Hủy

USD biến động, ngân hàng “phòng thủ” ngoại tệ

Thứ Tư | 26/08/2015 11:32

NHNN có cuộc họp khẩn cấp với các ngân hàng TMCP về việc “giữ yên” tỷ giá từ nay đến cuối năm, đồng thời cam kết bán USD can thiệp thị trường.
 

Khó giảm lãi suất

Lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại cổ phần hiện cao nhất ở mức 6,2%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng.

Lãi suất cho vay đang dao động quanh mức 8-10%/năm.

Trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước mong muốn giảm thêm lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 1 - 1,5%/năm để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây lại là thách thức không nhỏ cho các ngân hàng.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nhập siêu năm nay của Việt Nam tăng dự tính 6 tỷ USD, giá dầu đang có xu hướng giảm mạnh khiến dự thu ngân sách năm nay giảm 32.000 tỷ đồng (báo cáo của Bộ Tài chính 6 tháng đầu năm). Trong khi đó, nợ công bằng đồng USD của Việt Nam chiếm đến một nửa, khi tỷ giá tăng 1% thì nợ công tăng tương ứng 1.000 tỷ đồng. Do vậy, việc giảm lãi suất là khó vì nguồn tiền gửi vào ngân hàng đang chậm lại, nếu giảm lãi suất tiếp rất khó hút tiền vào ngân hàng.

Trong khi đó, tiền gửi qua đêm trên thị trường liên ngân hàng lại tăng cao nhất trong một năm trở lại đây. Báo cáo phân tích của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVS) cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã bơm 52.000 tỷ đồng trên thị trường liên ngân hàng trong 3 tuần gần đây. Lãi suất trung bình tăng cao ở cả 3 kỳ hạn, cao nhất kỳ hạn qua đêm, tăng 0,69%, đạt mức 5,02%/năm, kỳ hạn một tuần tăng 0,62%, đạt mức 5,02%/năm và kỳ hạn hai tuần tăng 0,54% lên mức 4,92%/năm.

USD bien dong, ngan hang “phong thu” ngoai te

Ngân hàng “phòng thủ” ngoại tệ

Việc tỷ giá tăng kịch trần những ngày gần đây do ảnh hưởng quá lớn từ đồng Nhân dân tệ phá giá. Thị trường tiền tệ thế giới biến động không ngừng nên việc phòng thủ thanh khoản ngoại tệ của ngân hàng Việt là điều dễ hiểu.

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết, biến động của tỷ giá VND/USD trước sức ép của tỷ giá Nhân dân tệ đã khiến các ngân hàng rất lo lắng và nhanh tay mua ngoại tệ vì sợ tỷ giá còn tăng tiếp. Ngân hàng cũng căng thẳng ngoại tệ, việc bán USD kỳ hạn nào cho doanh nghiệp còn phải cân nhắc và tùy thuộc vào mỗi loại sản phẩm cụ thể.

Một số ngân hàng trên địa bàn TP.HCM đã nhanh chóng họp ban lãnh đạo để đưa ra các phương án về tỷ giá và dự trữ thanh khoản ngoại tệ trong thời gian tới.

Lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chưa sử dụng đến hợp đồng kỳ hạn (forward) để mua ngoại tệ, chủ yếu là mua giao ngay (spot), do đó càng gây căng thẳng tỷ giá tạm thời.

Thống đốc trong cuộc họp ngày 25/8 với các ngân hàng TMCP đã yêu cầu các ngân hàng hạn chế bán các hợp đồng kỳ hạn một năm và rút ngắn thời hạn các hợp đồng kỳ hạn, vì sẽ đẩy tỷ giá về lâu dài tăng lên.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, tuần trước doanh số mua ngoại tệ của một số ngân hàng trên địa bàn thành phố thấp hơn doanh số bán ra. Tuy nhiên, đã có những doanh nghiệp nhập khẩu bán lại USD cho các ngân hàng. Do vậy, từ giờ đến cuối năm các ngân hàng vẫn đảm bảo cung ứng đủ ngoại tệ cho các doanh nghiệp đủ điều kiện.

Liên quan tới tỷ giá, ngân hàng Trung ương Trung Quốc vừa quyết định bơm tiền bằng việc nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất 0,25%/năm khiến lãi suất huy động còn 1,75%/năm và lãi suất cho vay còn 4,6%/năm có hiệu lực từ ngày 26/8. Đồng thời giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 0.5% xuống còn 18%, hiệu lực từ 6/9/2015.

Việc giảm lãi suất đồng Nhân dân tệ được cho là không có ảnh hưởng lớn đến tỷ giá của đồng tiền này, tuy nhiên một chuyên gia ngân hàng cho rằng điều này chưa chắc chắn, vì giảm lãi suất sẽ giảm sự hấp dẫn của Nhân dân tệ.

Nguồn Bizlive


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới