Hủy

Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Nhiều chỉ tiêu, số liệu chưa chính xác

Thứ Ba | 20/05/2014 20:05

Một số chỉ tiêu quan trọng trong báo cáo của Chính phủ điều chỉnh nhiều lần và có khác biệt khá lớn giữa các lần báo cáo, công bố.
 

Ủy ban Kinh tế Quốc hội hôm 20-5 cho rằng, một số chỉ tiêu quan trọng trong báo cáo của Chính phủ như cán cân thương mại, thu ngân sách, tăng trưởng dư nợ tín dụng độ chính xác chưa cao, điều chỉnh nhiều lần và có khác biệt khá lớn giữa các lần báo cáo, công bố thông tin.

Cần đánh giá thực chất hơn
Báo cáo trước Quốc hội hôm 20-5 về kết quả phát triển kinh tế xã hội năm 2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu các con số cụ thể:

- Chỉ số giá tiêu dùng cả năm là 6,04%, thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Dư nợ tín dụng cả năm tăng 12,5%. Tỷ lệ nợ xấu giảm còn 3,63%. Mặt bằng lãi suất giảm 2 - 5%/năm. Tỷ giá được duy trì ổn định, dự trữ ngoại hối tăng. Kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4%; Đến cuối năm 2013 nợ công bằng 53,4% GDP, nợ Chính phủ 41,5%, nợ nước ngoài của quốc gia 37,2% (đã báo cáo là 56,2%, 42,6% và 39,5%), trong giới hạn bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm là 22,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 35,9%; số vốn thực hiện đạt khoảng 11,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 9,9%. Tổng vốn ODA giải ngân đạt trên 5,1 tỉ đô la Mỹ, tăng 23%. Tăng trưởng GDP đạt 5,42%.

Phó Thủ tướng khẳng định, kết quả trên cho thấy, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2013 đạt cao hơn so với số đã báo cáo Quốc hội, khẳng định rõ hơn xu hướng phục hồi của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, mục tiêu tổng quát Quốc hội đề ra cho năm 2013 đã cơ bản đạt được. Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng xu hướng ổn định vĩ mô của nền kinh tế chưa thực sự vững chắc.

Ông dẫn chứng: Tổng cầu nội địa còn yếu, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 chỉ tăng 12,6%; thấp hơn nhiều so với con số trung bình khoảng 20% của các năm trước năm 2011 và thấp hơn mức tăng 16% của năm 2012. Số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động tiếp tục tăng cao so với năm 2012 (tăng 11,9%). Nợ xấu chưa được giải quyết cơ bản; nợ công ngắn hạn đến hạn và quy mô trả nợ ngày càng lớn.

Tăng trưởng của khu vực nông nghiệp giảm sút rõ rệt, năm 2013 chỉ còn tăng trưởng 2,67%. Các giải pháp và hệ thống tiêu thụ nông sản chưa thật sự căn cơ, chưa tạo sự yên tâm cho người dân.

Theo ông Nguyễn Văn Giàu, cán cân thương mại mặc dù cải thiện tích cực nhưng xuất khẩu tăng trưởng chủ yếu từ khối doanh nghiệp FDI, tỷ lệ nhập khẩu về nguyên, vật liệu lớn để gia công sản xuất cho thấy sự phụ thuộc vào thị trường cung cấp nước ngoài.

Giá và lượng xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản phẩm chủ lực như gạo, cà phê, cao su, cá tra, cá ba sa sụt giảm, công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển quá chậm, chưa tận dụng và khai thác hết các cơ hội.

Đáng lo ngại, theo đại diện UBKTQH là tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng lên do sản xuất vẫn gặp khó khăn, đáng chú ý là trong số lao động thất nghiệp, số người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật chiếm tỷ lệ khá cao.

Ông Nguyễn Văn Giàu cho biết có một số ý kiến lo ngại về việc phát hành trái phiếu Chính phủ quy mô lớn nhưng chủ yếu qua ngân hàng thương mại chiếm 86% tổng nguồn huy động trái phiếu Chính phủ. Điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến dòng đầu tư tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, tác động tiêu cực đến mặt bằng lãi suất và chi phí vay vốn của doanh nghiệp. "Đây là một trong những nguyên nhân khó tiếp cận vay vốn tín dụng", ông nói.

Ông Giàu cho rằng cần đánh giá thực chất hơn thực trạng của nền kinh tế qua diễn biến sản xuất và đời sống cũng như tính khách quan số liệu của các báo cáo.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong những tháng còn lại của năm 2014, chính phủ sẽ điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng hợp lý.

Chính phủ sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, tập trung chống thất thu, nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách nhà nước, kiên quyết cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các khoản chi chưa thực sự cấp bách. Bảo đảm bội chi ngân sách nhà nước trong phạm vi Quốc hội quyết định, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư.

Băn khoăn số liệu

Ông Nguyễn Văn Giàu cũng bày tỏ một số ý kiến băn khoăn về công tác dự báo, công tác thống kê và đánh giá tình hình đang tiếp tục bộc lộ hạn chế. "Một số chỉ tiêu quan trọng như cán cân thương mại, thu ngân sách, tăng trưởng dư nợ tín dụng thông tin độ chính xác chưa cao, điều chỉnh nhiều lần và có khác biệt khá lớn giữa các lần báo cáo, công bố thông tin”, ông nói.

Báo cáo của UBKTQH dẫn chứng cụ thể:

>>>>>> Đọc tiếp tại đây

Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới