Hủy

Tự chứng nhận xuất xứ: Doanh nghiệp nửa mừng, nửa lo

Thứ Tư | 18/06/2014 11:31

Nhận thấy lợi ích của xu thế tự chứng nhận xuất xứ, Việt Nam đang nghiên cứu và hướng tới áp dụng cơ chế này vào năm 2015.
 

Điều này khiến cho các DN vừa mong chờ, vừa băn khoăn.

Doanh nghiệp nhỏ vẫn có thể tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá.
Doanh nghiệp nhỏ vẫn có thể tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá.

Còn nhiều băn khoăn

Từ trước đến nay, các DN Việt Nam vẫn làm thủ tục chứng nhận xuất xứ (chứng nhận C/O) khá bị động. Tức là chỉ làm khi mà nhà nhập khẩu yêu cầu và cũng chưa hiểu được hết những ưu đãi, những tiềm năng lớn mà việc tự chứng nhận xuất xứ đem lại cho DN. “Sự chuyển đổi bao giờ cũng khó khăn. Các DN sẽ bị ảnh hưởng đến hoạt động bình thường kể cả khi họ đã nhận được chứng thực đủ năng lực để tự chứng nhận xuất xư (TCNXX) sản phẩm” - Hoàng Tuấn Anh - nhân viên xuất nhập khẩu, Tập đoàn Kangaroo cho biết.

Ngược lại, có DN cho rằng sẽ rất dễ dàng khi thực hiện thủ tục TCNXX. Thực tế, TCNXX yêu cầu bản thân DN phải hiểu rõ và có những kiến thức đầy đủ về quy tắc chứng nhận xuất xứ của từng nước, tính toán như thế nào để cho sản phẩm của mình đáp ứng được các quy định, nguyên tắc của các nước nhập khẩu. Bởi mỗi sản phẩm khác nhau có những tiêu chuẩn khác nhau và mỗi nước khác nhau lại có những quy định về quy tắc xuất xứ khác nhau.

Các DN không chứng thực được khả năng tự khai và TCNXX sẽ gặp khó khăn trong việc xuất khẩu. Trước hết là ở việc không nhận được những ưu đãi thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đây cũng là một vấn đề khiến cho các DN vừa và nhỏ trăn trở, bởi liệu hơn 900.000 DN vừa và nhỏ hiện có tại VN, với sức xuất khẩu không cao thì có được chứng thực khả năng TCNXX hay không, hay sẽ chịu thiệt thòi khi vẫn phải thực hiện quy trình chứng nhận C/O như cũ.

Bà Trần Thị Thu Hương - GĐ Trung tâm xác nhận chứng từ (VCCI) - cho rằng: “Trong quá trình áp dụng ưu đãi thuế quan phổ cập và ưu đãi thuế quan theo các FTA thì VN cũng có kiến nghị ưu đãi đối với cả các lô hàng nhỏ. Ví dụ như những lô hàng mang tới hội chợ, triển lãm hay lô hàng mang theo hành lý cá nhân trị giá thấp ở một mức độ giới hạn nào đó thì DN không cần phải làm thủ tục chứng nhận xuất xứ mà hoàn toàn có thể tự cam kết về xuất xứ cho các lô hàng này. Cam kết đó được thể hiện ngay trên hóa đơn thương mại của DN khi làm thủ tục XK và những lô hàng đó vẫn nhận được ưu đãi về thuế quan”. Điều này sẽ đảm bảo cho các DN nhỏ với lượng XK thấp không bị thiệt so với các DN lớn có khả năng TCNXX.

Cơ hội tiết kiệm thời gian và chi phí

Nếu như trước đây DN phải chuẩn bị giấy tờ, hoàn tất hồ sơ và đưa đến một cơ quan có thẩm quyền để được chứng nhận, thì khi có cơ chế TCNXX, tất nhiên DN sẽ vẫn phải thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ thủ tục hồ sơ, nhưng sẽ không cần phải có một cơ quan nào để làm thủ tục xin cấp chứng nhận mà chính hồ sơ của DN sẽ là cam kết về chất lượng sản phẩm giữa DN với nhà nhập khẩu. Như vậy, thủ tục được giản lược tối đa và DN tiết kiệm một phần không nhỏ chi phí, thời gian.

Bên cạnh đó, việc TCNXX còn tăng tính chủ động cho các DN trong việc làm thủ tục chứng nhận xuất xứ, nâng cao ý thức trách nhiệm của DN, nâng cao năng lực trong hiểu biết về thị trường các nước, hoàn thiện quy trình chuẩn, từ đó phát huy tính chuyên nghiệp trong hoạt động thương mại. Nếu biết cách khai thác tối ưu thì TCNXX sẽ trở thành một công cụ hiệu quả để DN quảng bá hình ảnh và sản phẩm.

Hiện VN đang nghiên cứu và xây dựng đề án cho phép DN TCNXX hàng hóa để được hưởng các ưu đãi thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do nhưng hình thức, quy trình cụ thể thế nào thì đến nay vẫn chưa có quy định. Theo mục tiêu chung của các nước ASEAN, dự tính đến năm 2015, cơ chế TCNXX sẽ được áp dụng tại 10 nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Nguồn Lao động


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới