Hủy

TS Nguyễn Đình Cung: Có thể EVN phá sản thì ngành điện Việt Nam mới phát triển

Thứ Tư | 11/02/2015 11:47

Ông Cung kiến nghị, về trung và dài hạn nên tách EVN thành nhiều phần, tách riêng sản xuất và phân phối với chuyển tải điện...
 

Sáng nay (11/2/2015), Hội thảo Báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV và năm 2015 được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương với chủ đề hội thảo là "Thành quả cải cách phát triển 2014 và một số vấn đề chính sách 2015 - 2016".

Trong phần phát biểu tham luận của mình, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương dành nhiều quan tâm tới vấn đề trật tự thị trường, gồm các nội dung về giá điện, giá xăng, giá cước vận tải....

Về giá điện, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, Bộ Công thương bảo vệ đề xuất và phương án tăng giá điện thay cho EVN; Bộ đồng ý tăng giá để bù đắp thua lỗ cho doanh nghiệp thay vì bảo vệ lợi ích người tiêu dùng; Bộ ép người dân phải gánh chịu lợi thế độc quyền của EVN.
 
Do đó, theo ông Cung, vấn đề không phải là tăng giá bao nhiêu mà là cách thức họ tăng giá. Ông đề nghị cách thức hợp lý trước mắt là Bộ phải rà soát, đánh giá chi phí sản xuất điện, tham vấn chuyên gia, người  tiêu dùng và các bên liên quan.

Từ đó, kiểm soát giá điện bảo vệ người tiêu dùng chứ không phải bảo vệ lợi ích EVN, không thể có những tuyên bố mang tính thách đố và mặc cả như không tăng giá, EVN phá sản và sụp đổ ngành điện.

Ông Cung cho rằng, có thể EVN phá sản thì ngành điện Việt Nam mới phát triển được chứ không phải kéo theo sụp đổ ngành điện.

Ông Cung kiến nghị, về trung và dài hạn, tách EVN thành nhiều phần, tách riêng sản xuất và phân phối với chuyển tải điện, liên quan đến điện, Bộ Công thương phải tách làm 3, chính sách điện, sở hữu EVN và các đơn vị trực thuộc và cơ quan điều tiết điện lực quốc gia, thành lập thị trường cạnh tranh về điện.

Về giá xăng và giá cước vận tải, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết giá xăng giảm mạnh, liên tục và nhiều lần nhưng giá cước vận tải không giảm tương ứng. Cách quản lý là Bộ, sở 2 ngành giao thông và tài chính tiến hành thanh tra, kiểm tra giá, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải giảm giá, nếu không bị phạt hoặc rút giấy phép.

Đồng thời, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung chỉ ra rằng, nguyên nhân của những tình trạng trên là do cung cầu không có khả năng cân bằng trong ngắn hạn, thị trường kém hoặc không có cạnh tranh.

Vấn đề cốt lõi là các rào cản gia nhập thị trường còn quá cao, doanh nghiệp mới không thể gia nhập thị trường dễ dàng; thị trường kém linh hoạt và năng động đủ tạo sức ép cạnh tranh cho các doanh nghiệp hiện có. Cấu trúc thị trường và kiểm soát độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh.

Nguồn DVO


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới