Hủy

VAMC vẫn đủ nguồn lực để xử lý nợ xấu

Thứ Tư | 03/09/2014 10:44

Về xử lý nợ xấu, thời điểm này chưa cần thiết phải vay vốn quốc tế, ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC nói.
 

Theo số liệu của NHNN, đến cuối tháng 6/2014, nợ xấu của toàn hệ thống TCTD có xu hướng tăng so với cuối năm 2013. Dư luận cho rằng, với phương thức xử lý nợ xấu như hiện nay thì phải mất thêm thời gian lâu nữa tình hình mới được cải thiện. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC không đồng tình như vậy.

Theo ông Hùng, nợ xấu tăng một phần do các TCTD phải thực hiện Thông tư 02 của NHNN với những quy định mới về phân loại tài sản, trích lập dự phòng rủi ro trong hoạt động của TCTD chính thức được áp dụng từ 1/6/2014. Và quan trọng nhất, nợ xấu có xu hướng gia tăng còn do những khó khăn nội tại của nền kinh tế. DN vay vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh nhưng hàng hóa tiêu thụ chậm, tồn kho lớn dẫn đến khó có khả năng trả nợ ngân hàng… "Nên, nếu đặt vấn đề chậm xử lý nợ xấu (XLNX), tôi không cho như vậy", ông Hùng nhấn mạnh.

Vì sao? Trước hết, với kết quả xử lý như trên thì không phải là chậm với một mô hình tổ chức mới, cơ chế hoạt động đặc thù. Hiện VAMC đang thực hiện XLNX với sứ mệnh đặc biệt, trong giai đoạn đặc biệt là không dùng nguồn ngân sách mà XLNX bằng TPĐB. Đây là mô hình chưa nước nào trên thế giới làm. Vì vậy, chúng tôi vừa làm vừa nghiên cứu để tìm ra đường đi phù hợp, trong hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Với kết quả bước đầu như trên, có thể nói Chính phủ, NHNN đã đưa ra phương án thành lập VAMC để XLNX rất phù hợp với thực tế.

Phải chăng do VAMC thiếu nguồn lực để xử lý dứt điểm nợ xấu nên các TCTD vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro 20%/năm giá trị khoản nợ đã bán cho VAMC, thưa ông?

Vừa qua, VAMC đã sử dụng công cụ của mình là TPĐB để XLNX và cho đến nay chưa có vấn đề gì. TCTD được dùng TPĐB để vay tái cấp vốn tối đa 70% giá trị TPĐB với lãi suất thấp hơn 2% lãi suất cho vay tái cấp vốn thông thường của NHNN. Kể cả khi TCTD cần thêm vốn thì cũng được NHNN bơm vốn để phục vụ mục tiêu tăng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nhưng hiện các TCTD đang tạm thời dư thừa thanh khoản.

Chúng tôi đang tiến tới mua nợ xấu theo thị giá. Nhưng muốn làm được trước hết VAMC phải có vị thế, có tiềm lực tài chính. Vì vậy, chúng tôi đã đề nghị Chính phủ, NHNN cho tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng để tăng tiềm lực, khi cần có thể huy động vốn trên thị trường. Hiện trong nước đang dư thừa vốn, không lý gì chúng tôi không đặt vấn đề huy động vốn trong nước thông qua phát hành trái phiếu, tín phiếu.

Tôi cho rằng, thời điểm này chưa cần thiết phải vay vốn quốc tế. Nhưng dù VAMC sử dụng nguồn tiền nào để XLNX chăng nữa cũng phải có trách nhiệm. VAMC là DN hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng cũng phải đủ bù đắp chi phí và dự phòng rủi ro. Do đó, XLNX là cần thiết, nhưng phải tính toán hết sức kỹ.

Nếu cho rằng chúng tôi “mua thời gian” khi mua nợ xấu bằng TPĐB thì cũng là để các DN có thêm thời gian được cứu chữa. Hãy đặt vấn đề: Nếu tài sản đảm bảo của gần 3.536 khoản nợ xấu của hơn 2.057 khách hàng là nhà xưởng, máy móc… mà VAMC mua của TCTD đều đem ra bán sẽ như thế nào? Cuộc sống của hàng ngàn người lao động trong các DN này sẽ ra sao?

Vì vậy, chúng ta XLNX nhưng phải xử lý hài hòa, tổng thể lợi ích xã hội, lợi ích của DN, của người lao động. Do đó, khi mua nợ xấu VAMC sẽ tiến hành đánh giá, phân loại. Những “bệnh nhân” nào còn cứu chữa được chúng tôi sẽ thực hiện biện pháp cứu chữa như: cơ cấu lại nợ; miễn, giảm lãi suất; thậm chí cấp tín dụng mới để tạo điều kiện cho họ có thể tiếp tục sản xuất kinh doanh, trả được nợ. Chỉ khi nào xác định không thể cứu chữa được nữa chúng tôi mới tiến hành phát mại, bán đấu giá tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, việc này cũng không hề đơn giản.
Ông có thể nói cụ thể hơn?
Với 70% tài sản thế chấp là bất động sản, trong bối cảnh thị trường trầm lắng như hiện nay thì việc bán tài sản đảm bảo trong các khoản nợ xấu không dễ dàng gì. Thực tế là đã có tài sản chúng tôi mang ra đấu giá 3 lần, mỗi lần giảm đến 10% giá mà cũng không ai mua. Thậm chí có khoản nợ TCTD mang đấu giá đến 7 lần cũng không bán được.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là bán tài sản với mức giá nào? Nếu sau này giá tài sản đó tăng mà lúc này bị bán với giá thấp hơn rất nhiều định giá ban đầu của TCTD khi xét duyệt cho vay thì có bị hình sự hóa không? Vì vậy, cần có thêm những cơ chế, chính sách cụ thể hơn để hỗ trợ cho chúng tôi XLNX. Tất cả những vướng mắc liên quan đến vấn đề này VAMC đã tổng hợp trình NHNN, Chính phủ. Bộ Tư pháp đang phối hợp với NHNN, VAMC để rà soát lại lần cuối trước khi ban hành Thông tư về đấu giá tài sản liên quan đến XLNX. Đây là điều kiện thuận lợi cho VAMC đẩy nhanh tốc độ XLNX.

Xin cảm ơn ông!

Từ tháng 10/2013 đến ngày 28/8/2014, đã có 35 TCTD bán nợ cho VAMC với 2.057 khách hàng, 3.536 khoản nợ; tổng dư nợ gốc VAMC đã mua 58.937 tỷ đồng nợ xấu; VAMC đã phát hành 42.966 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt (TPĐB). Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, VAMC đã mua 19.630 tỷ đồng nợ xấu với giá mua 16.237 tỷ đồng của 35 TCTD. Dự kiến hết năm 2014, VAMC sẽ mua từ 70.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu.

Nguồn Thời Báo Ngân hàng


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới