Hủy

Tỷ lệ thuế, phí/GDP của Việt Nam cao gấp 1,4 - 3 lần so với khu vực

Thứ Ba | 04/09/2012 17:01

Những chính sách bảo hộ vàthuế chồng lên thuế khiến mỗi người dân gánh chịu tỉ lệ thuế phí/GDP rất cao so với các nước khác trong khu vực.
 

Một bản báo cáo về kinh tế vĩ mô 2012 vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố gần đây đã chỉ ra rằng tỉ trọng các khoản thu khác đang ngày càng gia tăng với lưu ý thu từ dầu thô đang có tỉ trọng ngày càng giảm dần trong tổng thu ngân sách nhà nước, từ khoảng 6,9% GDP trong năm 2007 xuống còn chưa đầy 3,1% GDP trong năm 2011.

Nhấn mạnh tỉ trọng 26,3% GDP (trừ dầu thô còn khoảng 21,6% GDP) trong giai đoạn 2007 - 2011, báo cáo nhận định, mức thu từ thuế và phí - không kể thu từ dầu thô - của Việt Nam rất cao so với các nước khác trong khu vực. Trung bình trong 5 năm gần đây, tỉ lệ thu từ thuế và phí/GDP của Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và Malaysia là xấp xỉ 15,5%, Philippines là 13,0%, Indonesia là 12,1% và của Ấn Độ chỉ là 7,8%. 

aba

Cũng với những so sánh này được nêu ra tại diễn đàn của Ủy ban Kinh tế Quốc hội gần một năm trước, nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính đều cho rằng, nhất thiết phải giảm tỷ lệ động viên vào ngân sách xuống dưới 20%. Ủy ban Kinh tế đã đề nghị Chính phủ hạ tỷ lệ huy động vào ngân sách từ 25% GDP xuống  không quá 24% GDP/năm, theo dự kiến tại kế hoạch 5 năm (2011 – 2015).

Tuy nhiên, với ước tính sơ bộ của năm 2011 tỷ lệ này vẫn ở mức 24,4%, tác giả Phạm Thế Anh, tại báo cáo nhấn mạnh rằng, ngoài việc chịu “thuế lạm phát” hàng năm ở mức hai con số, những chính sách bảo hộ và thuế chồng lên thuế đang khiến mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỉ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực.

Cũng theo như phân tích của tác giả thì bên cạnh thuế thu nhập, Việt Nam còn áp nhiều khoản thuế cao khác đánh vào tiêu dùng như thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu.  

Ngoài thuế, đáng chú ý là bản báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 còn đề cập đến các chi phí không chính thức rất cao mà các doanh nghiệp Việt Nam phải trả. Theo kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011, mặc dù đã giảm nhưng vẫn có tới hơn 52% số doanh nghiệp được hỏi trả lời rằng họ phải chi  trả dưới dạng tiền lót tay cho các cán bộ hành chính địa phương, 7% số doanh nghiệp phải chi trả tới hơn 10% tổng thu nhập của họ cho các  khoản chi phí không chính thức.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng mặc dù tham nhũng nhỏ có biểu hiện giảm đi nhưng tham những lớn lại có xu hướng tăng. Liên quan đến khía cạnh này, có  tới 56% doanh nghiệp tham gia đấu thầu các dự án của nhà nước cho biết việc chi trả hoa hồng là phổ biến.

Hệ lụy của tổng mức thu thuế/GDP cao, trong đó có việc để mức thuế suất cao hơn so với các nước trong khu vực, theo phân tích tại báo cáo còn là một trong những động cơ hấp dẫn các doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận ra nước ngoài nhằm hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn. 

Khi số liệu thống kê những năm gần đây cho thấy, chiếm khoảng 20% GDP trong toàn nền kinh tế nhưng các doanh nghiệp FDI lại  chỉ đóng góp trên dưới 10% tổng thu ngân sách nhà nước. Nhiều doanh nghiệp trong khu vực này liên tục báo lỗ nhưng lại xin mở rộng đầu tư.

Để giảm các bất cập như đã phân tích ở trên, báo cáo cho rằng hệ thống thuế cần được cải cách đảm bảo các tiêu chí  tạo nguồn thu bền vững, hiệu quả, công bằng và minh bạch. Gánh nặng thuế cần phải được điều chỉnh giảm một cách hợp lý.

Nguồn VnEconomy


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới