói hoàn toàn không được tư lợi chút nào từ vụ này. Tòa cho biết: bản án sơ thẩm buộc Đức là đồng phạm là hoàn toàn đúng.

15h30 Bị Cáo Lê Văn Dương

Bị cáo Dương nhận tội cố ý làm trái với vai trò đồng phạm nhưng xin xem xét giảm án. Trước khi phạm tội thì Dương là đăng kiểm viên chi cục đăng kiểm số 6, được cử đi đoàn khảo sát ụ nổi 83M hoạt động với chức năng độc lập.

Theo nhận thức chuyên môn của Dương, do chưa có hướng dẫn giám định ụ nổi nên đã căn cứ vào hồ sơ giấy tờ và kiến thức kinh nghiệm bản thân, Dương thấy ụ nổi không phải là tàu biển. Đến bây giờ vẫn cho rằng ụ nổi không phải là tàu biển.

Quá trình khảo sát đó, Dương không chịu sự quán triệt tinh thần bằng mọi cách mua được ụ như các thành viên Vinalines, chỉ có Sơn nói là “Vinalines rất muốn mua ụ nổi này, mong Dương xem xét”.

Khi giám định, vì điều kiện thời gian giám định chỉ trong 1 buổi chiều nên chưa đủ. Nếu làm tròn trách nhiệm, Dương thừa nhận Vinalines không thể mua ụ vì tình trạng ụ rất xấu.

Dương khai không hề được Sơn cho tiền, lúc đó chỉ nhận thức là việc làm của mình không sai và nể nang Sơn nên mới thực hiện hành vi. Trong bản án sơ thẩm yêu cầu liên đới bồi thường, Dương cũng chưa tác động gia đình bồi thường. Dương xin tình tiết giảm nhẹ: anh trai là thương binh, bố mẹ có huy chương kháng chiến.

15h10: HĐXX muốn làm rõ, báo cáo kiểm định, khảo sát có khách quan.

Bị cáo Khang khẳng định: Báo cáo là chân thực, khách quan, duy chỉ có chi tiết là đoàn không chứng kiến ụ nổi 83M nổi lên nhưng vẫn ghi vào trong báo cáo là chứng kiến toàn bộ việc ụ nổi nổi lên.

14h54: HĐXX chuyển sang phần xét hỏi bị cáo Mai Văn Khang. Bị cáo Mai Văn Khang (SN 1958) – nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin (Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam).

Bị cáo Khang bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 7 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tòa cho hỏi bị cáo Mai Văn Khang. Bị cáo vẫn băn khoăn giữa yêu cầu minh oan và giảm tội. Trình bày không rõ luật lắm nên Khang “cầu khẩn”, nếu thấy không minh oan được thì tòa cũng xem xét giảm tội cho bị cáo.

Khang trình bày lại quá trình đi khảo sát tại Nga, có chứng kiến cảnh chiếc ụ nổi chìm xuống để hạ thủy chiếc tàu cá nhỏ (bị cáo Trần Hữu Chiều gọi là chiếc ca-nô). Tuy nhiên, quy trình nổi lên của ụ nổi đoàn cũng không xem đầy đủ mà chỉ được một lúc thì phải về vì thời gian hạn hẹp nhưng vẫn đưa thông tin này vào báo cáo.

Bị cáo vẫn khẳng định vai trò của bản thân trong đoàn chỉ là phiên dịch tiếng Anh.

14h55: Tiếp tục xoáy sâu vấn đề ai chỉ đạo mua ụ nổi 83M, HĐXX tiếp tục xét hỏi bị cáo Trần Hữu Chiều về việc có ai chỉ đạo trong việc mua ụ nổi. Bị cáo Chiều khẳng định không ai chỉ đạo. Điều này hoàn toàn trái ngược với lời khai của Trần Hải Sơn trước đó.

14h50: Tại phiên tòa, bị cáo Sơn tiếp tục thừa nhận được Dũng và Phúc chỉ đạo mua bằng được ụ nổi 83M. Việc mua bán không thực hiện trực tiếp với chủ ụ mà phải mua qua Công ty AP.

14h37: Tòa yêu cầu hỏi Trần Hải Sơn.

HĐXX: Lời khai của bị cáo có khách quan và sự thật không?

Bị cáo Trần Hải Sơn: Bị cáo khai khách quan và sự thật.

HĐXX: Bị cáo có bị ép cung, mớm cung không?

Bị cáo Trần Hải Sơn: Dạ không có ạ.

14h26: Trình bày về hành vi tham ô, VKS đặt câu hỏi: “Trong vụ việc, nếu chỉ Sơn và Chiều là 2 người giúp việc, ở cấp thấp hơn mà lại được hưởng bồi dưỡng mà bị cáo và Chủ tịch HĐQT Dương Chí Dũng không biết thì có hợp lý không? Các bị cáo có chấp nhận bị cấp dưới… qua mặt vậy không?”.
Phúc vẫn khẳng định không biết. VKS công bố một bút lục ghi lời khai của Phúc tại cơ quan điều tra nói về việc bị cáo hỏi Sơn về khoản hoa hồng sau khi Tổng công ty quyết định việc mua ụ nổi 83M qua công ty AP.

14h25: Bị cáo Mai Văn Phúc tiếp tục được HĐXX xét hỏi. Trả lời các câu hỏi của kiểm sát viên, ông Phúc cho rằng, có nhiều lúc ông ta ký kết văn bản nhưng... không đọc, do tin tưởng cấp dưới.

14h12: Trần Hữu Chiều tiếp tục giải trình, bản thân còn không biết giá mua bán của ụ nổi, chỉ thẩm định về mặt kỹ thuật.
Nói về việc được nhận 340 triệu đồng, bị cáo khai, đầu năm 2009, Chiều vay nợ của Sơn 1 tỷ đồng. Khi hỏi vay thì Sơn mang đến 340 triệu đồng đó nói ở ngoài Hà Nội chỉ có bằng này, vào TPHCM sẽ chuyển tiếp.

Sau đó Sơn cũng chuyển thêm qua tài khoản cho Chiều cho đủ 1 tỷ đồng. Nhưng sau đó, Sơn có nói lại chỉ phải trả khoản tiền chuyển khoản này, còn 340 triệu trước là “em bồi dưỡng bác”.

Bị cáo Chiều nộp đơn xin giảm nhẹ hình phạt tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xin giảm bồi thường dân sự. Bị cáo Chiều phải chịu trách nhiệm dân sự khoảng 39 tỷ đồng trong hành vi cố ý làm trái. Về hành vi tham ô tài sản, bị cáo Chiều đã hoàn trả 340 triệu đồng.

14h07: Bị cáo Trần Hữu Chiều khai nhận có tham gia khảo sát mua ụ nổi 83M, và đoàn công tác không phân công ai là trưởng đoàn.
14h00: Mở đầu phiên xét xử buổi chiều, Hội đồng xét xử xét hỏi bị cáo Trần Hữu Chiều (nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines).

Ở phiên sơ thẩm, ông Chiều bị TAND TP. Hà Nội 10 năm tù về tội tham ô, 9 năm tù về tội cố ý làm trái quy định nhà nước. Tổng án phạt là 19 năm tù.

11h38: Theo bị cáo Phúc, gia đình bị cáo đã có ý khắc phục hậu quả để nhằm thoát án tử hình. Nhưng bị cáo Phúc không đồng ý và cho rằng, nếu khắc phục khác gì bị cáo nhận mình phạm tội.

11h24: Mai Văn Phúc khẳng định không quen biết, không tiếp xúc lần nào với Giám đốc công ty AP Goh Hoon Seow.

"Chỉ có thể quy kết bị cáo ở tội "Thiếu trách nhiệm" thôi. Bị cáo không phạm tội "Tham ô tài sản" và "Cố ý làm trái", bị cáo Phúc nói trước tòa.

"Bị cáo có nhận 1 chai rượu Chivas 18, và phong bì 2 triệu của Trần Hải Sơn vào cuối năm 2008, tại nhà bị cáo ở Làng quốc tế Thăng Long. Còn lại, những lời khai của Sơn là hoàn toàn sai sự thật", bị cáo Phúc khai.

11h17: HĐXX chuyển sang phần xét hỏi bị cáo Mai Văn Phúc - nguyên Tổng giám đốc Vinalines. Phúc trình bày lại, vụ việc xảy ra khi Phúc vừa được bổ nhiệm chức Tổng giám đốc 2 tháng.

Bị cáo Phúc cho rằng mình không phạm tội "Tham ô tài sản" vì "không nhận bất cứ đồng nào từ phía Trần Hải Sơn" liên quan đến số tiền 1,66 triệu USD.

11h13: Trần Hải Sơn xin giảm án

Sơn xin giảm hình phạt tội cố ý làm trái vì chỉ tham gia ký nháy hồ sơ, Tổng công ty quy định cấp trưởng quyết định thì cấp phó ký nháy chứ nội dung không phải do Sơn soạn thảo, khi gặp Phúc, Dũng thì nói lại với nhau và nghe chỉ đạo chứ không có cuộc họp nào cả.

Việc nhận 1,66 triệu USD tương đương 28 tỷ qua công ty Phú Hà là Sơn nhận nhưng không biết ai là người đàm phán.

Số tiền 28 tỷ được chia cho Dũng 10 tỷ, Phúc 10 tỷ, Triều là 340 triệu, Huyền 2 tỷ theo chỉ đạo của Dũng và Phúc. Không chia đồng nào cho Khang và Dương. Sơn nhận 7,8 tỷ.

Sơn cũng khai: “Bị cáo nghĩ sau này mình là người quản lý DA này nên nhận số tiền gần bằng Dũng và Phúc”.

Mọi việc đưa tiền không có chứng cứ gì cả, mọi việc chỉ biết khai cho cơ quan điều tra thôi.

Sơn xin giảm hình phạt tội tham ô vì nghĩ rằng sẽ cố gắng vận động gia đình khắc phục hậu quả và những gì đã biết thì đã khai. Do bị giam nên không biết gia đình đã khắc phục được bao nhiêu.
11h: Tòa xét hỏi bị cáo Trần Hải Sơn

Tòa xét hỏi bị cáo Trần Hải Sơn và bị cáo trả lời.

Khi mua ụ nổi, bị cáo Sơn là phó Ban QLDA, Triều là trưởng ban. Bị cáo không phải thành viên HĐQT. Lúc chất vấn của HĐQT bị cáo không có mặt. Ban TGĐ của Tổng công ty hàng hải cụ thể là ông Phúc trực tiếp đàm phán mua ụ. Trần Hữu Triều là trưởng đoàn khảo sát và ký biên bản ghi nhớ.

Toàn bộ giao dịch nâng giá ụ nổi là Triều giao cho Khang.

Sơn khẳng định lại những lời đã khai về việc đưa vali tiền cho Dũng. “Lời khai của Dũng không đúng”.

Căn cứ cho lời khai này đã trình bày với cơ quan điều tra và không thay đổi. Anh lái xe đón tại Khách sạn Vic thì hiện cũng không biết thế nào vì công ty đã giải tán. Ngoài lần gặp ở KS Vic đó, Sơn không nhớ có gặp lần nào không. Số tiền 5 tỷ là Huyền - em gái Sơn chuẩn bị cho, có Huyền, Long (chồng Huyền) chứng kiến.
10h59: Dương Chí Dũng có nguyện vọng làm rõ số tiền 1,66 triệu USD

Trả lời sau cùng phần xét hỏi, Dương Chí Dũng nói:

Nguyện vọng của bị cáo là đề nghị phía công ty của Nga, làm rõ số tiền 1,66 triệu USD căn cứ cơ sở pháp lý nào để nói nó là tài sản của Vinalines. Với tư cách là chủ tịch HĐQT, đại diện trước pháp luật nhưng không điều hành trực

10h21: Dương Chí Dũng khẳng định có bằng chứng ngoại phạm, không nhận tiền tham ô

Việc mua ụ về mà chưa được phê duyệt dự án, mấy năm không đưa vào sửa chữa được, thì thấy đó có phải là hậu quả không?

- Bị cáo rất hối hận

- Theo kết quả giám định, tổng thiệt hại mua ụ là 367 tỷ, thấy thế nào? (7/5/2012). Còn đến bây giờ thì không biết là như thế nào.

- Bị cáo nhận thức được tội

- Bị cáo xin giảm hình phạt 8 năm vì cố ý làm trái vì lý do gì?

- Bị cáo không phải là không biết sai mà cố ý. Là thành viên HĐQT thì phải theo ý kiến quyết định của ban HĐQT. Bị cáo không có chỉ đạo với TGĐ.

- Đối với hành vi tham ô, bị cáo có nhận tiền của Sơn không?

- Có trời đất chứng giám, tôi không nhận. Tết nhất đến thăm thì nhận chai rượu, quà tết thôi. Có lần ở KS Sheraton, anh ấy có biếu chai rượu, thế thôi. ở KS Vitory thì không có.

- Đi công tác HCM nghỉ KS nào?

- Victory

- Bị cáo thừa nhận có 1 lần SƠn đến KS Victory, Sơn mang đến 1 vali kéo, có rượu?

- Không, trong điều tra có những lời khai của bị cáo có nhiều cái không được ghi vào. Ở Victory, tôi không nhận vali tiền như anh Sơn khai. Thời gian đó tôi đang trên máy bay.

- Bị cáo không nhận tiền sao lại phải khắc phục hậu quả bây giờ?

- Tôi khắc phục vì là người lãnh đạo mà gây ra hậu quả, vì trách nhiệm tôi phải khắc phục chứ tôi không được lợi gì từ ụ nổi. Gia đình bán hết tài sản, nộp vào 4,7 tỷ không biết là nộp cho ai.

- HĐXX cũng chưa nhận được tài liệu nào về việc nộp 4,7 tỷ này.

- Tôi cũng nghe tin thế thôi

- Bị cáo có đơn là trước mắt khắc phục 10 tỷ tham ô, sau đó khắc phục tiếp thiệt hại cố ý làm trái, đúng không?

- Đúng

- Ở đây, bị cáo nói 4,7 tỷ là khắc phục tội chung chứ không phải riêng tội tham ô?

- Đúng

- Không nhận tiền của Sơn?

- Không nhận tiền của ai, không chỉ đạo ai. Thời gian bị cáo ở Victory mà a SƠn nói là điện cho bị cáo và mang tiền đến thì lúc đó bị cáo đang ở trên máy bay, có bằng chứng ngoại phạm, có nhân chứng chứng kiến. Không phải có một mình bị cáo.

- Trước khi đi mua ụ, có gặp ông Ngôn?

- Một lần ở hội thảo giới thiệu trong HCM

- Lần đó, ông Ngôn có nhờ bị cáo thương thảo giúp đỡ trong việc mua ụ không?

- Không, chỉ nói xã giao là ok thôi. Không nói cụ thể gì cả, nói với đông người nước ngoài khác nữa.

- Có tin tưởng Sơn trong công việc không?

- Là anh em thì ai cũng tin tưởng cả.

- Sơn khẳng định đã đưa tiền cho bị cáo 2 lần

- Bị cáo khẳng định là không có lần nào

- Có biết vụ này có tiền lại quả không?

- Khi cơ quan điều tra báo mới biết

Ngoài 2 căn nhà mang tên chị Thảo, căn nhà ở Nguyên Hồng, còn tài sản nào?

- Còn xe. Nhà thì không còn.

- Căn hộ ở Sky City Láng Hạ, nguồn tiền ở đâu?

- Lấy của vợ bị cáo. Mua hết bao nhiêu không nhớ vì cô Thảo ký. Theo xác minh là 4 tỷ 9.

- Thảo khai là đóng 600 triệu, đúng không?

- Nếu cô ấy khai thế thì là đúng.

- Vợ bị cáo có kháng cáo với cả 3 căn hộ.

- Có tiền của người khác đưa cho vợ bị cáo nhưng cái phần của bị cáo thì sẵn sàng nộp hết cho nhà nước

09h53: Tòa bắt đầu xét hỏi Dương Chí Dũng

Bị cáo Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện được chuyển sang phòng khác, tòa xét hỏi với các bị cáo còn lại.

Tòa bắt đầu xét hỏi Dương Chí Dũng

Tòa: bị cáo có ý kiến gì với đơn kháng cáo của mình không?

Dương Chí Dũng (DCD): giữ nguyên, bổ sung một số vấn đề sẽ trình bày sau

Tòa: ngoài kêu oan, xin giảm hình phạt hay thế nào?

DCD: đối với tội cố ý làm trái, xin giảm hình phạt. Tội tham ô không thay đổi gì. Xin trình bày thêm quan điểm.

Tòa: tại phiên tòa hôm nay, đã nhận được đơn nhận tội và xin đền bù khắc phục một phần hậu quả. Có kêu oan về tội tham ô nữa không?

DCD: tội tham ô vẫn kêu oan từ đầu

Tòa: tại thời điểm xảy ra vụ án, bị cáo giữ cương vị gì?

DCD: tổng giám đốc, 1/2007 là quyền chủ tịch HĐQT, 4/2007 chính thức là chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ

Tòa: DA nhà máy sửa chữa tàu biển phía nam chủ trương từ bao giờ?

DCD: từ 2006

Tòa: DA này HĐQT có ra quyết định triển khai thực hiện không?

DCD: có nghị quyết từ 2006 (lúc đó đang là TGĐ)

Tòa: đến khi nào DA này được triển khai?

DCD: sau khi có văn bản báo cáo Bộ GTVT, Chính phủ có văn bản 4805 chấp thuận nguyên tắc chủ trương cho phép

Tòa: có nhận được văn bản của VPCP không? Nội dung như thế nào?

DCD: có. Ý kiến của TTCP là đồng ý về nguyên tắc

Tòa: tức là đồng ý lập phương án triển khai, trình TTCP phê duyệt.?

DCD: bị cáo sai rồi, bị cáo không cập nhật bổ sung quy hoạch của Bộ GTVT, chưa được TTCP phê duyệt

Tòa: bị cáo với tư cách là HĐQT có giao cho TGD thực hiện DA không?

DCD: có. Giao TGĐ lập Da, trình HĐQT phê duyệt

Tòa: theo dự toán ban đầu thì da đầu tư xây dựng nhà máy tàu biển phía nam là bao tiền?

DCD: hơn 3000 tỷ.

Tòa: DA này có phải thiết kế cơ sở hạ tầng không?

DCD: sau khi triển khai thì phải làm

Tòa: giao cho đơn vị nào?

DCD: CTCP tư vấn thiết kế hàng hải

Tòa: theo quy định, giao cho công ty này thì Bộ GTVT có phải thẩm định không?

- Không

- Thực tế có thẩm định không?

- Chỉ thẩm định khi trình quy hoạch thôi

- Ngày 30/6/2008, Bộ GVTV mới có thẩm định cơ sở hạ tầng DA này, đúng không?

- Không nhớ

- Việc thành lập đoàn khảo sát 83M ai quyết định?

- TGĐ Mai Văn Phúc

- Đó có phải 1 hạng mục trong DA tổng thể nhà máy phía nam không?

- Có

- Khi DA nhà máy phía nam chưa được phê duyệt mà đã mua ụ nổi thì có đúng quy trình không?

- Không đúng. Lý do là TGĐ trình là có dịp nhà máy ở Nga giải thể, cần bán ụ để giải phóng mà chúng ta có nhu cầu mua

- Ai quyết định mua?

- Thẩm quyền là HĐQT trên cơ sở trình của TGĐ

- Trước đó còn có bên Nga hay nước nào chào hàng ụ nổi khác không?

- Ban tham mưu có nghiên cứu thị trường, chính bị cáo đề nghị mua ụ của Na Uy còn mới
nhưng không hiểu sao tham mưu lại không chấp nhận ụ đó

- Tại sao không đi khảo sát các ụ khác?

- Do TGĐ làm nên bị cáo không rõ

- Ụ 83M thì quyết định cho HĐQT, người thực hiện là Mai Văn Phúc, khi đoàn khảo sát ở Nga về thì lãnh đạo của Tổng công ty hàng hải VN trình gì cho bị cáo?

- Không có, chỉ trình HĐQT, bị cáo với tư cách là chủ tịch thì trình bằng văn bản

- Trước khi đoàn khảo sát đi, bị cáo có gặp và chỉ đạo không?

- Không. Chỉ có khi đi về thì được biếu chai rượu. TGD chỉ báo cáo thông qua tờ trình với HĐQT

- Đoàn khảo sát báo cáo về, căn cứ vào đâu mà HĐQT quyết định mua?

- Trên cơ sở nhu cầu SX cần ụ đó, vốn vay thì cũng muốn mua ít tiền để thu hồi vốn nhanh

- Nếu mua về mà các hạng mục của nhà máy phía nam chưa được phê duyệt thì mua ụ về để đâu?

- Mua về sửa chữa và cho thuê khai thác luôn, các nhà máy sửa chữa cũng cần. mua về neo đậu ở Đồng Nai. DA nhà máy chậm nên kéo dài hơn 2 năm, thành ra ụ chưa được sửa chữa.

- Công ty của bị cáo SƠn đã sửa chữa ụ này?

- Chỉ là cổ đông góp vốn thôi

- Ban đầu ai là chủ đầu tư?

- Tổng công ty hàng hải Việt Nam lúc đầu

- Đến khi nào chuyển đổi sang cho công ty bị cáo Sơn?

- Sau khi sửa chữa tàu, ụ nhưng chưa khai thác

- Chính thức là ụ đưa về VN ngày nào?

- Không nhớ

- 6/6/2008 ụ đã về VN trong khi 20/8 mới được thẩm định. Chi phí cho việc mua ụ cả vận chuyển là bao nhiêu?

- Theo báo cáo của TGĐ kể cả sửa chữa là 26 triệu USD

- Nguồn tiền ở đâu?

- PHương án của TGĐ trình là vay của NH, sau đó dùng nguồn của cổ đông để trả

- Sau này thanh toán dùng tiền ở đâu?

- PA là sau này thành lập CTCP chuyển sang

9h15: HĐXX tạm dừng phiên tòa để hội ý.

9h12: Luật sư Ngô Ngọc Thủy (bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng), cho rằng, đây là vụ án có bị cáo đang đối mặt với bản án cao nhất là tử hình.

Vì thế, HĐXX cần xem xét đầy đủ các yếu tố, tài liệu liên quan đến vụ án. Luật sư Thủy cho rằng, đã cung cấp ý kiến của nhân chứng cho Tòa. Do vậy, nếu triệu tập thêm nhân chứng này là rất chính đáng, sẽ giúp HĐXX làm rõ bản chất vụ án.

9h09: Luật sư Trần Đại Thắng – bảo vệ quyền lợi cho Dương Chí Dũng đề nghị triệu tập 3 nhân chứng, hai nhân chứng thuộc công ty của Nga và một nhân chứng nữa là anh Phạm Văn Quỳnh – lái xe đưa đón Dương Chí Dũng ở TP. HCM trong phi vụ đưa 5 tỷ đồng.

Ngay sau đó, vị chủ tọa hỏi ý kiến đại diện cơ quan viện kiểm sát. Theo đó, kiểm sát viên này cho rằng, việc có thể triệu tập nhân chứng, có được là tốt. Tuy nhiên, những yêu cầu đó không nhất thiết, Tòa có thể tiếp tục vụ án.

8h56: Phiên tòa phúc thẩm gồm 3 thẩm phán gồm các ông Nguyễn Văn Sơn; Nguyễn Đức Nhuận và bà Nguyễn Thị Minh Thu, trong đó ông Sơn được phân công là chủ tọa phiên tòa.

Đại diện Viện Kiểm sát Tối cao là các ông Bùi Đình Tiếng và Vũ Quang Huy.

16 luật sư tham gia phiên tòa, trong đó Dương Chí Dũng có 3 luật sư, Mai Văn Phúc có 2 luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp tại phiên tòa.

Hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt mức án tử hình cho hai tội danh: Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

8h30: HĐXX cấp phúc thẩm kiểm tra căn cước các bị cáo.
8h25: Tòa công bố quyết định xét xử phúc thẩm. Theo quyết định xét xử, tòa phúc thẩm mở theo đơn kháng cáo, kêu oan của 9/10 bị cáo. Bị cáo Bùi Thị Bích Loan (SN 1963) – nguyên Kế toán trưởng Vinalines không làm đơn kháng cáo. Bị cáo Loan bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 4 năm tù giam về tội: Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Thời điểm này, luật sư Trần Đình Triển cũng đã có mặt tại phiên tòa.

8h21: Thư ký phiên tòa kiểm tra thành phần tham gia phiên tòa. Đến thời điểm này, thành phần tham dự phiên tòa chỉ thiếu luật sư Trần Đình Triển – người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Dương Chí Dũng. Ông Triển là một trong ba luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Dương Chí Dũng.

8h00: Xe đặc chủng chở Dương Chí Dũng đến sân Tòa. Các lực lượng chức năng đang dẫn giải bị cáo Dương Chí Dũng vào phòng xử án.

Ông Dương Chí Dũng trang bộ trang phục sơ mi trắng, quần đen cắm thùng. So với phiên tòa xét xử bị cáo Dương Tự Trọng – em trai Dương Chí Dũng vào tháng 1/2014, ông Dũng nhìn khỏe mạnh, nhanh nhẹn hơn nhiều.

Dự kiến, phiên tòa phúc thẩm sẽ có 16 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Văn Sơn.

3 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng gồm: luật sư Trần Đại Thắng, luật sư Ngô Ngọc Thủy và luật sư Trần Đình Triển.

6h50: Xe đặc chủng chở các bị cáo đã đến phiên tòa. Các bị cáo được dẫn giải vào phòng chờ xét xử. Đến thời điểm này vẫn chưa có mặt bị cáo Dương Chí Dũng. Bị cáo Mai Văn Phúc và các bị cáo khác đều đã mặt tại Tòa.

PV nhiều cơ quan báo chí có có mặt để đưa tin về phiên phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm. Được biết, có khoảng 25 cơ quan báo, đài được cấp thẻ để đưa tin về phiên Tòa.

6h00: An ninh ở khu vực tòa tối cao được thắt chặt, việc ra vào khu vực cổng Tòa tối cao được kiểm tra chặt chẽ.

Sáng nay (22/4), Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ đưa “đại án” tham nhũng xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) ra xét xử theo trình tự cấp phúc thẩm.

Trước đó, trong phiên tòa cấp sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Dương Chí Dũng mức án tử hình cho 2 tội “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong vụ án này, ông Dương Chí Dũng được xác định là chủ mưu. Ông Mai Văn Phúc xác định vai trò cầm đầu; Bị cáo Trần Hữu Chiều và Trần Hải Sơn được xác định là đồng phạm giúp sức tích cực trong việc mua ụ nổi 83M gây thiệt hại 367 tỉ đồng và tham ô 1,67 triệu USD.

Trong số tiền tham ô này, ông Dũng được chia 10 tỷ đồng, ông Phúc được chia 10 tỷ đồng, ông Chiều 340 triệu đồng, và Trần Hải Sơn hơn 7,8 tỷ đồng.

TAND Tối cao mở phiên tòa cấp phúc thẩm theo đơn kháng cáo kêu oan và xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo trong vụ án tham nhũng xảy ra tại Vinalines.

Ngoài ra vợ ông Dương Chí Dũng - bà Phạm Thị Mai Phương cũng đệ đơn đề nghị TAND Tối cao gỡ bỏ lệnh phát mãi 3 căn nhà của gia đình./.

Nguồn Tổng hợp


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới