Hủy

Tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn được cho vay trung, dài hạn tăng gấp đôi lên 60%

Thứ Sáu | 21/11/2014 12:36

Thông tư cũng quy định tỷ lệ LDR phải duy trì của ngân hàng thương mại Nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 90%, các ngân hàng khác là 80%.
 

Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước "Quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài" vừa ban hành sửa đổi một số quy định tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn...

Theo đó, tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa là 60% với ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tăng gấp đôi so với quy định 30% tại Thông tư 15/2009. Tỷ lệ này là 200% với tổ chức tín dụng phi ngân hàng, và 60% với ngân hàng hợp tác xã.

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ (bao gồm cả các khoản ủy thác cho tổ chức khác mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ nhưng không bao gồm các khoản mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ bằng nguồn vốn ủy thác từ tổ chức khác) theo tỷ lệ tối đa so với nguồn vốn ngắn hạn áp dụng với ngân hàng thương mại nhà nước là 15%, với ngân hàng TMCP, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 35%.

Tỷ lệ tối đa này quy định với chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 15%, tổ chức tín dụng phi ngân hàng 5% và ngân hàng hợp tác xã là 40%.

Nếu tại thời điểm Thông tư 36 có hiệu lực mà các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung và dài hạn và tỷ lệ đầu tư trái phiếu Chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn không đảm bảo quy định trên thì không được cấp thêm bất kỳ khoản tín dụng trung hạn và dài hạn, mua, đầu tư thêm trái phiếu Chính phủ cho đến khi đáp ứng tỷ lệ quy định tại Thông tư này. Đồng thời phải xây dựng phương án xử lý có biện pháp và kế hoạch để đảm bảo sau thời hạn tối đa 1 năm kể từ ngày thông tư có hiệu lực thi hành tuân thủ đúng quy định.

Thông tư mới cũng quy định tỷ lệ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) phải duy trì của ngân hàng thương mại Nhà nước và chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 90%. Ngân hàng hợp tác xã, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 80%. Theo quy định cũ, tỷ lệ này với đối với các ngân hàng là 80%.

Các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi không đảm bảo quy định tại thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành phải có phương án xử lý trong đó có kế hoạch để đảm bảo sau thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành tuân thủ đúng quy định.

Thông tư 36 có hiệu lực từ 1/2/2015 sẽ thay thế các thông tư số 15/2009/TT-NHNN ngày 10/8/2009 của Thống đốc NHNN ban hành Quy định về tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn; Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 Quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng; Thông tư số 19/2010/TT-NHNN ngày 27/9/2010 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-NHNN quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng...

Nguồn DVO/SBV


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới