Hủy

“Vấn đề lấy phiếu tín nhiệm 2 mức vẫn đang được bàn bạc”

Thứ Ba | 25/11/2014 19:48

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc thiết kế 3 mức tín nhiệm là để phân biệt giữa lấy phiếu và bỏ phiếu.
 

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc (Ảnh: Thảo Nguyên)
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc (Ảnh: Thảo Nguyên)

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về việc nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận trên hội trường đề nghị chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm theo 2 mức, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết vấn đề này vẫn đang được bàn bạc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có giải trình thấu đáo về vấn đề này. Ông Phúc cũng nêu rõ, ý kiến trên hội trường là ý kiến của các đại biểu phát biểu, còn những người chưa phát biểu thì ý kiến có thể khác.

Về quan điểm cá nhân, ông Phúc cho rằng việc thiết kế 3 mức tín nhiệm là để phân biệt giữa lấy phiếu và bỏ phiếu. Việc lấy phiếu 3 mức là để đánh giá tín nhiệm, giúp các cơ quan đánh giá cán bộ. Ông Phúc cũng đồng tình việc bỏ phiếu tín nhiệm chỉ lấy 2 mức.

Ông Phúc khẳng định việc lấy phiếu tín nhiệm theo 3 mức hoàn toàn không trái với bất cứ quy định nào. Còn việc bỏ phiếu tín nhiệm thì phải theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội.

Về ý kiến cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm theo 3 mức là mặc nhiên công nhận không có mức “không tín nhiệm”, ông Phúc nhấn mạnh: “Vị nào có nhiều phiếu tín nhiệm thấp thì chắc chắn phải bỏ phiếu tín nhiệm, do vậy không cần quy định mức “không tín nhiệm”. Còn việc chọn mức tín nhiệm nào là quyền của đại biểu Quốc hội. Nếu còn băn khoăn giữa hai mức tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp thì có thể chấm mức “tín nhiệm”.

Luật quy định khi có 20% đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp thì đề nghị bỏ phiếu, nhưng đây mới chỉ là đề nghị chứ không phải là bỏ phiếu hay 1 ủy ban nào kiến nghị. Nhưng để có được điều kiện đó thì rất khó nên qui định từ lâu nhưng chưa thực hiện bỏ phiếu. Việc sửa Nghị quyết lần này thiết kế qui định lấy phiếu nếu có tín nhiệm thấp thì chuyển sang bỏ phiếu.

Cũng theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, sở dĩ phải sửa Nghị quyết 35 mặc dù đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc lấy phiếu tín nhiệm vì trong Nghị quyết quy định việc lấy phiếu được tiến hành 1 năm/lần, nếu không sửa thì năm sau sẽ lại tiếp tục lấy phiếu. Quãng thời gian giữa lần lấy phiếu trước và lần lấy phiếu sau như vậy quá ngắn, người được lấy phiếu tín nhiệm không đủ thời gian để khắc phục./.

Nguồn VOV News


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới