Hủy

TS. Lê Thẩm Dương: Hoãn Thông tư 02 là lựa chọn khôn ngoan

Thứ Tư | 29/05/2013 15:33

Việc hoãn Thông tư 02 thêm 1 năm hoàn toàn hợp lý. Nếu siết phân loại nợ ngay, không chỉ xử lý không xuể, mà còn có thể gây ra đổ vỡ.
 

Đó là ý kiến được TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh – Đại học Ngân hàng TPHCM đưa ra trong bài trả lời phỏng vấn báo Đầu tư ngày 29/5/2013.

TS. Dương cho rằng nếu áp dụng ngay Thông tư 02 nền kinh tế sẽ chuyển sang giai đoạn rất xấu. Các doanh nghiệp vừa mới vực dậy thì nay có nguy cơ rơi trở lại vào khó khăn, không thể tiếp tục vay được vốn do bị quay trở lại nhóm nợ xấu. Nợ xấu gia tăng cũng buộc các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, không thể tăng trưởng tín dụng.

Theo ông Dương, không thể cực đoan trong điều hành, mà người quản lý bao giờ cũng phải chọn phương án ít xấu nhất trong những phương án xấu. Vì thế, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoãn áp dụng Thông tư 02 trong vòng 1 năm theo ông Dương là lựa chọn khôn ngoan.

Khi được hỏi về quan điểm của mình trước những ý kiến cho rằng hoãn Thông tư 02 sẽ khiến nợ xấu chưa được làm rõ, ông Dương cho biết: Vấn đề nào cũng có hai mặt. Thông tư 02 mang tính chiến lược, có tác dụng chuẩn hóa nợ xấu, làm rõ bức tranh nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Việc thực hiện Thông tư 02 sẽ giúp ngành ngân hàng chủ động quản trị rủi ro. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn, việc hoãn Thông tư 02 chỉ là giải pháp tình thế, không thể so sánh với giải pháp dài hạn được.

Ông Dương đưa ra dẫn chứng, năm 2012, khi NHNN chưa áp dụng Thông tư 02, mới chỉ yêu cầu các ngân hàng thương mại trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định hiện hành, mà nhiều ngân hàng đã bị lỗ nặng. Còn bây giờ, nếu thực hiện ngay Thông tư 02, chắc chắn nhiều ngân hàng sẽ gặp nguy. Khi đó, doanh nghiệp cũng bị vạ lây.

“Kể cả khi làm rõ nợ xấu, chúng ta cũng không thể xử lý hết ngay một lúc được. Do đó, trước hết, chúng ta phải ưu tiên xử lý nợ xấu cũ hiện tại đã, đồng thời hoàn thiện công tác chuẩn bị, hoàn thiện cách làm, rồi dần dần bổ sung thêm. Nếu giờ “siết” phân loại nợ ngay, không chỉ xử lý không xuể, mà còn có thể gây ra đổ vỡ.”, ông Dương nói.

Nguồn Báo Đầu tư


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới